Lâu lắm rồi mới dùng bút mực...
Năm 1991, tôi bắt đầu cuộc đời học sinh của mình. Không rõ trẻ con bây giờ thế nào, hồi ấy học sinh cấp I phải dùng bút máy và viết bằng mực tím, còn mực xanh là cho cấp II trở lên. Cho đến khi bài viết này ra đời tôi vẫn không biết thật ra có cái quy định nào yêu cầu như thế không, nhưng rõ ràng là áo trắng và mực tím đã trở thành hai biểu tượng của tuổi học trò, đến mức có hẳn một tờ báo dành cho thanh thiếu niên mang tên Mực Tím, còn thời học sinh thì gọi là thời áo trắng.
Cây bút đầu tiên của tôi (giờ thì có trời mới biết hiệu gì) đại khái có vỏ nhựa, ngòi na ná như của bút Hồng Hà bây giờ. Nét chữ khá to nên khi viết dễ bị lem nhem. Với nó, bài chính tả của tôi chưa bao giờ lên đến điểm giỏi, cố lắm cũng chỉ ở mức khá.
Có lần mẹ hỏi tại sao không bao giờ được 10 điểm chính tả, tôi nhớ đến đứa bạn cùng lớp (cũng quên tên luôn...) có cây Kim Tinh nhìn tròn trịa, nhã nhặn chứ không thô như cây của mình, nét bút thì mảnh mai. Bài viết của thằng này trông rất sạch, mà cũng hay được điểm cao. Nghe trình bày, mẹ chỉ hỏi nếu mua bút Kim Tinh thì liệu có chắc chắn tôi sẽ được điểm cao không. Tất nhiên ông con khẳng định một cách đầy tự tin. Thế là hôm sau, tôi đã có thêm một cây bút nữa.
Hồi ấy một cây Kim Tinh giá 5.000 đồng. Chiếc của tôi là loại nhỏ, dài cỡ 10cm gì đó, thân bằng nhựa màu nâu, nắp cũng bằng nhựa, phủ một lớp mạ màu vàng. Lúc mới mua về, bố tháo từng phần của bút ra rồi ngâm trong nước xà phòng cho hết dầu. Về sau, những khi tháo tung bút ra để ngâm, để sửa đều là lấy kinh nghiệm từ lần đầu tiên này.
Ngâm đủ thời gian, vẩy khô, lau sạch, lắp lại, cắm đầu bút vào lọ và bắt đầu bóp bình mực cao su. Cứ mỗi nhát bóp, niềm vui của tôi lại trào dâng theo từng giọt mực được bơm vào. Đầy bình, đóng thân bút, viết thử. Từng nét chữ thanh mảnh hiện ra trên giấy. Hôm ấy, đống bài tập về nhà được hoàn thành sớm hơn dự kiến với sự hăng say, miệt mài và đầy vui thích . Sau này tôi còn trải qua rất nhiều lần thay bút khác, nhưng chưa bao giờ việc viết thử lại đem đến cho tôi sự sung sướng như lần đó.
Bài chính tả tiếp theo, tôi được 10. Kim Tinh trở thành cây bút duy nhất tôi sử dụng trong suốt một thời gian dài. Môn chính tả thì lúc cao lúc thấp, nhưng xét ra vẫn là có cải thiện so với trước.
Con trai, tính vốn hiếu động và bất cẩn, dù rất cố gắng thì vẫn có những lúc không tránh khỏi làm rơi bút, và một lần như vậy, đầu bút xuất hiện vết nứt, mực cứ theo đó trào ra, còn lòng tôi như bị dao cắt mà chẳng biết làm thế nào, đành kiếm cây khác mà dùng.
Sau này tôi còn được thử qua rất nhiều loại bút khác, đa phần là của Việt Nam và Trung Quốc, thậm chí có cả bút Kim Tinh các cỡ, nhưng không chiếc nào đem lại được cảm giác như cây Kim Tinh đầu tiên ấy. Không rõ về sau chất lượng bút kém dần đi hay do bị cảm xúc chi phối nên thấy vậy. Dần dần tôi chuyển sang dùng bút bi, vừa sạch sẽ, vừa tiện lợi hơn, nhưng ký ức về một thời tay lúc nào cũng lem nhem màu tím, thỉnh thoảng phải bứt sợi tóc để tách hai lưỡi của ngòi bút khi nét không đều, một thời chiếc áo trắng tinh mới mặc đã dính mực, còn vẩy bút là một chiêu mỗi khi trêu đùa nhau của đám con trai vẫn luôn còn đó, và dù hồi ấy nó khiến cho các tác giả, nạn nhân và các bà mẹ chịu phiền phức thế nào chăng nữa, thì khi nhìn lại, vẫn là những kỷ niệm đẹp của thời áo trắng.
...
Lang thang xem các mẫu đồng hồ, tự nhiên thấy thông tin về các loại bút, bao nhiêu cảm xúc chợt ùa về. Không nén được cơn thèm...Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Chiều mưa...
Chợt thèm một cốc cacao trứng. Là thèm món đồ uống ưa thích đã lâu rồi chưa được nếm lại, hay thèm cảm giác thanh thản mỗi khi uống nhỉ?
5h chiều, vẫn cố ra L'étage làm một cốc. Chả gọi được ai, thôi thì uống một mình cũng có sao. Vẫn cái ban công nho nhỏ nhìn ra hồ Gươm ấy, vẫn cô chủ quán ấy, mấy tháng mà cứ như lâu lắm rồi mới quay lại vậy. Ở Hà Nội mình biết 3 nơi bán cacao trứng ngon, nhưng vẫn thích ngồi ở đây nhất, vừa vì đẹp, vừa vì có thể yên tĩnh một mình khi cần.
Mang theo Hoàng tử bé, nhưng đọc được mấy trang giới thiệu lại gấp sách vào. Saint - Exupéry viết cuốn này khi ông không được bay theo đúng nghĩa đen, và có lẽ là cả nghĩa bóng. Giọng văn cứ man mác buồn. Ngẫm lại thấy có vẻ cũng giống giống mình, cũng đang lúc không được bay, theo đúng cả hai nghĩa.
Lan man lại chợt nghĩ đến Sucker Punch. Film này muốn review lâu lắm rồi mà vẫn chưa bắt đầu, vì chẳng biết viết thế nào cho hay cả. Babydoll, với trí tưởng tượng tuyệt vời của mình, đã sáng tạo ra cả một thế giới mới, cốt để vượt qua nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Cô là người bình thường bị tống vào trại thương điên, trong khi những kẻ điên loạn, mù quáng thì lại ở ngoài. Mình, có lẽ trí tưởng tượng cũng không đến nỗi nào, nhưng chẳng thể ở lì trong ấy được. Thế nên tốt nhất là khỏi tưởng tượng cho mất công thức dậy.
Uống ngụm cuối cùng. Nhẹ lòng đôi chút, phần vì được thưởng thức thứ đồ uống yêu thích, phần vì chụp được vài kiểu ảnh, mà cũng có lẽ còn do tạm thoát khỏi không khí ngột ngạt dạo gần đây.
Bao giờ sẽ lại được bay?
Vivan Maier là một nhiếp ảnh gia đường phố sống tại Chicago, Mỹ vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX. Bà làm vú nuôi cho các gia đình giàu có, và nhiếp ảnh chỉ là một sở thích, một niềm vui ghi lại những khoảnh khắc đời thường. Điều đáng nói là khi người ta phát hiện ra những tác phẩm của bà thì vẫn còn cả ngàn cuộn film được bà chụp nhưng chưa hề được tráng rửa.
Thông tin thêm về Vivian Maier thì có thể dễ dàng tra cứu. Tuy vậy, một câu hỏi lớn có lẽ sẽ nảy sinh với bất kỳ ai đọc đến đây là: Tại sao bà chụp nhiều như vậy mà không tráng rửa? Chẳng lẽ bà không muốn xem lại, chia sẻ những tấm ảnh của mình với mọi người? Điều này càng trở nên đặc biệt nếu so sánh với việc người người đi chụp ảnh, ai ai cũng up ảnh lên các trang web về ảnh, các mạng xã hội trong thời đại hiện nay. Một topic về Vivian Maier tại vnphoto cũng đã thu hút được kha khá các thành viên kỳ cựu phân tích mong tìm được câu trả lời cho nghi vấn này.
Khi mới chụp ảnh, tôi cũng như bao người khác, luôn cố tìm trong số ảnh mới nhất những bức khá khẩm để đưa lên, như một kiểu thể hiện, chia sẻ sở thích, góc nhìn cũng như mong nhận được một ít gạch đá để sửa chữa lỗi kỹ thuật, và đôi khi, là tìm được ý tưởng mới. Dần dần theo thời gian, số ảnh tôi chụp ngày càng nhiều hơn, kỹ thuật cũng đã tiến bộ, biết cách thể hiện cho người xem hiểu được ý tưởng của mình, ở một chừng mực nào đó.
Dù vậy, sự hứng khởi được up ảnh lên để chia sẻ lại nhạt dần đi. Đôi khi việc up ảnh chỉ là để facebook của mình khỏi đóng bụi quá lâu, và việc nhận được bao nhiêu like, bao nhiêu lời khen hay góp ý cũng không còn là chuyện đáng để quan tâm nữa.
Thậm chí đôi khi film được tráng và scan lên, cũng chỉ xem một, hai lần trước khi đưa cho Superman thực hiện khâu hậu kỳ để đưa lên web cá nhân.
Chuyện gì xảy ra vậy?
Phải! Tôi vẫn yêu thích chụp ảnh, vẫn đi tìm những chủ đề, những góc nhìn thú vị, vẫn vác máy đi lang thang những ngày cuối tuần, hay thậm chí đơn giản là khi bất chợt một ý tưởng nảy ra trong đầu. Nhưng có một điều gì đó đang xảy ra khiến tôi không còn nhiều cảm hứng khi xem lại những bức ảnh mình chụp đến lần thứ hai, thứ ba nữa.
Trước mỗi lần chụp, tôi vẫn căn chỉnh kỹ từng chút một mong tìm được những góc cạnh thích hợp, vẫn cân nhắc các thông số để ra được bức ảnh đúng với ý đồ của mình, nhưng thay vì cái cảm giác đơn thuần là ghi lại một hình ảnh đẹp nào đó, giờ đây trong tôi như hình thành thêm ý niệm về thời gian - khoảnh khắc bấm máy. Lúc ấy, tôi có cảm giác như chính mình cũng hoà vào khung cảnh ấy, và mặc dù không xuất hiện trong tấm ảnh, nhưng một khoảnh khắc cuộc đời của tôi, với tất cả những cảm xúc, suy nghĩ, kinh nghiệm khiến tôi bấm máy, đã lưu lại trên bản film vậy. Cảm giác thoả mãn này, dường như tôi đã sống trọn vẹn trong đúng khoảng thời gian từ khi màn trập mở ra cho đến khi đóng lại, ngắn ngủi nhưng đầy đủ. Khi bạn sống, với đúng nghĩa của từ này, trong từng khoảnh khắc, thì khoảnh khắc ấy là hoàn hảo, và còn gì phải hối tiếc để suy đi tính lại đây?
Tôi vẫn xem lại những tấm ảnh mình đã chụp, chỉ để xem mình đã thể hiện tốt ý tưởng chưa.
Vậy nếu một người đủ tự tin vào kỹ thuật của mình thì sao?
Có lẽ đến cuối cùng cũng chẳng ai biết chính xác nguyên nhân bà Maier không tráng rửa số film đã chụp. Đó là chuyện của riêng bà, nhân loại thì may mắn vẫn lưu giữ được những tác phẩm nhiếp ảnh để đời. Còn tôi, câu chuyện của bà giúp tôi được nhìn lại một chút về quá trình chụp ảnh của mình, quãng thời gian ngắn nhưng tràn đầy niềm vui.
Nói thêm một chút, hồi đi tập Vĩnh Xuân, sư phụ vẫn hay nói đến việc "sống trong từng khoảnh khắc". Hồi ấy chỉ hiểu mà không cảm được, giờ mới có chút ít khái niệm. Tiếc là tay chân thì vẫn lởm!

"Chú rể vào với cô dâu đi nào!"
Lúc đã khoác lên mình bộ vest đắt tiền của chú rể và nhìn nàng trong bộ váy cô dâu từ phía sau, tôi vẫn cảm thấy mọi chuyện thật đơn giản và nhẹ nhàng. Chỉ đến khi ở cạnh nhau, nhìn vào khuôn mặt có phần hơi lạ lẫm vì trang điểm kia (bình thường nàng không bao giờ trang điểm, mà tôi cũng thích khuôn mặt tự nhiên của nàng hơn), nhận ra sự trông đợi tràn đầy trong ánh mắt kia, sự hoảng hốt chợt như một cơn sóng lớn ập đến xô đổ tất cả những tự tin, quyết tâm của tôi trước đó.
Tôi vốn rất thích tự do nên cực kỳ không muốn bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Vì thế từ trước đến nay tôi luôn cố tìm cách tự xoay xở với những nhu cầu của mình, dù là trong hay ngoài khả năng chăng nữa. Mặc dù vậy, đa phần những lần tôi tự xoay xở xong thì cũng là lúc tiền bạc cho những nhu cầu thiết yếu như ăn mặc, đi lại...cạn kiệt, và tôi lại tìm đến nguồn tài trợ không hoàn lại nào đó, mà đa phần là từ bố mẹ.
Lần này thì khác. Với bản tính của mình, tôi quyết tâm cưới nàng, đi ngược lại những mong muốn của hai đấng sinh thành. Thế nghĩa là từ giờ tôi sẽ phải lo cho những nhu cầu nhỏ nhặt nhưng cơ bản trước, không phải chỉ cho mình mà còn cho cả nàng, sau đó mới đến những thứ giúp tôi thanh thản về đầu óc, nếu may mắn còn đủ tiền cho chúng.
Nhìn vào thực tế mà nói, do đặc thù nghề nghiệp, mặc cho các bạn tôi kẻ thì sắp thành tiến sĩ, người thì đầu tư chỗ này chỗ nọ, còn không thì cũng đã yên bề gia thất, tôi vẫn miệt mài thân phận kẻ đi học, mong rằng chuyên môn sẽ nâng cao, và kéo theo đó là công việc ổn định tại chính nơi tôi đang theo học, với mức thu nhập đủ sống. Ấy là viễn cảnh thường được chúng tôi vẽ ra, với tấm gương nhãn tiền là các bậc tiền bối khoá trên, mặc dù đôi khi vẫn có những trường hợp cá biệt. Còn hiện tại, tôi vẫn đơn thuần là kẻ đi học, chưa công ăn việc làm, hàng tháng thu nhập đủ sống cho mình mình.
Thế mà giờ đây tôi sẽ phải cáng đáng cho không chỉ mình tôi, mà cả hai người.
Nàng bảo nàng chấp nhận sống khổ, chỉ cần ở cạnh tôi là đủ. Nhưng để cho người phụ nữ của mình khổ thì tốt nhất đừng làm đàn ông nữa.
Trong cơn hoảng hốt ấy, ánh mắt của nàng chợt làm ngọn lửa đang leo lét trong tôi bùng cháy dữ dội, giống như kẻ sắp chết đuối chợt tìm lại được bản năng bơi lội của mình, chẳng cần đến bất kỳ cái cọc nào cả. Tôi đã hứa sẽ ở bên nàng, bảo vệ nàng cả đời, khó khăn là cỏn con cũng được, mà là núi cũng được, có gì khác nhau lắm đâu? Việc của tôi không phải là lo lắng, đơn giản là tìm cách vượt qua nó. Có lần một đàn anh của tôi, cũng đồng thời là một phẫu thuật viên rất giỏi, đã nói thế này: "Mình là phẫu thuật viên mà em, gì mình chả làm được". Phải, gì tôi cũng làm được, chỉ cần người phụ nữ của tôi hạnh phúc. Giữa cơn bão này, nói suông chẳng thể làm được gì, nhưng hoảng hốt cũng không phải là cách để vượt qua. Tôi hành động! Mà việc đầu tiên là hoàn thành công việc tôi cần tiến hành ngày hôm nay, ấy là chụp ảnh cưới với nàng sao cho thật đẹp.
P/S: Thật tình cờ và thật bất ngờ, do một thứ duyên quái đản nào đó, người chụp ảnh cưới cho tôi hôm nay lại mang một chiếc Rolleiflex 2.8F đi. Từ ngày bắt đầu chụp ảnh đến giờ, tôi vẫn mong có một ngày nào đó ảnh cưới của mình sẽ được chụp bằng máy Rolleiflex. Chưa kịp nói với ai thì đã đi chụp ảnh cưới, mà cuối cùng lại cũng có Rollei tham gia. May mắn chăng?
1. Hình thức

Mỗi cuộn film được bọc bên ngoài bởi nilon, bên trong là lớp giấy bọc lấy bản film như các loại film 120 khác. Mỗi hộp có 5 cuộn.
Đối với film 120, sau khi chụp xong và tua hết cuộn , luôn có một dải băng giấy ngắn để cuốn và giữ cho film khỏi bung ra, tránh lộ sáng. Đa phần băng giấy này có bôi sẵn một lớp hồ, thấm nước là dính được. Riêng film của Fuji băng giấy này là băng dính, chỉ cần kéo ra là dán kín được luôn. Một chi tiết nhỏ nhưng khá tiện cho người dùng.
2. Thông số kỹ thuật
- 1 cuộn film chụp được 12 kiểu 6x6 (cuốn khéo được 13 kiểu, nhưng mình chưa thử bao giờ)
- Đây là film âm bản chuyên nghiệp của Fuji, mặc dù không in trên hộp nhưng theo thông tin từ www.fujifilm.com thì film được tích hợp công nghệ lớp màu thứ 4 nổi tiếng của Fujifilm
- Thích hợp sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên theo nhà sản xuất thì đặc biệt phù hợp để chụp trong đám cưới, chân dung hoặc thời trang.
- Có thể sử dụng tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau như trời nắng, âm u, trong nhà. Màu sắc khá tươi tắn và trung tính, ít bị ngả về tone màu nào. Đặc biệt màu da người lên khá thật và mịn.
3. Sample
Dưới đây là một vài bức ảnh sử dụng Fujicolor Pro 400H, tráng và scan tại Lab Zone5



4. Kết luận
Film có chất lượng tốt, xứng đáng được gắn mác Professional. Tuy vậy, tại thời điểm bài viết này ra đời thì không hiểu sao B&H Photo không nhập thêm về nữa, vì thế chỉ có thể mua từ Amazon và Adorama với mức giá cao hơn.
Nhân lúc đi tìm lại bài Ông đồ của Vũ Đình Liên thì lại gặp bản dịch ra tiếng Hán ở diễn đàn thivien.net do nick Vanachi gửi lên. Trước giờ toàn là thơ Tàu dân ta dịch ra tiếng Việt, giờ lại làm ngược lại, cũng là chuyện độc đáo :)
ÔNG ĐỒ
Vũ Đình Liên
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phụng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Bản dịch ra tiếng Hán:
老 秀 才
年 年 桃 花 開
總 見 老 秀 才
追 硯 紅 箋 擺
通 衢 人 往 來
多 少 恃字者
嘖嘖 羨 珠 機
巧 筆 壹 揮 就
龍 舞 而 鳳 飛
冷 落 年 復 年
僱 客 何 茫 然
紅 箋 悲 色 矧
追 跰 愁 墨 堅
秀 才猶 在斯
路 過 有 誰 知
箋 上 黄 葉 落
天 邊 細 雨 飛
今 年 桃 又新
不 見 舊 時 人
傷然 空 悵惘
煙 災萬 古 魂
Phiên âm:
LÃO TÚ TÀI
Niên niên đào hoa khai
Tổng kiến lão tú tài
Truy nghiễn hồng tiên bãi
Thông cù nhân vãng lai
Đa thiểu thị tự giả
Trách trách tiễn châu ky
Xảo bút nhất huy tựu
Long vũ nhi phụng phi
Lãnh lạc niên phục niên
Cố khách hà mang nhiên
Hồng tiên bi sắc thấn
Truy nghiễn sầu mặc kiên
Tú tài do tại ti
Lộ quá hữu thùy tri
Tiên thượng hoàng diệp lạc
Thiên biên tế vũ phi
Kim niên đào hựu tân
Bất kiến cựu thời nhân
Thương nhiên không trướng vọng
Yên tai vạn cổ hồn.
Mẹ tôi là một người phụ nữ bình thường như bao người khác, nghĩa là cũng dễ cuốn theo một vài phong trào của số đông. Thế nên năm nào 2 anh em tôi có kỳ thi lớn mẹ đều bắt đi sờ đầu rùa ở Văn Miếu mùng 3 Tết. Mặc dù chẳng thích thú gì nhưng vì chẳng thể nói lý lẽ trong trường hợp này nên 2 anh em vẫn đành tặc lưỡi nhắm mắt đưa tay để chiều ý bà. Cũng nhờ thế nên tôi mới chứng kiến cả trăm nghìn phương cách để sờ được đầu rùa, vượt qua lệnh cấm lẫn hàng dây cách ly, thậm chí cả người đứng gác. May mà sau khi em tôi thi đỗ đại học thì hình như 2 anh em cũng sẽ không còn kỳ thi nào gọi là quyết định cuộc đời nữa nên có thể tránh được cái việc vừa không thích vừa chả đẹp đẽ gì cho cam. Từ giờ đi Văn Miếu chỉ đơn thuần là tham quan mà thôi.

Hồi viết những câu thơ:
...Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Hẳn Vũ Đình Liên cũng không ngờ rằng phong trào xin chữ đầu năm sẽ quay trở lại mạnh đến nỗi người ta biến hẳn phố Văn Miếu thành phố Ông đồ mỗi dịp xuân về. Chiếu chữ chồng chéo lên nhau, tường treo kín giấy đỏ, người xin chữ chen chúc trên lề đường nhỏ đã mất một nửa cho các chiếu chữ và một nửa của một nửa còn lại cho dịch vụ gửi xe.
Hiểu biết về Hán tự của tôi gần như là con số 0. Vì thế bảo tôi hoàn toàn không biết gì về việc viết đúng hay sai, càng chẳng thể đưa ra một bình luận nào đáng gọi là tiêu chuẩn về chữ đẹp hay xấu. Chỉ đành như bao người khác, nhìn và cảm nhận, chọn lấy phong cách mình thích, hay nói một cách huyền hoặc, là tuỳ vào "duyên". Tuy vậy, tôi rất không thích những ai phải tra cứu từ một cuốn sổ nào đó có vẻ cũ kỹ, hay thậm chí là từ điển Hán - Việt. Hán tự nhiều thật đấy, nhưng số chữ người ta hay xin có lẽ cũng chỉ tầm chục chữ đổ lại mà thôi. Còn tuổi tác của ông đồ lại không phải điều làm tôi bận lòng, có lẽ vì tôi vẫn còn trẻ chăng?

Năm nay đi với Superman, đến quá nửa phố mới gặp ông đồ mình hay xin chữ. Gọi là ông đồ, thực ra bác này chỉ ngoài 30 tuổi. Trước khi bắt đầu, luôn có một cuộc trò chuyện ngắn giữa anh và khách về việc nên lấy chữ gì. Khi viết, bao giờ anh cũng đề nghị khách lấy hai tay giữ giấy. Hành động này khiến người xin chữ chú tâm hơn vào việc xin chữ của mình, hay người ta còn gọi bằng một mỹ từ khác: "sự thành tâm". Chữ anh viết khoẻ khoắn nhưng không thiếu đi tính mềm mại, có đủ âm dương trong từng nét bút.
Tôi được cho chữ Thuận để chống lại một năm đầy những bão tố mà những dấu hiệu của nó đã hiện lên rõ mồn một.
Năm mới....

Vậy là đã bắt đầu một năm Âm lịch mới. Năm nào cũng bắt đầu ngày mùng 1 bằng việc khai bút. Năm nay thì dậy sớm đi chụp ảnh như mọi người, và khai bút bằng việc post bài lên web đây :)
Để xe ở Việt Đức, vốn định ra thẳng Hàng Ngang - Hàng Đào, tự nhiên lại thèm cảm giác yên bình khi nghe chuông nhà thờ, bước chân rẽ qua phố Ấu Triệu. Ngày Chủ nhật nên mặc dù là mùng 1 Tết, các giáo dân vẫn đi lễ. Tôi cũng tìm được một chỗ ở hàng ghế cuối để, lần đầu tiên trong đời, nghe giảng đạo. Vừa nghe vừa cảm thấy kính nể những người đã dịch các bài giảng, bài hát từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, nội dung thì tôi không rõ đúng đến mức nào, nhưng chất thơ trong những bản dịch ấy thì không thể chối cãi.
Nhà thờ Lớn tuy không hoành tráng khi so sánh với các nhà thờ nổi tiếng trên thế giới nhưng kiến trúc tinh tế, nghệ thuật của nó vẫn khiến người ta thích thú. Mái vòm cao, uốn cong và rộng theo kiểu Gothique. Các ô cửa kính nhìn từ ngoài không có gì đặc biệt, nhưng bên trong lại là những bức tranh Thánh bằng kính màu. Hôm nay trời nhiều mây đã thấy rất đẹp, không hiểu giữa mùa hè đầy nằng còn tuyệt thế nào nữa! Khu cung thánh, theo wiki, được chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất đẹp và chi tiết. Có một điều hơi lạ là ngoài cửa có biển cấm chụp ảnh, quay film nhưng vào trong mới thấy việc này cũng không bị cấm đoán cho lắm, miễn là đừng làm phiền các giáo dân đang cầu nguyện. Tranh thủ lúc xong buổi giảng, các giáo dân ra về, tôi bấm được vài kiểu cả đen trắng và màu. Riêng chuyện này thôi đã có thể xem là thu hoạch lớn của ngày hôm nay.
Quay trở lại với công cuộc lang thang phố cổ. Thực ra ngày thường cũng đã dạo bước chán ở khu này, có cảnh nào đáng chú ý đa phần đã bị các tay máy khai thác sạch. Thế nên chụp gái xinh xoá phông thì năm nào đi cũng có cái mà chụp, chứ chụp nhà cửa như mình muốn tìm những góc lạ hay tạo được cảm hứng cũng không phải dễ.
Có đi mới thấy Tết bây giờ cũng không giống trước. Ngày mùng 1 đã có vài cửa hiệu mở cửa, không tính mấy hàng ăn như kiểu KFC hay Lotteria. Phố phường cũng nhiều xe qua lại hơn, trong đó có một phần kha khá là dân chụp ảnh như mình.
Lang thang qua Ô Quan Chưởng, thấy thầy Bình đang đứng với học trò lớp mới. Làm hớp rượu gạo, bấm hộ mẫu mấy kiểu rồi hai thầy trò vác đồ qua Hàng Bạc. Thế quái nào lại gặp chú Đạt đang ngồi cafe với bạn ở đây. Nói chuyện với những người hiểu biết bao giờ cũng rất vui. Tiếc là cũng gần trưa nên không ngồi với nhau được lâu.
Trên đường về, bấm thêm được 1 - 2 kiểu nữa. Thế là tạm xong khu phố cổ. Mấy hôm nữa sẽ qua các địa bàn khác.
Phần còn lại của ngày thì rặt ăn với ngủ, cũng không có gì đáng bàn đến.

Giải phẫu là một trong các môn cơ bản của Y học, được dạy từ năm thứ nhất. Lý thuyết học ở trường, còn thực hành thì ở Viện Giải phẫu, số 48 Tăng Bạt Hổ, đối diện vườn hoa Pasteur, ngay cạnh Viện Vệ sinh dịch tễ và khu tập thể Đại học Dược.
Một điều rất đáng tiếc là tôi hoàn toàn không thể tìm thấy thông tin gì về Viện Giải phẫu trên mạng. Chỉ biết chắc chắn Viện được xây từ thời Pháp thuộc, căn cứ vào kiến trúc cũng như dòng chữ Institut Anatomique trên bảng tên của Viện ở ngay cổng chính. 4 toà nhà của Viện được bố trí thành 4 cạnh của hình chữ nhật với khoảng sân rộng ở giữa, tạo cảm giác thông thoáng, đồng thời thuận tiện cho việc di chuyển từ phòng học sang phòng xác. Tôi còn nghe nói người Pháp đã xây một hệ thống thoát nước tốt đến nỗi các dự án chuyển Viện đi nơi khác đều không thể thực hiện vì người ta không tài nào thực hiện được một hệ thống như vậy ở nơi mới.
Thực tập Giải phẫu là phần thú vị nhất và cũng là điểm khác biệt nhất của sinh viên Y năm đầu so với các trường khác. Ấy là vì ngoài quan sát trên mô hình, sinh viên còn được học trên xác. Mặc dù khi kể với dân ngoại đạo thì nghe rất hay ho nhưng quả thật trải qua rồi mới thấy cũng nhiều sự khó chịu. Thông thường đầu buổi học, thầy giáo sẽ nhắc lại về lý thuyết giải phẫu định khu của buổi thực tập, trong lúc đó xác được vớt khỏi bể formol để đỡ mùi khi chúng tôi lên thực tập. Ngoài ra người ta còn mở hết cả cửa sổ lẫn cửa lớn của phòng xác, bật tất cả quạt trần với tốc độ tối đa bất kể mùa đông hay mùa hè khiến nhiều lần đám sinh viên vừa thực tập vừa lạnh run người. Vậy mà vẫn có những hôm cay xè mắt vì formol, còn mũi thì cứ thoang thoảng mùi của thứ hoá chất bảo quản ấy đến cả tuần không hết. Chưa kể nỗi ám ảnh đến mức có người không dám ăn thịt, nhất là thịt bò khô cả tháng trời vì cứ mỗi khi nhìn là lại nhớ đến lúc thực tập, không tài nào nuốt nổi.

Khổ là thế nhưng hôm nào cả tổ cũng quây chật cứng quanh xác. Dễ hiểu thôi, không nghe giảng, không nhìn trực tiếp thì đến khi tự học chẳng thể nào biết rõ cái dây này nó chạy đi đâu, cơ kia là cơ gì…Tôi thường phải nhanh chân chạy lên trước các bạn, chiếm ngay vị trí đối diện thầy để nhìn và nghe rõ bài giảng từ đầu đến cuối. Đến khi tự học, vừa mày mò theo các chi tiết đã nghe, vừa ôn lại bài cũ. Tôi vẫn nhớ có những chi tiết khó, mấy thằng học mãi không nhớ, bàn nhau thôi bứt cho đứt luôn, đến khi thi chắc chắn không dính. Nghĩ lại thấy quả là có lỗi với khoá sau!
Do một số trục trặc về thi cử, tôi nhập học sau các bạn khoảng 1.5 tháng. Vì thế ngay buổi đầu tiên tôi đã được học trên xác. Mãi sau này mới học bù những bài trên mô hình. Giảng mô hình cho bọn tôi là thầy Vị, kĩ thuật viên kỳ cựu của bộ môn. Khi tôi đi thực tập thêm với tổ Răng Hàm Mặt cùng khoá thì thầy lại là người giảng trên xác cho chúng tôi. Đến khi tôi học kỳ II của năm thứ nhất thì thầy nghỉ. Cuối năm ấy gặp lại, trông thầy ốm yếu hẳn, không lâu sau đó thì thầy mất vì ung thư gan.
Tháng 11/2012, tôi có dịp quay lại Viện khi tham gia khoá học PT Thần kinh cơ bản. Nhìn cảnh vật cũ như thấy lại hình ảnh thời sinh viên vui vẻ của mình, vì yêu thích mà sẵn sàng đạp xe đến viện sáng Chủ nhật để học thêm. Có lẽ tình yêu với mổ xẻ đã nhen nhóm từ những ngày ấy chăng.


Địa chỉ: 89A Lý Nam Đế - Hà Nội
Quán này chú Tùng Hát rong đường phố giới thiệu. Nhớ nhất hôm Valetine, 2 ông độc thân không biết làm gì, định ngồi café cho đỡ buồn thì lại có chương trình ca nhạc ở quán. Mặc dù hơi chạnh lòng khi nhìn các đôi xung quanh nhưng vẫn vui chán so với viễn cảnh hai kẻ cô đơn nhấm nháp ly café trong ngày lễ Tình nhân.
Nội thất: Quán bài trí rất đẹp, theo phong cách cổ điển, nhiều góc máy đẹp. Ở đây cho thuê địa điểm chụp ảnh với giá 50K/giờ. Có hôm mình vác máy đến gặp 2 đôi đang chụp ảnh cưới ở đây.


Đồ ăn thức uống khá ngon, trình bày đẹp mắt. Tuy vậy không có món nào nổi bật. Giá cả ở mức vừa phải
Service: Cách đây mấy năm quán có tổ chức live concert vào những dịp đặc biệt, đợt này không rõ còn không. Lần cuối đến đây thì Superman bị mất đôi giày. Điều đáng nói là thái độ của nhân viên khá thờ ơ và vô trách nhiệm, không buồn quan tâm đến vấn đề của khách. Khi mình phát cáu lên thì mới kiếm một đôi dép lê để Superman đi tạm về.
Kết luận: Quán đẹp, đồ ăn được nhưng thái độ phục vụ không tốt. Chắc là sẽ không bao giờ quay lại nữa.
