Four wheels move the body, two wheels move the soul.
Là cái tên quen thuộc với dân chơi phân khối lớn, trải qua 21 năm phát triển (từ năm 1994), CB400 Super Four vẫn là dòng xe rất được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi cả ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Dù đã trải qua vài thế hệ với nhiều chi tiết kỹ thuật được thay đổi, những đặc tính làm nên cái tên Super Four: 4 máy, 4 xi lanh và 400 phân khối vẫn được giữ nguyên từ thế hệ đầu tiên đến giờ. Lại là một con số 4 thú vị nữa giữa một hệ quy chiếu 4 của phương Đông!
Lần đầu tiên nhìn thấy CB400 ngoài đời cũng đã 6 năm trước. Chiếc xe phân khối lớn với động cơ để trần, hoàn toàn không được che phủ bởi lớp áo nào, tạo cảm giác mạnh mẽ, khoẻ khoắn và đầy nam tính. Dáng ngồi vươn về phía trước nhưng không chồm người vểnh mông như Sport bike, cũng không quá thẳng lưng già dặn như Classic. Tất cả đã thật sự mê hoặc tôi, và niềm say mê với cái thú “Ôm bình xăng” cũng đã nhen nhóm trong tôi từ đó. Tất nhiên, gã sinh viên Y5 lúc ấy còn vô khối việc phải lo nghĩ hơn là tìm hiểu xe cộ, mà đằng nào cũng chẳng có tiền để mua. Nhưng đam mê là một thứ kỳ lạ, bạn có thể tạm thời để nó đó, không quan tâm đến nó, không nuôi dưỡng nó, vậy mà nó vẫn âm ỉ tồn tại trong bạn dai dẳng không dứt. Có lúc tưởng như biến mất, vậy mà cũng có khi trở lại, mãnh liệt đến khó cưỡng. Và cái sự thoắt ẩn thoắt hiện ấy cứ tái diễn cho đến 5 năm sau, khi mà rốt cuộc tôi cũng để dành được món tiền kha khá, đủ để mua cho mình 1 chiếc xe cũ với giấy tờ tử tế (đi xe này mà giấy lởm thì có ngày đái ra huyết sắc tố mất).
Còn nhớ những ngày đầu tiên tập đi xe côn tay, cũng là lúc bắt đầu làm quen với Super Four, trời mưa dầm gió bấc, ít có hôm nào đường khô ráo, lại chưa quen với việc phối hợp tay côn tay ga nên mỗi lần khởi động dễ mất đến 5, 6 phút. Thế mà chưa bao giờ thấy phiền hà, cáu gắt, đến khi hiểu được nguyên lý, chợt thấy vui như trẻ thơ.
Có lẽ cũng là do duyên nợ, tôi được đi đến hai chiếc CB400, một thuộc đời 94 ( thế hệ đầu tiên) và một thuộc đời 2008 (thế hệ gần cuối). Sự khác biệt khi đi hai chiếc xe này, tôi chưa đủ thời gian và điều kiện để phân tích kỹ. Nhưng cảm giác phấn khích mỗi khi kéo ga, tăng tốc, ôm cua có lẽ chưa bao giờ là khác biệt. Dường như mỗi tế bào thần kinh của bạn đều căng ra để sẵn sàng đón nhận gió, nước mưa táp vào da thịt, hệ giao cảm được cường hoá, đồng tử giãn to, nhịp tim tăng dần, máu cuồn cuộn chảy trong lòng mạch giãn căng, và chút mồ hôi rịn ra nơi lòng bàn tay cho bạn biết bạn đang thích thú cực độ với cảm giác vút đi như một cơn gió. Thật khó có thể diễn tả hết những cảm giác hoang dã khi rong ruổi trên xe. Cùng những con đường đó mà cảm giác thật là khác. Tâm hồn con người ta vốn là thứ khó mà hiểu rõ được.
Dù sao thì cuộc vui nào cũng có lúc tàn, vì nhiều lý do khác nhau, tôi đành phải tiễn chiếc Super Four đi. Có hẹn ngày gặp lại hay không, chẳng thể nói trước, nhưng những ngày tháng trẻ trâu ấy, chắc chắn sẽ không biến mất, bởi đơn giản, hai bánh chuyên chở cả tâm hồn cơ mà.
"Mỗi năm mỗi người thêm một tuổi."
Còn nhớ đây là câu mở đầu cho các bài toán tính tuổi hồi tôi học lớp 4, lớp 5. Cứ mỗi mùa xuân sang - một năm mới bắt đầu, người ta lại chúc nhau thêm tuổi mới, già dặn hơn, chín chắn hơn, thành công hơn.
Theo một cách tính khác, một năm học bắt đầu vào mùa thu và kết thúc vào mùa hạ. Thế nên với đám đi học, mùa hạ là mùa của nghỉ ngơi, cũng là mùa của chia ly, có thể là tạm thời hay vĩnh viễn, là lúc mỗi cá nhân đều sẽ trưởng thành hơn, dù chẳng ai có thêm tuổi nào cả.
6 năm làm sinh viên Y sẽ có ngần ấy mùa hạ với đủ các sắc thái khác nhau. Thế nhưng luôn có một mùa khó quên nhất trong đời bất cứ ai, ấy là mùa hạ thứ 6. Năm ấy, năm cuối cùng của đời sinh viên Y, là năm tốt nghiệp, là lúc phải có những tính toán thật sự nghiêm túc cho tương lai, là khi phải chia tay những người bạn đã bên nhau 12 học kì không biết bao giờ mới hội ngộ. Và năm ấy diễn ra kì thi Nội trú.
Đa phần sinh viên Y, đến mùa hạ năm thứ 5 đều tiếc nuối mà than thở chơi nốt mùa hạ cuối cùng đời sinh viên. Tôi thì không thích nghĩ thế cho lắm. Đến năm cuối, bạn đã tốt nghiệp, nhưng bằng bác sĩ thì đến tận năm học sau mới có. Và kẻ nào còn chưa một ngày đi làm, chưa thực sự khám chữa bệnh, kẻ ấy hãy còn là sinh viên. So thế thì rõ ràng những ai ôn thi sẽ có mùa hạ thứ 6 dài hơn so với những người đi làm ngay. Chẳng sao cả, xét ra thì những ai ôn thi nghĩa là vẫn mong mình sẽ được mài đũng quần thêm 3 năm nữa cơ mà!
Năm nay là năm diễn ra kì thi tuyển Bác sỹ Nội trú khoá 40, cũng có nhiều điều đáng nói:
Là khoá đánh dấu tròn 10 năm tổ chức thi theo 2 hệ Ngoại - Sản và Nội - Nhi. Từ khoá 30 trở về trước, đăng ký chuyên khoa nào thì môn chuyên ngành sẽ thi đúng chuyên khoa đó (Ngoại thi Ngoại, Sản thi Sản, Mắt thi Mắt...). Còn từ khoá 41 trở đi lại có xu hướng sẽ thi đề chung tất cả các chuyên khoa.
Là khoá đầu tiên thi trắc nghiệm trừ các môn chuyên ngành. Và có lẽ sẽ là khoá cuối cùng còn thi chuyên ngành bằng tự luận.
Là khoá đầu tiên và có thể sẽ là cuối cùng học 8 thi 8. Các khoá sau dự kiến học 10 thi 10.
...Và là khoá đánh dấu tròn 5 năm ngày tôi thi Nội trú.
Thực ra ban đầu tôi không mặn mà lắm với việc trông thi. Là bác sĩ trẻ ở khoa, hàng tá việc luôn chờ đón mình, và dù có lý do trông thi chăng nữa thì núi việc ấy cũng chẳng vơi đi được chút nào. Tuy vậy, ngẫm lại thì cũng có chút trùng hợp, hay là sự sắp đặt của số phận, khi mà sau đúng 5 năm, tôi lại được nhìn thấy hình ảnh của mình nơi lớp đàn em?
Mùa hạ năm ấy chắc chắn là mùa hạ chán chường nhất và nóng nhất trong đời tôi. Thay vì hẹn hò, đi chơi thì lại phải gò ép mình theo một lịch làm việc khô khan, cứng nhắc suốt cả năm trời. Thay vì nói với bạn bè những chuyện trên trời dưới đất thì lại phải trao đổi với nhau những mẩu thông tin vỉa hè, thậm chí đôi khi có vẻ chẳng liên quan gì đến kì thi kia…Có nhiều chuyện đã xảy ra trong suốt thời gian ấy, vui buồn đủ cả, chỉ những kẻ trong cuộc mới có thể hiểu nhau. Đến giờ nghĩ lại, vẫn cảm thấy là một quãng thời gian đáng quý.
Thi Nội trú thì có nhiều chuyện để nói, nhưng có một đặc điểm không thể thấy ở bất kì cuộc thi nào khác, ấy là thí sinh vừa đọc đề đã cắm cúi viết lia viết lịa, chỉ ngẩng mặt lên để xin giấy thi, bởi phải viết liên tục không suy nghĩ nhiều mới đủ thời gian làm bài. Lúc ấy giống như có ai đó nhập vào khiến bạn viết như lên đồng vậy. Đến nỗi có một giám thị khác đã hỏi tôi: "Hoá ra ngày xưa trông bọn mình như thế à?". Phải, còn nhớ ngày ấy tôi cũng cắm cúi viết, đến khi đặt dấu chấm cuối cùng cũng là lúc thời gian làm bài chỉ còn gần 5 phút. Cũng bởi lý do này nên trông thi Nội trú nhìn chung là sướng, ngoài việc phải đưa giấy liên tục ra thì chẳng cần nhắc một câu nào về kỷ luật phòng thi.
Năm ấy, ngày cuối cùng trước khi thi trời mưa nhỏ. Bọn tôi đến trường như một thói quen, và cũng là để gặp nhau trước khi bước vào cuộc chiến sinh tử. Hôm ấy bị đuổi về sớm để niêm phong giảng đường. Lấy xe ra, tôi lao về khu Hồ Đắc Di và hét to với những người bạn của mình: "Thi tốt nhớ!". Một vài người cũng hét to lên với tôi: "Thi tốt nhớ!". Tôi và họ đều đỗ. 5 năm sau, vẫn là cuộc thi ấy, và gã thi sinh năm nào đã trở thành giám thị. Nhưng điều muốn nói với tất cả những người đi thi vẫn là như vậy, "Thi tốt nhớ!", và tất nhiên, không thể nói thì thầm được!
Khi tiếng trống hết giờ của buổi thi cuối cùng vang lên, có chút hẫng khi nhận ra mình đã sắp quay trở lại với guồng quay hối hả thường nhật. Kì thi là của các em, nhưng nó giúp tôi nhớ lại một thời máu lửa của mình, nhớ lại mình đã hạnh phúc biết bao vì đã ôn thi, đã đỗ Nội trú. Nó cũng thổi một luồng gió mới vào cuộc sống người lớn có vẻ hơi chán của tôi.
Ngồi ngoài hành lang, nhìn lên bầu trời xanh và trong văn vắt, chợt nhớ lại những câu hát một thời đã thành ám ảnh với mình:
… When heavens divide
I will see the choices within my hands
How can we ever protect and fight with our tiny soul
Let me shine like the sun through the doubts and fear
Do you feel the storm approach as the end draws near
When heavens divide
Time will come to softly lay me down
Then I can see a face that I long to see
And for you, only you I would give anything
Leaving a trace for love to find a way
When heavens divide
I will dive into the fire
Spilling the blood of my desire
The very last time
My name scorched into the sky…
Dù sao thì…biết đâu đấy, không nói trước điều gì được.
Giao thừa.
Khi mọi người ở khắp nơi đang đếm ngược đến khoảnh khắc chuyển giao 2 năm âm lịch, chợt nhận ra mình vẫn dửng dưng với thời điểm này, nghĩa là dù 23h59’, hay 0h00’, hay 0h01’ cũng đều như vậy, vẫn nằm thở đều đều và nghĩ ngợi lung tung. Không hiểu những người khác, những người tôi nhìn thấy đi sắm Tết trên đường mấy ngày trước, tâm trạng họ thế nào nhỉ?
Mặc dù hồi nhỏ cũng từng trải qua cái cảm giác “trông bánh chưng chờ trời sang” rồi ngủ gật lúc nào không biết, nhưng có lẽ tôi chưa bao giờ thật sự hiểu hết ý nghĩa của Tết Âm lịch. Với một kẻ sinh ra và lớn lên nơi thành thị như tôi, chưa từng phải cấy lúa cày ruộng một ngày nào, thì một dịp lễ gắn liền với nghề nông như thế này quả là khó mà cảm nhận cho thấu đáo. Nhiều người cứ hay than rằng Tết bây giờ chán, tôi nghĩ có lẽ cũng ở hoàn cảnh giống mình mà thôi.
Trên TV chiếu cảnh bắn pháo hoa ngày Tết. Hồi nhỏ, lần nào đi xem bắn pháo hoa cũng thật thích, nhưng thích hơn có lẽ là tự tay mình được cầm một cây pháo hoa bắn lên trời (hồi ấy chưa có lệnh cấm pháo, và ngoài đường nhan nhản các cây pháo hoa nhỏ). Lớn lên, tôi ít có hứng thú với kiểu trình diễn này, và sau khi được xem tận mắt Cuộc thi Pháo hoa Quốc tế ở Đà Nẵng thì sự khó tính của tôi lại càng được nâng lên một mức cao hơn nữa.
Nhắc đến Đà Nẵng, chợt nhớ đến bác Thanh. Tôi không liên quan gì đến Đà Nẵng, ở khía cạnh gốc gác hay hành chính, nhưng ấn tượng về thành phố này tuyệt vời đến nỗi lần đầu tiên sau 26 năm chung thuỷ với Hà Nội, tôi chợt có ý định chuyển đến một nơi khác sinh sống. Cho đến hiện giờ, bác Thanh vẫn được coi như người kiến trúc sư trưởng biến Đà Nẵng từ một thành phố nhếch nhác (đúng từ báo chí dùng) thành một đô thị kiểu mẫu. Tất nhiên, ngoài những cái được, ông bị chỉ trích trong nhiều chuyện. Tất cả tôi đều đã tìm hiểu. Cá nhân mà nói, việc hi sinh lợi ích một nhóm người khi làm cách mạng là điều khó tránh khỏi. Chưa bao giờ, chưa ở đâu tồn tại cái gọi là công bằng tuyệt đối, lợi ích cho tất cả các bên cả. Vấn đề là bạn chọn bên nào và bị ảnh hưởng ra sao.Nhìn Đà Nẵng ngày hôm nay, tôi thuộc về nhóm ủng hộ ông.
Chuyện bác Thanh mất không quá bất ngờ với tôi. Thế nhưng khi đọc bài báo tường thuật việc an táng ông, cảm giác hụt hẫng, hoang mang chợt xuất hiện. Dù nằm trong quan tài, dù không còn thuộc về thế giới này thì trong tâm thức của tôi, người đã khuất như vẫn còn một mối liên kết vô hình nào đó với chúng ta. Và từng nắm đất người ta đắp lên như từng viên gạch tạo nên bức tường cắt đứt nốt mối liên kết cuối cùng ấy. Có thể bạn cho rằng người đã khuất vẫn còn trong tâm trí người ở lại, nhưng đến cuối cùng cũng chẳng thể nhìn thấy mặt nhau lần nữa, chẳng thể chạm vào nhau lần nữa. Như vậy đấy!
Cuộc sống thật ngắn ngủi, cuối cùng thì mỗi chúng ta vẫn phải tự chọn đường cho riêng mình vậy. Chẳng ai quay đầu lại được, chỉ có thể tiếp tục đi về phía trước.
Ngày còn nhỏ, Sài Gòn là công viên Đầm Sen với những mô hình khủng long, một hình thức ăn theo bộ film nổi tiếng Công viên kỷ Jura của Steven Spileberg. Mặc dù chẳng thể sống động như trong film thì những mô hình này đã quá đỗi hấp dẫn với một đứa trẻ mới lên 9, lên 10 là tôi khi ấy.
Lớn lên, Sài Gòn lại là nơi lưu giữ những di tích của nền văn hoá vốn thuộc về một thể chế đã từng tồn tại trên đất nước tôi. Bỏ qua bất đồng về mặt chính trị, không thể phủ nhận nền văn hoá ấy đã có những thành tựu nhất định, khiến một kẻ hậu sinh như tôi không thể không ngưỡng mộ và mong muốn tìm hiểu sâu hơn.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, và thời gian trôi thật nhanh, để rồi khi lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi chợt nhận ra mong muốn được vào Sài Gòn của mình lưu giữ cũng đã 20 năm rồi.
Tôi ở tại một khách sạn nhỏ trên đường Võ Văn Tần, cách Nhà thờ Đức Bà tầm 10 phút đi bộ. Đây cũng là điểm đến ưa thích của tôi, vừa vì không cần đi quá xa tôi cũng tới được vài địa điểm nổi bật của Sài Gòn: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, dinh Độc Lập, hồ Con Rùa..., vừa vì ở đây có cafe bệt Hàn Thuyên, đặc trưng của Sài Gòn.
Cafe bệt nghĩa là sau khi bạn dừng chân và an toạ trên lề đường hay ghế đá, sẽ có một vài người với thùng xốp nhỏ, hay đôi quang gánh tới và hỏi bạn muốn uống gì. Lấy đồ, trả tiền xong, bạn sẽ nhận lại ly cafe hay nước giải khát mà nhâm nhi tán gẫu với bạn bè, hay ngồi đó ngắm dòng người ngược xuôi mà ngẫm cái sự đời. Tự do và thoải mái hơn trà chanh Nhà thờ hay ngồi ăn gánh hàng rong ngoài Hà Nội nhiều.
Ngoài cafe bệt, tôi còn được dẫn đi hai nơi khác, đều nằm ở tầng thượng khu chung cư cũ, trong đó có một khu hình như được xây từ trước năm 1975. Quán chỉ là một căn phòng, hai mặt có cửa lớn toàn kính nhìn ra quảng trường rộng, làm tôi liên tưởng đến căn gác của mấy tay nghệ sĩ trong các film Âu Mỹ. Sáng sáng thức dậy, nhâm nhi cafe và ngắm đường phố ở đây thì thích phải biết. Lại là một mơ ước có vẻ hơi viển vông khác!
Không thuê được xe máy nên phương tiện di chuyển chính của tôi, ngoài hai chân ra là taxi. Thế nên khó tận hưởng cái cảm giác lang thang nơi này chốn nọ, chui vào hang cùng ngõ hẻm mà khám phá thành phố. Một điều may mắn là lần đi này tôi không bị tắc đường một lần nào, dù cũng đi vào giờ cao điểm và ở khu trung tâm. Lạ nhất là mặc dù đường phố đông chẳng kém gì Hà Nội, nhưng không có cảm giác ngột ngạt khó chịu như thủ đô. Tôi và anh bạn có thử ngồi lý giải, nhưng có lẽ để biết được chính xác thì phải sống lâu hơn ở đây.
Chuyến đi bị giới hạn khá nhiều vì công việc nên tôi vẫn chưa thể tới thăm nhiều nơi như mong muốn. Có lẽ lần này chỉ nên xem như lời chào tới Sài Gòn của một gã phương Bắc. Vẫn còn quá nhiều điều tôi muốn làm ở đây. Có lẽ hẹn lần sau, chắc chắn sẽ không đến 20 năm đâu, Sài Gòn ạ!
Con trai à!
Bố không biết khi đọc những dòng này thì con bao nhiêu tuổi, mà có khi con còn chả buồn vào blog của ông già ấy chứ :(
Con đến Trái Đất này vào đúng năm thứ 10 bố mẹ yêu nhau. Đẹp đấy chứ nhỉ?
Nhưng đấy chỉ là một tình tiết phụ nho nhỏ tô vẽ thêm chút màu sắc cho cuộc sống của chúng ta mà thôi. Dù thế nào đi chăng nữa, bố muốn con biết rằng bố rất yêu con. Nhân tiện, nếu con có vào blog của bố thì khi đọc đến đây chắc con cũng đủ lớn rồi. Còn thời điểm bài viết này ra đời, con đang nằm ọ ẹ và múa máy tay chân theo cách không thể dễ thương hơn.
À, bố cũng xin lỗi vì đã không viết bài nào vào ngày sinh của con. Hôm ấy quá nhiều thứ cảm xúc ùa đến với bố, đến mức bố chỉ kịp update được lên Facebook của mình mà thôi (Nếu vào thời con Facebook không còn tồn tại thì cứ hiểu đơn giản nó là một mạng xã hội nơi người ta ném các thứ cảm xúc của mình lên để được người khác chia sẻ, kiểu như con khóc thì bố mẹ dỗ ý mà). Đêm đó có một chuyện thú vị lắm, nhưng mà nó liên quan đến mẹ nên bố không viết lên đây đâu. Nếu con muốn bố sẽ kể cho nghe (tất nhiên nhớ xin phép mẹ trước).
Dù sao thì...mừng con đầy tháng. Mong con sẽ chóng lớn và khoẻ mạnh như gấu (cái này là lời chúc của ông ngoại)! Yêu con nhiều lắm!
P/S: Bài này bố viết khi đang làm giám thị biên giữa lúc trời nóng nực và ngoài hành lang thì chỉ trông chờ vào gió trời, vốn hiếm hoi vào mùa hè. Bố đến muộn vì còn phải an ủi mẹ :( Ngày đầy tháng con cũng quá trời cảm xúc nên bố chỉ viết được thế này thôi. May mà còn biết đường đặt chỗ trước trên blog cho đúng ngày :)
Hồi tôi học nội trú năm thứ nhất, Noel đúng vào ngày trực. Hôm ấy cậu bạn thân gọi điện rủ đi chơi và khá là ngạc nhiên khi biết thay vì lang thang ngoài đường như bao nam thanh nữ tú cùng lứa tuổi khác thì tôi lại đang cặm cụi trong bệnh viện. Những chuyện kiểu này thì lại quá đỗi bình thường như cân đường hộp sữa với dân Y bọn tôi, thế nên dù vẫn khao khát yêu và được yêu thì Valentine năm nay, tôi vẫn đi trực theo đúng lịch đã được phân công.
Đã trực thì tất nhiên khó tránh khỏi mổ cấp cứu. Và thay cho chocolate thì tôi được nhận 2 ca ứ mủ thận nặng tuyệt vời. Đúng là Pusy Valentine (Pusy trong tiếng Anh là tính từ của pus, nghĩa là mủ chứ chả có dính dáng gì tới phụ khoa cả, vậy nên nếu bạn đang đắc ý rằng tôi viết sai chính tả cái tiêu đề thì tình yêu thân mến ạ, chúc mừng năm mới, bạn đã nhầm nhé :)) )
Bệnh nhân thì nặng, mổ lại khó nên để đỡ căng thẳng và nhàm chán, vừa mổ vừa nói chuyện với 2 phụ mổ và chị dụng cụ viên. Quanh đi quẩn lại cuối cùng vẫn dính đến tiền. Nhớ hồi sinh viên, một lần có 2 ca phải mời bác sĩ chuyên khoa vào mổ. Anh bác sĩ ấy kể mổ 2 ca này anh được tiền phẫu thuật là 80K. Vào viện buổi đêm nên anh không dám đi xe máy, ô tô lại chẳng có, đành gọi taxi, tính ra chi phí cả đi lẫn về là 120K. Thế nghĩa là bỏ cả giấc ngủ bên vợ con, mà lại còn tự bỏ thêm ra 40K chi phí đi lại để vào viện cứu chữa cho bệnh nhân nữa. Mới nghe cứ tưởng chuyện đùa.
Thế nên tôi rất ghét cái đám anh hùng bàn phím vốn chẳng hiểu gì lại cứ rêu rao rằng nghề Y chúng tôi CHỈ là một ngành nghề cung cấp dịch vụ đơn thuần. Cứ thử tính, điện, nước, Internet…cũng là các ngành cung cấp dịch vụ cả. Không cần biết lý do của bạn là gì, không có tiền đóng sao? Thật là đáng tiếc, cắt!!! Còn bọn tôi, đón bao bệnh nhân không có người nhà, không có tiền đóng viện phí, nhất là những lúc cấp cứu thập tử nhất sinh, có đứa nào buồn hỏi đến chuyện thanh toán đâu, chỉ biết lao vào cứu chữa trước đã, tiền nong không phải việc mình lo. Nhiều lúc nghĩ giá kể các bạn phát ngôn ấy lâm vào cảnh kia rồi thì sẽ thế nào nhỉ?
Mổ xong 2 bệnh nhân, lại có 1 ca đẩy thẳng nhà mổ, mà vừa khéo thế nào dính cả vết thương bìu. Thôi, thế là tiếp tục đến 12h trưa hôm sau mới được nhìn thấy ánh mặt trời. Đến đây thì hết còn nghĩ gì xa xôi, tâm trí chỉ còn hường về chiếc giường thân yêu nơi có cái gối tôi biết chắc chắn đã tròn 3 mùa Valentine chưa được giặt giũ gì. Tôi sẽ lê bước về phòng, ngả mình xuống nệm, thả đầu vào chiếc gối ấy và đánh một giấc ngon lành, mặc kệ ngoài kia ong bướm dập dìu đi lại đưa nhau về chốn thiên đường nào chăng nữa.
Goodbye, my pusy Valentine!!!
Đi biển cũng vài lần nhưng mãi tới bây giờ mới được ngắm bình minh nơi đây.
Lúc tới bờ biển, trời còn tối, thế mà đã thấy nhiều người đứng tập thể dục, xa xa đã có thuyền bè đi lại. Hôm ấy trời nhiều mây, chẳng có cảnh mặt trời nhô lên từ mặt nước, chỉ thấy một màu hồng xuất hiện và lan khắp bầu trời, xua đi những đám mây đen còn đọng lại từ đêm qua.
Tôi chợt thấy vật gì đó xa xăm như đang bay dọc đường chân trời. Máy bay có vẻ không phải, thuyền bè sao lơ lửng trên không? Mãi đến khi trời sáng mới hiểu. Hoá ra vì thiếu ánh sáng, vùng biển phía xa ấy tối đen, hoà lẫn với màu trời thành một vùng không gian hỗn độn chẳng còn trời và biển, làm con thuyền giống như đang bay vậy.
Hồi nhỏ, ảnh hưởng bởi văn học, tôi có lần mơ được làm thuỷ thủ, sống cuộc đời lênh đênh nay đây mai đó, được khám phá những vùng đất mới, được chiến đấu với thuỷ quái, với lũ bất lương. Lớn lên mới biết không phải đơn giản cứ hứng lên là đi được như vậy, bởi có đủ thứ kém lãng mạn hơn cần làm nếu muốn thành thuỷ thủ, mà đời thuỷ thủ cũng chẳng phải đầy sắc hồng như truyện (về vụ này nếu ai còn lăn tăn, mời xem Captain Phillips).
Và vì lớn rồi nên hiểu rằng biển cả cuộc đời cũng đầy giông bão hiểm nguy như biển cả thiên nhiên, và mỗi người lại là thuyền trưởng tự lèo lái cuộc đời chính mình. Bao nhiêu người sẽ chọn cuộc sống an nhàn nơi cái vùng nào đó, còn bao nhiêu người vẫn giữ được lòng mong muốn khám phá như trẻ thơ? Có mấy ai dám đi tới trong tình trạng dò dẫm, chẳng biết mình đang đi đâu, và liệu có kẻ nào tự biết rằng đang tiến về nơi tăm tối, không có lấy chút ánh sáng tương lai nhưng vẫn làm không? Tất cả nằm nơi trái tim người thuyền trưởng.
Nghe tiếng sóng vỗ rì rào, cảm nhận những cơn gió mặn mòi lồng lộng, chợt thấy lòng bình yên, thèm được nằm xuống ngủ thật say giữa đất trời này, mặc kệ phong ba bão táp nơi xa. Nỗi buồn trong lòng, cũng nhẹ hơn, nhưng lại thấm hơn.
Sóng biển cứ nối tiếp nhau xô bờ tung bọt trắng xoá như cuộc sống tiếp diễn muôn đời. Vào bờ rồi lại kéo nhau ra, có phải là đã làm việc vô ích không? Cuộc đời ta chỉ là khoảnh khắc giữa thiên thu vô tận, sao bị ràng buộc nhiều đến thế?
Chợt muốn được lênh đênh. Lần này, là để tới nơi chẳng còn ai biết mình.
Nhất sĩ nhì nông…
Từ xưa, dân tôi đã đặt trí thức lên hàng đầu trong 4 nhóm: sĩ, nông, công, thương. Khoan bàn đến chuyện nghề nào cao quý, hình ảnh những anh học trò chăm chỉ, những người thầy đạo mạo hay những ông quan oai vệ rõ ràng làm người ta thấy sự nhàn nhã, thích thú hơn nhiều so với sự vất vả của các nhóm còn lại. Mặc dù còn có 2 câu sau:
…Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhì sĩ.
thì có lẽ mang tính châm chọc hơn là suy nghĩ thật sự.
Vậy nên từ xưa, dân tôi đã muốn thay thời đổi vận con cái mình bằng cách cho ăn học tử tế, mong con sẽ thành đạt nhờ đường học vấn. Đến giờ vẫn vậy. Chẳng thế mà hàng năm vẫn có bao sĩ tử đăng ký thi đại học, bao kẻ nuôi mộng ra nước ngoài.
Cá nhân, tôi vẫn cho rằng nhóm đi du học, ở một chừng mực nào đó, sẽ hiểu biết hơn kẻ ở nhà. Dù sao thì đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, nhiều nguồn kiến thức hơn, hẳn sẽ mở mang đầu óc hơn. Thế mà hoá ra tôi lại nhầm.
Năm vừa rồi có hai vụ tranh cãi lùm xùm mà nhân vật chính đều là dân du học cả.
Vụ thứ nhất, kém nổi tiếng hơn vì nó giới hạn chủ yếu trong giới dịch giả. Cái sự chuyển ngữ sai thì gần như ở nước nào cũng gặp. Lần này lùm xùm vì kẻ làm sai là một dịch giả được coi là có uy tín, lại là sếp ở một công ty lớn chuyên về sách. Thực ra theo một vài người làm xuất bản thì vị này bị trả đũa vì hồi mới về nước có đăng vài bài bình luận chê bai người khác. Để khách quan, tôi có tìm đọc các bài viết của vị này cũng như các bài ném đá của nhóm đối lập. Thật bất ngờ, tất cả các bài viết của hai bên ngoài việc chỉ ra các lỗi về chuyên môn, còn rất thoải mái trong việc đả kích nạn nhân. Điều đáng nói là tác giả của các bài viết đều đọc thông viết thạo ngoại ngữ, và ngoài một vài người tôi biết ra, số còn lại theo suy đoán cũng đều đã hoặc đang sống ở nước ngoài.
Vụ thứ hai, nổi hơn, quay quanh cuốn sách về du lịch của một cô gái. Chưa nói đến chuyện trung thực hay không ở đây, điều nực cười là có một anh du học nơi Mẽo về, lên báo tuyên bố rất hùng hồn, cuối cùng lại có cách hành động trái ngược. Càng về sau người ta lại thấy càng nhiều những chỗ anh này đuối lý hoặc chán nản đến mực quay ra mạt sát, hạ thấp người tranh luận với mình.
Hai trường hợp này khiến tôi chợt nghĩ, hình như du học giúp cho họ có cái vỏ bọc đẹp hơn chứ chẳng làm thay đổi gì bản chất con người cả, giống kiểu dù mang hiệu gì thì mỳ tôm vẫn có acid oxalic vậy.
Hay là thực ra, việc xem xét chuyên môn, bao gồm luôn cả việc xem xét con người? Chẳng thế mà xử án vẫn có cái tình tiết giảm nhẹ là “nhân thân tốt” đó thôi?Nhớ lúc xem “Sự im lặng của bầy cừu”, Clarice Starling đến xin ý kiến của Hannibal Lecter để phá án. Tư cách con người có liên quan gì ở đây chăng?
Tất nhiên, câu nói “ở đâu cũng có người này người nọ” vẫn đúng, nhưng cứ thấy buồn buồn. Hàng ngày vẫn phải chứng kiến quá nhiều chuyện kiểu như thế này quanh mình…
Không hiểu những người từng đọc “Trại súc vật” của George Orwell có cùng suy nghĩ không, nhưng với tôi, hình ảnh con lừa Benjamin ám chỉ giới trí thức nói chung, những kẻ thấy hiểu thời cuộc nhưng chẳng thể, và cũng chẳng dám làm gì để đổi thay vận mệnh của mình và người khác.
Với nhau là thế, và với thời đại là thế… Ôi trí thức ơi!
... "Sẽ nhớ mãi, nhỡ mãi khi chúng ta bên nhau
Cùng nhau vui chơi, cùng nhau cất tiếng ca..."
Đây không biết là lần thứ bao nhiêu tôi nghe và hát những lời này rồi. Nhưng hình như mỗi khi sắp tốt nghiệp thì cảm xúc lúc hát lại dâng trào hơn.
Làm giao ban là một công việc Nội trú Ngoại nào cũng ghét nhưng vẫn phải làm, ghét nhưng vẫn phải thừa nhận nhờ làm giao ban mà mình lớn lên nhiều hơn. Và lễ quăng sổ cũng là một mốc đánh dấu sự trưởng thành của từng Nội trú. Lễ quăng sổ còn là mốc khởi đầu mùa liên hoan của Nội trú, thường kéo dài từ tháng 9 năm nay đến tháng 1 năm sau. Mùa liên hoan ấy, một khóa Nội trú mới chào viện, một khóa Nội trú cũ tốt nghiệp, một khóa Nội trú nhỏ trở thành các anh lớn, tiếp nối truyền thống từ bao năm qua.
Học nội trú là ăn, ở với nhau suốt 3 năm trời, biết rõ từng tính xấu, nét tốt của nhau, cùng chia sẻ với nhau từng ca bệnh hay, từng công việc hành chính chán ngắt trên khoa phòng. Là những đêm thức trắng cùng trực, cùng mổ với nhau, là những lúc mắng nhau thậm tệ vì một sai sót chuyên môn. Sống với nhau như thế làm sao không gắn bó?
36 quăng sổ, 35 sắp tốt nghiệp, 37 sẽ chào viện, và còn 38 đã có kết quả, chỉ chờ giấy báo. Vòng quay thời gian vẫn cứ tiếp tuc để mỗi năm qua đi, mỗi người lại già thêm một tuổi, và để Nội trú các khóa lại tiếp tục kế thừa và phát huy những gì mà bao lớp Nội trú Ngoại đã gây dựng.
Chúc mừng 36!! Hôm nay các em là nhân vật chính!
Tại sao bút máy, chứ không phải bút bi, lại được coi là một phụ kiện thể hiện cho đẳng cấp? Câu hỏi này hiện ra trong đầu khi tôi bắt đầu tìm hiểu về thế giới của bút và mực. Tất nhiên, như rất nhiều lần khác, không hề dễ dàng khi muốn tìm cách giải thích thoả đáng cho một câu hỏi Tại sao. Cá nhân, tôi cho rằng nên nhìn vấn đề theo 2 khía cạnh: văn hoá - lịch sử và kỹ thuật.
Về mặt kỹ thuật, một điều khá rõ ràng là bút máy đòi hỏi sự chế tác tinh xảo hơn so với bút bi, ngay cả khi so sánh hai cây bút máy và bút bi thuộc cùng đời do cùng một hãng sản xuất. Cả hai có vỏ giống nhau, nhưng với một chiếc bút bi, chỉ cần thêm ruột bút, vậy là đủ. Với bút máy, câu chuyện không đơn giản như vậy, và bạn cần đưa ra lựa chọn của mình. Đầu tiên là ngòi bút, từ kích cỡ đến chất liệu làm ngòi, đôi khi cả màu sắc. Sự phối hợp các yếu tố này cho ta những sản phẩm phục vụ cho từng mục đích như viết, ký, vẽ... Cần lưu ý rằng chất lượng viết của một cây bút máy phụ thuộc rất nhiều vào ngòi bút. Nguyên liệu làm ngòi thường sử dụng là thép và vàng, đôi khi có thêm các kim loại quý khác. Đó là chưa tính đến việc các hãng đôi khi còn khắc lên đó hoa văn, tên hãng, ký hiệu, tạo ra một chiếc ngòi nho nhỏ nhưng tinh tế và đầy tính thẩm mỹ. Một thành phần khác cho phép người dùng thay đổi là hệ thống chứa mực. Về cơ bản, có 3 kiểu: cartridge, converter hay piston, mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng. Để tăng tính đa dạng, người ta tạo ra loại bút có thân trong suốt, giúp bạn có thể vừa viết, vừa nhìn mực sóng sánh. Một cảm giác thích thú!
Sự khác biệt trong cấu tạo dẫn tới hai hệ quả. Một, cách viết khác nhau. Với bút máy, bạn có thể viết chữ với một góc cầm nhỏ (góc tạo bởi bút và mặt phẳng tờ giấy), đồng thời không cần dùng lực ấn quá mạnh (tất nhiên là ngòi của bạn phải còn tốt). Đối với bút bi, góc cầm lớn, đôi khi là gần với góc vuông, và lực ấn phải đủ để lăn hòn bi. Vì thế, viết bằng bút bi khiến nhanh mỏi tay hơn so với bút máy. Để khắc phục chuyện này, người ta đã tạo ra bút bi nước, cho phép góc cầm nhỏ hơn và lực nhẹ hơn. Một sản phẩm mang tính lai tạo. Tuy vậy, bút bi nước không thay đổi được một vấn đề khác: đường nét của bút bi là như nhau, dù bạn thay đổi góc hay lực viết. Trong khi đó, mỗi thay đổi nhỏ nơi cổ tay sẽ dẫn tới sự khác biệt trong từng nét chữ với bút máy. Dựa trên nguyên lý này, viết uốn lượn, nét thanh, nét đậm là tuỳ theo ý thích của bạn. Hệ quả còn lại, là mức độ xứng đáng với đồng tiền người mua bỏ ra. Như đã nói ở trên, về cơ bản các mẫu bút bi thường khác nhau ở phần vỏ, trong khi với bút máy, từng thành phần lại có những lựa chọn riêng, và cho một số kết quả khác nhau. Bạn sẽ nghĩ gì nếu cây bút bi đắt tiền của bạn, hoá ra dùng chung ruột bút với một vài loại bút Trung Hoa anh hùng chẳng hạn?
Xét về khía cạnh lịch sử, bút máy lần đầu tiên được nhắc tới từ năm 953. Tuy vậy hiện không còn bất cứ tài liệu nào lưu giữ được hình mẫu hay thiết kế của cây bút này. Ở châu Âu, như ta vẫn thường thấy trên film ảnh, một thời gian dài người ta dùng bút lông ngỗng để viết cho mãi tới thế kỷ 17, khi những chiếc bút máy bắt đầu được thiết kế, sản xuất và trở nên thông dụng từ thế kỷ 18. Năm 1888, John Loud người Mỹ xin cấp bằng sáng chế bút bi, nhưng chỉ đến khi László Bíró, một nhà báo người Hungary, thực hiện những bước cải tiến quan trọng về mực cũng như thiết kế thì bút bi mới trở nên thông dụng. Ông đăng ký bằng sáng chế tại Anh năm 1938. Như vậy, bỏ qua giai đoạn không được ghi chép đầy đủ, có thể xem bút máy ra đời sớm hơn bút bi khoàng trên 1 thế kỷ. Với những người yêu thích tính cổ điển, đây là điều đáng để quan tâm.
So với bút bi, việc dùng bút máy rõ ràng là phiền phức hơn nhiều. Bạn cần chọn kiểu dáng, cấu tạo phù hợp với công việc và mục đích sử dụng của mình, và nếu kỹ tính hơn, là cả loại mực nữa. Mất công hơn, nhưng tính cá nhân cũng cao hơn. Một sự phiền phức khác là cần kiểm tra mực khá thường xuyên nếu không muốn phải mượn người khác. Nói vậy, nhưng rõ ràng việc tự chủ được lượng mực còn lại vẫn tốt hơn là bất ngờ hết mực như đa phần các loại bút bi hay gặp. Lạc quan mà nói, điều này giúp cho thời gian sử dụng bút máy lâu hơn, trừ khi cây bút bi của bạn có giá cao và bạn cũng sẵn ruột để thay. Tính cá nhân và khả năng làm chủ còn thể hiện ở chữ viết. Như đã trình bày ở trên, bút máy có khả năng tạo ra nét chữ khác nhau chỉ với những thay đổi ở góc độ cầm bút. Ở đây thì đúng là nét chữ, nét người. Tất nhiên tôi không phủ nhận việc bút bi cũng có thể cho phép có được những kết quả như vậy, nhưng thường sẽ đòi hỏi tốn nhiều công sức hơn.
Để kết thúc, xin được trích dẫn một đoạn trong bài viết "Why are fountain pen sales rising?" của Steven Brocklehurst đăng trên BBC Online (Link: http://www.bbc.co.uk/news/magazine-18071830)
Câu chuyện của bút máy là câu chuyện về giá trị một vật chịu ảnh hưởng của làn sóng công nghệ mới.
Bút máy đã từng thống trị, nhưng tới những năm 1960, công nghệ bút bi đã tạo ra một đối thủ ghê gớm. Chỉ người lạc quan nhất mới có thể dự đoán điều gì khác hơn là sự tuyệt chủng dành cho bút máy – chuyến tàu một chiều tới nghĩa địa công nghệ, cũng như bút lông trước kia.
Nhưng chúng không chết. Cách người ta nghĩ về chúng đã thay đổi, và vẫn đang thay đổi.
Gordon Scott, phó giám đốc về mảng văn phòng phẩm của Parker tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Á đã nói: “Mối quan hệ của chúng ta với cây bút máy đã thay đổi, từ công cụ lao động trở thành một phụ kiện. Người ta muốn ký ức của cây bút máy trong chiếc bút hiện đại.”
Bút máy đã trở thành một món đồ xa xỉ và tìm được chỗ đứng cho mình.
Nếu tổng thống ký một hiệp ước, ông ta sẽ không dùng cây bút bi Bic Cristal. Nếu bạn tặng người mình yêu quý một cây bút, ý nghĩ của bạn sẽ hướng về bút máy nhiều hơn bút bi.
Bút máy là thứ sẽ được chọn làm quà tốt nghiệp hay vật may mắn cho ngày làm việc đầu tiên.
Và những người tự mua bút máy cho mình đã có một lựa chọn mà họ chủ động ý thức được. Họ đang nói: “Tôi muốn viết theo cách cũ.”
Theo Martin Roberts, một trong những chuyên gia về bút tại trang Web The Writing Desk, bút máy “đơn giản và trung thực” trong một thế giới mà công nghệ máy tính hiện đại thống trị khắp nơi.
“Ở phố nào cũng có quán McDonald, nhưng điều đó không khiến mọi người ngừng thưởng thức đồ ăn nấu tại nhà, đơn giản và ngon miệng.”