Một mình vào Hạ
Chờ đến Thu vàng
Rồi Đông sẽ tới
Hay là Xuân sang ?
Chủ Nhật, được nghỉ Toán cô Nguyệt. Thế là lại lê bước chân trên con đường nhỏ dẫn vào giảng đường. Chẳng có gì đặc biệt, chuyện gì cũng có cái giá của nó cả. Mua đắt hay rẻ hãy còn hậu xét, quan trọng trước mắt là đang cần mua.
Giờ nghỉ trưa. Theo nhịp sinh học của một con người sống trong cộng đồng từ nhỏ thì cứ đến trưa ắt có hai nhu cầu cơ bản xuất hiện: ăn và ngủ. Mặc dù ăn cũng có nhiều chuyện để kể nhưng đáng tiếc lại không diễn ra vào hôm nay, vì thế cứ để nó lại đó và đến với cái nhu cầu còn lại.
Theo quan điểm của phương Đông thì ngủ là cách hồi phục sinh lực tốt nhất, và nếu cơ thể đã rệu rã quá rồi thì cách hay nhất là ngủ ngàn thu để đầu thai vào kiếp khác. Y học hiện đại lại chỉ ra rằng ngủ trưa, dù chỉ 10 – 15 phút sẽ giúp cho đầu óc minh mẫn hơn và làm việc hiệu quả hơn. Nói dông dài thế để cho thấy việc ngủ trưa là rất cần thiết, và tôi hoàn toàn không có ý định thành lập bất kỳ hội nào chống lại cái sinh lý này.
Đi sâu hơn một chút về ngủ. Đã là nghỉ ngơi thì phải thật thoải mái. Với tôi thì ngủ nằm luôn là thoải mái nhất. Chắc đa số mọi người cũng nghĩ vậy, nên rất nhiều người thay vì gục ngủ ngay trên bàn thì có một số kha khá tìm ghế trống để ngả lưng đánh giấc, và từ đây, cái sự Cho Hãm bắt đầu.
Tôi, như mọi khi, vẫn ngồi bàn cuối cùng. Bàn ngay phía trên không còn ai, vậy là một chàng trai cơ bắp rắn chắc, thân hình thon gọn đến và thả mình lên đó phó mặc số phận cho cơn buồn ngủ đang ập đến rất nhanh, và phó mặc cho cái mông thoải mái nằm chình ình ngay trước mặt gã khốn khổ ngồi ở bàn sau. Nói một cách hết sức thật lòng là tôi luôn mong muốn sẽ không có ai ốm đau cả, nhưng trong hoàn cảnh này thì có lẽ anh chàng kia nên bị liệt ruột cơ năng cho đến khi vươn vai tỉnh lại và ngồi dậy thì tốt hơn cho cả tôi và anh ta. May mắn thay, chỉ 5 phút sau, cô bạn gái nhỏ nhắn của anh sang lay anh dậy, và đôi uyên ương hạnh phúc sang giảng đường 7, thiên đường của tình yêu, bỏ lại một kẻ được họ cứu thoát khỏi cái án hít hơi ngạt lơ lửng trên đầu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Thở phào nhẹ nhõm, ngay lúc này, đáng tiếc là hãy còn quá sớm, bởi buổi trưa mới bắt đầu. Trai đi, gái lại tới. Lần này là một cô gái mặc áo đen có khuôn mặt hãy còn nét thôn dã chưa bị phấn son nơi đô thị làm cho phai tàn cùng thân hình đầy những đường cong gợi cảm với ba vòng bằng nhau chằn chặn. Đàn ông mạnh mẽ đánh trung lộ, còn phụ nữ mềm mại tấn công biên. Nàng nằm vào chiếc ghế ở dãy bàn ngay bên cạnh, tuyệt vời làm sao, ngang với ghế tôi ngồi, với tư thế đầu quay vào hướng không phải là lối đi giữa hai dãy bản. Lần này khoảng cách mặt – mông có xa hơn đôi chút. Tuy nhiên, nếu dựng một hình có ba đỉnh là đỉnh mũi của tôi, đỉnh xương cụt của cô gái, đỉnh còn lại là giao điểm của đường thẳng vuông góc với mặt đất, đi qua đỉnh mũi của tôi và mặt phẳng đi qua trục dọc cột sống của cô gái, song song với mặt đất thì ắt chúng ta sẽ thu được một tam giác vuông cân hoàn hảo như rất nhiều thứ khác trong tự nhiên, mà cái bản tính của cô gái kia là một. Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai. Lần này thì phải chịu án treo đến tận khi chú Hoan lên mở cử giảng đường 9.
May mắn là từ lúc đó cho đến tối chỉ toàn tiếng cười sảng khoái từ những người bạn, mà tác giả của 90% trong số đó là Trương Văn Bạn. Trời đổ trận mưa, ta có trận cười. Quần áo ướt nước mưa, tâm hồn đẫm vui vẻ. Cám ơn anh bạn lạc quan (may mà gái chú ở nhà ôn thi, không thì chú cũng bỏ anh đi rồi).
P/S: Bức ảnh phản cảm dưới đây chỉ mang tính chất minh họa, hoàn toàn không có ý đả kích bất cứ cá nhân nào xuất hiện hay không xuất hiện trong ảnh.
Lần cuối cùng mặc blouse với tư cách sinh viên…
Căng thẳng là điều khó tránh khỏi. Mọi tin tức đều chỉ có giá trị tham khảo cho đến khi chính bản thân mình là người trải nghiệm, nhất là trong trường hợp 45 phút ấy quyết định cho cả 18 năm đi học của một con người thì cái việc tham khảo lại càng chỉ mang tính tham khảo hơn bao giờ hết.
Nhẹ nhõm khi cô Hồng bước vào, mừng phát điên khi thấy cô Yến B để rồi lại hụt hẫng đến khốn khổ khi cô đi ra, quặn thắt từng cơn khi biết cô Vân A là người còn lại, và thanh thản nhẹ nhõm khi hóa ra cũng không đến nỗi bi đát như mình tưởng, trải qua từng ấy cung bậc cảm xúc thì lại càng nghiêng mình kính phục trái tim quả cảm vẫn đều đặn làm việc để giữ cho cái cơ thể to xác vốn đã luôn ngơ ngẩn thường xuyên khỏi lên cơn khùng điên đột xuất. Dù sớm nay có ngừng đập khi nhìn thấy một hình bóng đã khiến nó thổn thức thưở nào thì cuối cùng, vào những giây phút quan trọng nhất, trái tim ấy đã gồng mình quyết không để cái gã nó đang phục vụ gục ngã trước ngưỡng cửa quyết định số phận của cả hai. Cám ơn nhé, trái tim dũng cảm và thường xuyên loạn nhịp.
Lại có cảm giác như đang nghe một bài giảng ôn tập hơn là cố gắng lấy điểm cao. Hình như bản chất của thi cử vốn là vậy, và lẽ ra cũng nên khiến người ta có cảm giác như vậy. Đơn giản, nhẹ nhàng và nhớ lâu.
Một điều khác rút ra là trong khi kiến thức của mình thì hình như vẫn vậy, luôn ngu dốt và muôn đời vẫn chỉ là học trò, thì dũng khí (hay sự liều mạng ???) lại tăng tiến dần theo thời gian. Đôi khi thắng lợi ngoạn mục (ai cũng mong cái này), đôi khi suýt chết (rất nguy hiểm), và đa số là chết thật sự (không còn gì để nói).
Phải thừa nhận Nhi rất hay, nhưng tôi lại không thích học Nhi chút nào. Số bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều lắm, nhưng cũng chẳng phải tất cả, và mỗi lần thất bại là một lần uất ức. Tôi ghét cảm giác bất lực nhìn bệnh nhi thoi thóp cố duy trì sự sống yếu ớt vừa được ban cho, ghét nhìn nước mắt đau khổ của những bà mẹ, nét mặt nhăm nhúm đến khốn nạn của những ông bố, ghét cả cái việc cho thuốc hàng ngày chỉ để cố kéo dài sự sống theo kiểu tới đâu hay tới đó. Trẻ con chẳng có tội tình gì, sao nhiều bệnh nan y thế ?
Cũng may, đi viện mới biết tình yêu của mình chưa là cái gì. Nhiều người tốt lắm. Có chị quý bệnh nhân, hay mua đồ chơi, truyện cho các cháu, cứ ngồi khóc những khi biết mình chẳng thể chữa nổi bệnh. Đi trực Sơ sinh lại toàn đúng tua chị ấy, hay thế!
Viện Nhi với tôi lại là một nơi khá đặc biệt, nơi đầu tiên cho tôi khái niệm về bệnh viện, nơi tôi gắn bó cả tuổi thơ của mình. Không, rất may mắn tôi vốn là đứa trẻ khỏe mạnh, không hay đau ốm. Nhà tôi ở ngay trong viện. Cũng chẳng biết tình yêu của tôi với nghề này có đóng góp bao nhiêu phần từ sự gắn bó ấy, nhưng phủ nhận hoàn toàn thì quả là không biết điều chút nào.
Đây cũng là nơi trái tim tôi lần đầu tiên biết ngừng đập. Mối tình đầu của tôi…Hai mối tình đầu…
Hồi tưởng từ những ngày đầu tiên cho một lần cuối cùng…
Cũng là tình yêu trong chiến tranh, nhưng Giamilia lại kể về cô gái có chồng đi lính bỏ nhà theo một anh thương binh. Nó trái ngược hẳn với hình tượng cứng nhắc thường được xây dựng trong bao tác phẩm khác: người phụ nữ chung thủy chờ chồng mình trở về.
Câu chuyện vì sao Giamilia lấy chồng hoàn toàn không được mô tả. Chính xác thì trước đó cô có yêu chồng hay không, chẳng ai dám khẳng định. Nếu không yêu thì cô trông mong những lời hỏi thăm trong thư của chồng làm gì để rồi luôn thất vọng. Nếu có thì hình như không phải, có thấy cô nhớ thương gì chồng đâu ? Mà có lẽ việc ấy cũng chẳng quan trọng nữa, vì rõ ràng là càng ngày Giamilia càng xa cách gia đình nhà chồng. Bề ngoài, đó là người con dâu khỏe mạnh, tháo vát, chăm chỉ làm việc, cô gái đáng mơ ước. Những gã trai rỗi việc tán tỉnh cô, mẹ chồng tin tưởng cô, mong muốn cô thay thế vị trí của mình. Tiếc thay, người ta chỉ nhìn thấy cái hiện ra trước mắt mà chẳng buồn tìm hiểu tâm hồn nồng nàn, khát vọng tình yêu của Giamantai. Thế là mặc dù bao người vây quanh, hóa ra cô lại cô đơn. Vẫn giữ mình, không sa đà vào thói trăng hoa, nhưng người phụ nữ trẻ ấy cũng chẳng có hy vọng gì nơi anh chồng khô cứng đang ở chiến trường xa cách.
Cô độc, Danyar biểu hiện theo cách khác hẳn Giamilia. Anh không còn ai thân thích ruột thịt. Cả cái làng Kirghizia cũng như Cadakhơ đều là có thể gọi là họ hàng anh, nhưng nếu tính theo thế hệ có lẽ sự liên quan ấy xa đến nỗi nó chỉ như một cái cớ để gắn kết mọi người với nhau mà thôi. Cũng chẳng ai hiểu rõ quá khứ của anh. Người ta biết anh từng đi lính, giờ là thương binh, nhưng mọi cố gắng tìm hiểu về thời gian chỉ mình anh biết ấy đều bị chính chủ nhân chặn đứng một cách dứt khoát. Hình như những vết sẹo nơi trái tim anh vẫn nhói đau mỗi khi có người định chạm vào. Nếu cô gái tỏ vẻ bất cần, vẫn đùa vui thì anh thương binh tự thu mình lại. Anh chẳng cười nói mà cũng chẳng cáu gắt, đơn giản anh làm việc của mình, và ngồi trầm tư nhìn về một nơi xa xăm nào đó, chìm đắm trong thế giới chỉ mình anh hiểu.
Số phận đã đẩy hai kẻ cô độc, hai bề ngoài trái ngược đến với nhau. Giamilia được chọn đi chở gạo vì cô là người tháo vát, đánh xe ngựa thành thạo như đám đàn ông. Để tránh cho bà mẹ chồng khỏi lo lắng cô con dâu bị chọc ghẹo, người ta chọn Danyar, kẻ lầm lì và, theo mọi người nghĩ, không biết tình cảm nam nữ là cái gì. Ồ! Đó là người ta nghĩ vậy. Lần đầu tiên gặp Giamilia, từ biểu hiện mà nói anh thương binh cũng bị vẻ đẹp của cô thu hút, nhưng thói quen lâu ngày với cái vỏ tự tạo ra khiến anh chỉ dừng lại ở đó thay vì trêu ghẹo cô như những gã trai khác.
Mà chuyện sẽ thế nào nhỉ, nếu anh trêu ghẹo cô, nếu Giamilia không đùa ác, nếu Danyar không đột nhiên cất tiếng hát những bài ca từ đáy lòng mình, nếu…Rất nhiều thứ sẽ thay đổi nếu…, tất nhiên, những chuyện đã xảy ra cũng chỉ là một vài trong vô số những cái “nếu…” ấy. Có gì lạ lùng đâu, một khi số phận đã bắt đầu cái gì, nó sẽ có cách kết thúc của riêng mình, đôi khi là hạnh phúc, đôi khi là đau khổ. Cuộc sống vốn như thế, luôn bất tận, luôn có nhiều ngã rẽ mà chẳng ai biết được điều gì chờ mình phía trước.
Lần này, một cách vui mừng, người đọc phải thốt lên: “May mắn thay!”, hai kẻ cô đơn đã đến với nhau, cô con dâu giỏi giang của gia đình khá giả bỏ nhà theo gã thương binh nghèo khổ tay trắng. Dân làng không thể lý giải nổi chuyện động trời ấy. Ồ! Họ nhìn thay vì cảm nhận nên sẽ không bao giờ hiểu nổi những kẻ bỏ trốn. Người ta nguyền rủa hai kẻ đáng thương. Chuyện này có tác dụng sao ? Nếu nguyền rủa mà giết được người khác thì e rằng thế giới này sẽ chẳng còn ai cả. Còn gì có thể ảnh hưởng đến hai người nữa đây ? Tình yêu đã cho họ dũng khí, cho họ can đảm rời bỏ tất cả để bắt đầu cuộc sống khác, cuộc sống thật sự của hai tâm hồn thay cho cuộc đời của hai cái xác.
Một nhân vật không thể không nhắc tới, chính là “Tôi”. “Tôi” cũng thầm yêu Giamilia, yêu thật sự. Thế nên cậu không ghen khi biết nàng yêu Danyar. Không, mối tình ấy quá đẹp, khiến “Tôi” không kìm nổi cảm xúc của mình, thôi thúc cậu vẽ nên những bức tranh về hai người, khiến cậu lo sợ khi dân làng truy bắt đôi tình nhân, để rồi thở ra nhẹ nhõm khi biết người ta đi sai đường. Tình yêu của “Tôi” là thứ tình yêu trong sáng của một chàng trai chưa phải nếm trải những mùi vị khó chịu của cuộc đời. Mối tình đầu! Rất dịu dàng, và cũng rất dằn vặt. Bao năm rồi, “Tôi” vẫn chẳng quên nổi Giamantai, vẫn bị thôi thúc cái cảm giác phải vẽ về đôi tình nhân ấy. Ôi, mối tình đầu!
Gấp sách lại, câu hỏi cuối cùng chẳng thể giải đáp nổi của cả “Tôi” và chúng ta là hai người ở đâu, sống ra sao. Nhưng thắc mắc này có lẽ cũng chẳng cần phải trả lời, bởi có đi đâu chăng nữa họ vẫn đang ở thiên đường của riêng mình. Nơi chốn lúc này chỉ còn là quy ước địa lý của con người mà thôi.
Một hệ quả không vui vẻ gì lắm từ việc quán nước nghỉ bán là tôi lại phải có khoảng thời gian rỗi rãi vào tối thứ 7. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, mọi việc chưa đâu vào đâu như hiện tại thì nghỉ ngơi không tự nguyện kiểu này đúng là một sự khó chịu. Tất nhiên không thích thì cũng chẳng thể phá bỏ chướng ngại, chỉ còn cách chấp nhận sự có mặt của nó mà thôi. Và phương án đơn giản nhất để không tiêu phí mất hơn 4 tiếng đồng hồ hàng tuần là café sách.
Thật lòng mà nói tôi vẫn luôn tin rằng cái nghề mình theo đuổi cũng là một kiểu nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự kết hợp tinh tế và chính xác giữa khối óc và đôi bàn tay, sự hòa quyện bắt buộc của trái tim nóng hôi hổi và cái đầu lạnh như băng, và có lẽ không ở đâu mà lý thuyết lại chỉ là màu xám, còn cây đời thì xanh tươi mơn mởn như trong nghề này. Đáng tiếc là với những kẻ mơ vượt vũ môn lần thứ hai thì để có được màu xanh của sự sống ấy bắt buộc phải vật lộn với cái màu xám khắc nghiệt đến mức bị nó ám ảnh, chập chờn trong cả những giấc mộng. Vì thế việc đổi gió tối thứ 7 có lẽ cũng không hẳn là tồi tệ quá. Cứ xem như một cách tưới mát cho cái tâm hồn vốn đã nghèo nàn và cằn cỗi nay lại càng xơ xác vì quanh năm suốt tháng chỉ còn biết mài đũng quần trên giảng đường mà nhai đi nhai lại những chấn thương bụng và gãy xương chi.
Với tinh thần như thế, sau hai tối không chốn nương thân mà học tập, tôi cũng đọc nốt được cuốn Truyện ngắn của Chekhov vốn đã phải tạm ngừng từ cả năm nay. Mặc dù chỉ biết một số rất ít nhà văn nổi tiếng nhưng với cảm nhận của bản thân thì có lẽ việc người ta tôn xưng ông là một trong ba ông vua của thể loại truyện ngắn chắc cũng chẳng phải quá lời. Nhìn chung các truyện của Chekhov đơn giản, nhẹ nhàng, trong đó sự việc được thuật lại một cách khách quan, hay chính xác hơn là lời bình luận của các nhân vật đơn giản là của bản thân họ, không có chút ảnh hưởng nào đến nhận định của độc giả. Tất cả đều xoay quanh cuộc sống của người dân Nga thời bấy giờ, chậm rãi, đều đặn, không có cao trào kịch tính như thường thấy ở tác phẩm của các nhà văn khác. Chúng luôn làm tôi liên tưởng đến lưỡi dao cạo. Cả hai đều nhỏ gọn, mỏng manh, và nhất là cái cách chúng để lại dấu ấn mới thật giống nhau: nhẹ nhàng nhưng sắc bén, đủ để người ta phải chú ý đúng mức.
Cũng chính vì xây dựng theo hướng như vậy nên với bản thân mà nói, phân tích kỹ từng truyện của Chekhov là việc khó làm nổi. Lời lẽ sáo rỗng hoàn toàn không thích hợp với những câu chuyện ngắn gọn, súc tích như thế này. Cách duy nhất tôi có thể chia sẻ là mời người khác cùng đọc với mình. Có lẽ là một kiểu không thể thốt nên lời chăng ?
Ngọc lan thoang thoảng thơm dịu êm
An ủi hai kẻ đứng bên thềm
Ghét người nên chẳng yêu hoa nữa
Hương vẫn dìu dịu tan vào đêm
Mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên trên đó thả hồn thơ
10 năm...Trùng hợp! Nhiều điểm khác, vài chỗ giống. Noel, có cô bạn tặng mình cái thiếp với lời tặng khó hiểu: "Sơn ơi! Có ai học được chữ "ngờ"...". Có lẽ chơi chữ thôi. Chắc cô ấy cũng không nghĩ sau đó quả có chuyện bất ngờ thật. 10 năm sau, câu này lại ứng một lần nữa...
À, bài này vốn không phải là nguyên gốc, mà được đọc qua trí nhớ của anh Tùng :) Cá nhân mình thích bản này hơn bản gốc của Hàn Mặc Tử, nhưng tôn trọng tác giả, đưa thêm bản gốc lên đây:
Em lấy chồng
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ
P/S: Đến giờ hình như vẫn chưa cám ơn anh Tùng thì phải :) Hồi ấy có mỗi anh hết lòng giúp em :) Cám ơn anh nhé.
Lần đầu tiên gặp nhau
Em cũng mặc áo đỏ
Đến giờ anh vẫn nhớ
Ngày ấy...ở phía sau!
Nhân đọc bài Áo đỏ của Vũ Quần Phương
Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không?
Để chào mừng Giờ Trái Đất
Người ta tắt điện, đi đốt nến...
Giai thanh gái lịch phi xe máy ra đường...
Và giảng đường trường Y đóng cửa...Merde!!!
Tham vấn, họ là ai ?
Họ là những viên đại tướng dũng mãnh nhất, dày dạn kinh nghiệm nhất của quân đoàn bác sĩ trong cuộc chiến chống lại tử thần.
Khi phải thỉnh tướng ra trận đồng nghĩa với một ca bệnh cực nặng, cực khó. Có thể nói 9 phần chết chỉ có 1 phần sống. Và tham vấn chính là những người có khả năng nhất trong cuộc giằng co đòi lại 1 phần sống ấy.
Tham vấn chính là người tạo nên sự khác biệt.
Nói theo cách của dân Ngoại, tham vấn là Siêu Đao.
Tôi tự cho mình thuộc dạng may mắn, khi cũng được phụ kha khá cho các tham vấn. Tuy nhiên phải đến một trường hợp đặc biệt, có lẽ là ca mổ đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất trong đời sinh viên của mình tôi mới cảm thấy xúc động đến vậy.
Bệnh nhân nữ, vào viện lúc 2h sáng vì TNGT. Các dấu hiệu lâm sàng đều chỉ điểm đến một trường hợp vỡ gan khá điển hình. Sau khi hồi sức, BN được đưa đi chụp CT, và kết quả càng khẳng định chẩn đoán sơ bộ: Vỡ nát 4 HPT V, VI, VII, VIII (nghĩa là toàn bộ gan phải) và một phần HPT IV.
Sau khi xem phim CT, tất cả đều cho rằng ca này sẽ phải mời tham vấn. Tuy nhiên việc duy trì đến bao giờ thì không nói trước được.
3h sáng, BN lâm vào tình trạng shock mất máu, hồi sức HA không lên. BS cọc II chỉ định mổ cấp cứu.
BN gây mê NKQ, mở bụng đường Mercedes.
Ngay khi vửa mở vào ổ phúc mạc, máu trào ra, hút không kịp. Hàng loạt gạc lớn được sử dụng để chèn vào gan, tiếp đó là pince kẹp cầm máu. Cuối cùng cũng có thể nhìn rõ tổn thương: BN bị vỡ nát gan phải và một phần HPT IV. Hướng xử trí là cắt gan phải mở rộng.
Mặc dù đã máu đã tạm thời ngừng chảy, dù đã nhìn rõ tổn thương, dù đã có hướng xử trí nhưng từ suy nghĩ đến thực tiễn là cả một khoảng cách dài.
Không khí phòng mổ im lìm, ngột ngạt và khó chịu vô cùng. Tham vấn đã được mời, xe cũng đã lên đường. Trong khi chờ vẫn phải xử trí những gì có thể làm được. Biết là những thao tác này sẽ giúp cho cuộc mổ dễ dàng hơn, nhưng bất lực là thứ cảm giác rõ ràng nhất lúc ấy. Bản thân BS mổ cũng sốt ruột nên cứ 15 phút lại giục gọi điện hỏi xem đã mời chưa, xe đã đi chưa, đi từ bao giờ…
Giữa lúc tưởng như mọi chuyện đã đi vào ngõ cụt, chợt nghe tiếng tham vấn: ”Thế nào rồi?”. Vẫn từng ấy ngọn đèn, nhưng cả phòng mổ như bừng sáng khỏi bóng đen của sự bế tắc. Thứ không khí âm u, đặc quánh, đầy mùi chết chóc tan biến đi, để lại bình minh và hy vọng. Mặc dù hơi khập khiễng, nhưng có lẽ 2 câu thơ này là thích hợp nhất để mô tả cảm giác khi đó:
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà.
BN vẫn nằm đó, vẫn rất nặng, nhưng có vẻ ai cũng nhẹ nhõm, cứ như cứu được BN rồi vậy.
Nhìn tham vấn mổ thấy kể cũng lạ. Cũng những thao tác ấy, cũng những dụng cụ ấy thôi, sao trông khác thế nhỉ. Làm nhanh hơn ư ? Ngược lại. Từng động tác rất chậm rãi từ tốn, nhưng rõ ràng, chắc chắn. Nói theo phương Đông, là rất có thần thái. Mặc dù xử trí thì đúng như dự kiến ban đầu: cắt gan phải mở rộng, nhưng không hiểu sao trong tôi dâng lên một niềm tin mãnh liệt rằng BN sẽ sống, có thể sẽ trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ sống.
Hôm ấy lần đầu tiên tôi đứng xem mổ mà không có một chút cảm giác mệt mỏi nào, thậm chí còn nhìn một cách chăm chú, cố gắng không bỏ sót hành động nào, dù là nhỏ nhất. Cũng giống cái cảm giác choáng ngợp trước một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời vậy, bạn muốn đắm chìm trong nó, tận hưởng từng phần nhỏ nhất của nó.
6h sáng, ca mổ kết thúc.
7h sáng, hết tua trực, rã rời, lấy xe về nhà nhưng cảm thấy thoải mái vô cùng.
Tình yêu càng được củng cố.
P/S: Bệnh nhân này sau 2 tuần nằm viện đã hồi phục. Tuyệt vời!