1. Trang chủ

    image
    Trang chủ
  2. Ảnh

    image
    Ảnh
  3. Bài viết

    image
    Bài viết
  4. Về tôi

    image
    Về tôi
  5. Liên kết

    image
    Liên kết

Danh ngôn sống đẹp

Pu Pu - Kal Kally - Seperator

Tôi có thể tha thứ, nhưng tôi không thể quên, đó chỉ là một cách nói rằng tôi sẽ không tha thứ. Tha thứ nên giống như một tờ ghi chú đem hủy bỏ - xé làm đôi và đốt trụi, để nó không bao giờ có thể mang ra chống lại người khác.


I can forgive, but I cannot forget, is only another way of saying, I will not forgive. Forgiveness ought to be like a cancelled note - torn in two, and burned up, so that it never can be shown against one.


Henry Ward Beecher

 5 người thích      Thích

Danh ngôn hành động

Pu Pu - Kal Kally - Seperator

Tôi cực kỳ kiên nhẫn, miễn là cuối cùng tôi được như ý của mình.


I am extraordinarily patient, provided I get my own way in the end.


Margaret Thatcher

 11 người thích      Thích

Để râu không phải là dê
Để râu là để mân mê cho nó đỡ buồn



Bao ngày ta sống cùng nhau
Mà nay anh sắp về chầu Diêm Vương
Thế gian muôn sự khó lường
Thắng thua được mất là thường xưa nay
Anh đi tôi nhớ những ngày
Hai ta bầu bạn vui vầy sớm hôm
Khi vui vẻ, lúc đau buồn
Thiên hạ đàm tiếu vẫn luôn ân cần
Anh đi cùng với mùa xuân
Để tôi ở lại vô ngần xót xa
Dù sao anh hãy tin là
Tôi vẫn quyết sống kiếp Gà vinh quang.


15/03
2010

Tặng H.

Giờ em là gái có chồng
Anh đành chôn chặt tình nồng ngày xưa
Đường xa, trời đổ cơn mưa
Mình anh lủi thủi sớm trưa đi về
Nước non còn đó lời thề
Mà nay lại hóa trò hề…Hỡi ôi!
Từng giọt, từng giọt mưa rơi
Hay là nước mắt của trời khóc anh ?
Tình ơi, nay đã tan tành!
Bao nhiêu chuyện cũ hóa thành hư vô…


Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Vội vàng ra chợ rảo gần xa
Cá ướp hàn the ghê thịt cá
Gà bôi phẩm nhuộm ớn da gà
Cải vừa tương phân hồi bữa trước
Bầu vừa xịt thuốc tối hôm qua
Sợ ăn ngộ độc phiền y tế
Bác đến chơi đây ta với ta

Bài này do chú Bảo truyền cho, chắc tập thể lớp I nhà chú sáng tác :P


Năm nay mong muốn đón cái Tết cuối cùng của đời sinh viên trong Việt Đức không thực hiện được. Kể cũng đáng tiếc. Có chút an ủi là mùng 6 đã đổi trực để đi khai đao.

Chiều mùng 3, Minh mun gọi điện nhờ trực hộ ngày mùng 4. Chả sao, coi như khai đao sớm hơn một chút.

Trực ngày mùng 4: Cọc I: Bs. Hoàng 1C, cọc II: Bs. Long 14. Tua này vốn nổi tiếng từ xưa đến giờ là luôn có những ca hoặc cực kỳ củ chuối hoặc cực kỳ hoành tráng.

Sáng :

– Phòng Hồi sức đã nằm sẵn 2 bác VTC hoại tử. Cả 2 đều đau ở nhà 4 ngày, đều có dấu hiệu shock, đều không tìm thấy nguyên nhân, không có chỉ định mổ và đều do tua trước để lại.

– Phòng lưu và phòng khám không có gì đặc biệt…so với ngày thường của tua này

Chiều :

Đi ăn được một chút thì đã bị anh Lâm NT33 réo về làm việc. Hóa ra cái thân nhóm trưởng cũng không thú vị gì cho lắm.

– Phòng khám: Đông nghịt

1 vụ đâm chém nhau, lý do là va chạm xe máy – ô tô, cuối cùng thì một nhà có đến 3 người vào viện. Lúc ra hỏi :”BN ABC đã làm xyz chưa?” thì được trả lời :”Không, anh ơi, DEF mới là thằng bị đâm 3 nhát, ABC nó bị 1 nhát anh ạ”…

1 vụ tai nạn giao thông, 3 chú cùng đi trên 1 xe máy, tự ngã rồi cùng vào viện một thể.

Ngoài ra thì còn một mớ lằng nhằng các thể loại TNGT, TNSH khác…

– Phòng Hồi sức:

+ Nhận thêm:

2 BN NT đường mật, cả 2 đều có tiền sử mổ sỏi mật 4 lần, đều đau ở nhà 2 ngày rồi mới đi khám, và đều bắt đầu có dấu hiệu shock.

1 BN vết thương thấu bụng, ĐT phải lòi ra ngoài qua vết đâm. Đây chính là 1 trong 3 BN của vụ đâm chém nhau.

1 BN chuyển từ BM sang với chẩn đoán: TD tắc ruột, sỏi mật, ứ nước thận P do sỏi niệu quản P / TBMN…Lúc ra khám thấy BN này nôn ra dịch nâu đen, TR thì phân nâu đỏ, mùi cực kỳ đặc trưng, sợ là hoại tử ruột mất rồi.

+ 2 BN VTC hoại tử:

Một BN được vào 16-17, sau đó BN nặng xin về

Một BN suy đa tạng, chuyển BM, chắc cũng thành nặng xin về.

– Phòng lưu: Như…ngày thường của tua trực.

7h tối :

BN vết thương thấu bụng được đẩy đi mổ. Theo dõi từ đầu, quyết định lấy ca này để khai đao. Hôm nay NT chỉ có 5 người nên mình xin được chân phụ 2. Ca này anh Hoàng 1C và anh Gia Anh mổ, anh Kiên NT 32 phụ 1.

– Lúc kiểm tra đoạn đại tràng bị lòi ra thì phát hiện thấy thủng, chuẩn bị chút tinh thần.

– Mở ổ bụng, một cái mùi cực kỳ khó mô tả tràn vào mũi.

– Lúc kéo ĐT vào kiểm tra thì ĐT phải bị đứt hơn nửa chu vi.

– Kiểm tra các tạng khác, phát hiện:

+ HPT VI của gan bị một vết cắt nông, đã cầm máu

+ Tá tràng đoạn D2 bị đâm một lỗ khoảng 2x3cm ở mặt trước, đến lúc bóc tách ra thì phát hiện mặt sau cũng bị một lỗ…nho nhỏ nữa, khoảng 0.5x1cm…Lúc thấy lỗ trước thì anh Gia Anh còn phân vân khâu hay làm patch, đến lúc ra cái lỗ sau thì thôi, patch cho nó yên tâm.

Bây giờ thì đã biết cái sự khó tả của mùi kia từ đâu ra. Nó là cái sự hòa trộn tinh vi và đầy chất lượng giữa dịch tá tràng và phân đại tràng!

Chỉ cần mũi kiếm đi sâu hơn một chút nữa, thì ăn chắc vào TMC…

– Xử trí:

+ Tổn thương ở tá tràng: Làm quai nối Rouxen Y

+ Tổn thương ĐT: Làm HMNT.

Trong lúc mổ, nghe nói một BN sỏi mật bị shock, nặng xin về…BN kia may mắn hơn, chưa kịp shock thì đã được mổ.

Một lát sau, nghe nói ngoài phòng khám lại có một ca VT thấu bụng, ba người rụng rời…May mà sau thăm dò ngoài phòng khám thì chỉ là VT thành bụng.

Từ lúc bắt đầu mở bụng BN là 7h30-8h tối gì đó, đến khi mình buộc nút chỉ lanh cuối cùng và tháo găng là 3h05 sáng. Đứng đến mức 2 gót đau nhức, 2 gối thì có cảm giác như không còn sụn khớp nữa, các đầu xương nghiến lên nhau….Soi gương thấy hình như râu lại dài thêm một chút (Ôi, bản thân mình cũng thấy râu không đẹp, bao giờ mới được cao đây :( ). Anh Gia Anh thì cười bảo: Đấy, khổ chưa! Mổ dài cả râu :)

Ba anh em đói rét, kéo ra Sinh Lý ngồi. Chả có gì ăn, đành uống tạm cốc sữa nóng, ăn thịt bò khô, đậu phộng và ChocoPie cho qua cơn đói. Một lúc sau anh Lâm ra, nói chuyện thì mới biết là toàn bộ NT tua này đều chưa được ăn gì…

4h sáng, về phòng khám, thấy không còn gì, yên tâm lên ngủ.

Lại được nằm ở cái giường yêu thích. Kể cũng lạ, bao nhiêu chỗ, chỉ thích nằm mỗi cái giường này. Bất kể tua nào cũng thế, mình luôn tìm cách nằm ở đấy, dù một mình hay nằm chung. Mà cứ nằm đây là một thứ cảm xúc khó tả lại tràn về. Lần nào cũng vậy, hôm nay tất cũng chẳng ngoại lệ…. 


Mười mấy năm rồi, tối ba mươi tắm rửa sạch sẽ, mười một rưỡi hai bố con xuất hành đầu năm: đi lễ chùa và hái lộc.

Chùa ở gần nhà. Mười lăm phút đi bộ giữa cái lạnh dịu dàng và không khí trầm lặng của đêm Giao thừa mang lại cảm giác thanh bình rất đặc trưng.

Trước tiên phải phân trần đã. Mặc dù không phủ định việc tồn tại những bí ẩn về tâm linh, mình không nghĩ việc đi chùa sẽ làm cho người ta tránh được tai này nạn nọ, hay thu được lợi này lộc kia. Tuy thế, chỗ dựa về tinh thần có lẽ khá cần thiết, ít ra với một số người.

Hái lộc, đứng trên quan điểm cá nhân mà nói, cũng không hẳn là hành động nên làm. Đơn giản nhất là ai cũng hái thì cây sẽ còn lại gì? Ai cũng có lộc thì quả là hay, nhưng cái trò đời rõ ràng không như vậy. Nhưng…một lần nữa, chỗ dựa tinh thần là một biện minh cho phép tự bỏ qua cái quan điểm của mình.

Mọi năm đi theo kiểu khá lơ đễnh. Năm nay không hiểu sao lại thấy thư thái, sáng suốt, thành ra lại để ý thấy vài chuyện hay hay.

Đầu tiên là việc khấn vái. Có lẽ mình là người duy nhất không chắp tay trong số khách viếng. Chắc nhờ thế mới phát hiện ra cùng một động tác mà cách người ta thực hiện cũng đa dạng như chính bản chất của họ vậy. Có người chỉ chắp tay đứng thẳng, kẻ lại cong lưng cúi đầu. Có kiểu vái bằng cánh tay, có cách vái bằng cổ tay. Thôi thì đủ loại. Thấy một cô gái xinh xắn lắm, nhìn là muốn có cảm tình rồi. Ấy vậy mà lúc nhìn em này vái, tay cứ như sợi dây ấy, dẻo khó tả, tự nhiên lại giảm mất vài phẩn yêu thích. Đáng tiếc thế đấy!

Lúc đứng quan sát thiên hạ, thấy có tờ giầy ghi một bài thơ về sống để trên hòm công đức, mình mới cầm lên. Vừa dợm bước quay đi đã nghe gọi giật lại bảo để đó. Tác giả tiếng gọi là một chị đang quỳ trước ban chính mà sì sụp, sì sụp. Kể cũng giỏi, không được nghìn mắt như Phật bà, chắc cũng phải có cái thứ ba, thứ tư ở đâu đó. Về sau ra cũng lấy được một tờ, nhà chùa làm cho khách viếng. Đọc hai mặt, cũng có cái hay. Bảo làm sao người ta giữ vậy.

Đến chuyện thứ ba là cái không biết nên bình luận gì. Khách đi lễ thường để một vài đồng lẻ lên các ban. Chắc cũng chả có ai lấy, thế mà nhiều nhiều một chút là lại có một bà mang theo cái khay đến hốt bạc. Ông già có vẻ khó chịu. Dù sao thì cũng lễ xong rồi, đi về.

Đầu năm, may là trên đường về vẫn thoải mái thư giãn, không có vấn đề gì. Hái được ít lộc, coi như đã hoàn thành chuyến đi.

Xin phép chép lại bài thơ trong tờ giấy nhà chùa cho. Chắc cũng nhiều người biết rồi, nhưng đọc lại cũng hay. Không đồng ý lắm với một hai câu trong này, có điều đấy lại là chuyện quan điểm.

Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến !

Một điểm thú vị khác về bài thơ này. Khi tìm trên mạng thì có đến 2 người được đề tên là tác giả, một người là Sa môn Thích Hạnh Hải, một là Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt. Nghi vấn này tạm thời để đó, chưa tìm hiểu vội. Đầu năm mà, cứ thoải mái đã.


Một ngày có lúc sáng và tối. Người bình thường hưởng đủ hai thái cực ấy cùng vô vàn những chuyển biến trung gian. Người mù chỉ biết đến bóng tối. Mù bẩm sinh thì chẳng có khái niệm gì về cảnh sắc. Mù mắc phải thì đã biết và đã mất. Tôi nghĩ những người thuộc nhóm sau có lẽ đau khổ hơn. Cái thuộc về mình một cách tự nhiên cũng lại bị một cái tự nhiên trời ơi đất hỡi nào đó cướp mất. Cũng có người bảo nhóm đầu khổ hơn vì chưa có bao giờ, chứ nhóm sau dù sao cũng coi như đã từng sở hữu. Ý kiến cá nhân. Chung quy lại, mù là khổ. Chẳng thế mà mới bảo “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”.

Xưa đến nay, cứ khác thường là cô đơn. Thiên tài có mấy người hiểu? Thiên tài với điên xem ra không khác nhiều lắm, một đằng được công nhận (dù không ai hiểu), một đằng không (cũng chẳng ai hiểu). Mù cũng thế. Sáng chẳng thể nào rõ cái đêm dài của mù. Mà người mù cũng không hòa nhập với người sáng được. Có nhìn thấy người ta làm gì đâu mà hòa ? Quay đi quay lại, giữa một đàn sáng mắt, người mù một thân một mình, ôm đàn mà gảy cho cái sự cô độc, cho bóng đêm chung thủy đeo bám cuộc đời mình, nguyện mãi không rời cả khi đã xuống lỗ.

Thế nên mới ra cái cảnh trên mù thì cứ đàn, dưới sáng thì rượu chè bia bọt. Nhiều vị muốn chứng tỏ mình còn sáng ý nữa. Thế mới thành cái cục diện tiếng nói đấu tiếng đàn. Đàn có dàn loa trợ lực, hóa ra cũng không hơn tiếng nói mấy nỗi…

Kể ra đã lặn lội đến tận chỗ khỉ ho cò gáy (hiện tại, sau này chắc khác), cũng không phải dạng vớ vẩn. Tiếc là chọn lọc cũng không thể triệt để quá, nhất là khi người ta gọi đến cả chục lon bia, đương nhiên phải hơn cái đám cả buổi nhất quyết chỉ gọi Dilmah 20 nghìn. Cơm áo không đùa với khách thơ, và chắc chắn không chơi bời gì với chủ hàng café. Tấm lòng thì đã sao, trong cũng chỉ chứa toàn chất thải, có lấy ra mà nhai lại như mấy con bò được đâu ? Cũng còn may được nỗi là bia thì bia, chứ chất thì không đến nỗi biến quá, đại khái cơm cũng mới nghiền thành hỗn hợp lỏng màu trắng chưa chuyển sang cái màu vàng xuồm xuộm. Mà cũng mới có một bàn bia chứ mấy. Một là số ít, số nhiều còn lại đều biết im lặng để bù lại, coi như cuộc chiến đàn và nói được cân bằng.

Cứ nghĩ, nếu mù mà không mù, chả chắc đã thành như thế, nhưng cũng không biết liệu có giỏi hơn thế không. Gì chứ riêng cái nghị lực vượt lên bản thân đã quá xứng đáng để có một không gian tốt hơn. Lại lần nữa, cơm áo quyết không đùa. Được thế này, có lẽ cũng là tốt lắm rồi.

Trời không mưa, vẫn cứ u ám…


07/01
2010

Đọc Tôi là bạn ông Dương Tường của Bùi Ngọc Tấn lại thấy thèm, thấy nhớ.

Thèm được đa tài, thèm được sống kiểu nghệ sĩ như Dương Tường. Đa tài có thể học, còn chuyện đến đâu lại là vấn đề khác. Dù sao vẫn mừng mà nhận ra mình còn ham học chán. Ít ra thì niềm tự hào của bản thân chưa bị sứt mẻ gì mấy. Còn sống kiểu nghệ sĩ ấy thì…Ngày trước có đứa bảo: “Thoạt đầu tưởng mày cũng nghệ sĩ, nhưng xét kỹ thì không phải”. Không nhớ chính xác cảm giác lúc ấy thế nào, hình như hơi hẫng, chứ bây giờ thì quả là buồn. Có lẽ là phải bồi dưỡng từ bé, mà cũng có thể là bẩm sinh, nhưng ở cái tuổi của mình mà mơ ước khởi đầu cho cái tâm hồn nghệ sĩ, dù là bé nhỏ, thì chắc cũng muộn. Đáng tiếc chỉ có thể nghĩ ra những thứ tủn mủn, cóc ghẻ chứ chẳng bao giờ vẽ nổi thiên nga.

Nhớ thì quá nhiều, chỉ hận không thể tả lại rõ ràng từng chi tiết giống như chiếu phim mà thôi. Nàng tiên lướt qua, chạm nhẹ rồi lại biến đi mất, còn lại mình với sự thật trần trụi và một mớ tiềm thức bị đè nén thảm hại…


Hôm nay phải học để thi

Thế mà tôi cứ nghĩ gần nghĩ xa

Cuối cùng lại nhớ người ta

Thế nên tôi học chẳng ra cái gì

P/S: Bài thơ này được làm giữa lúc học 2 câu CTBK và Vỡ tạng đặc, nên lấy luôn làm tên.


I. Xuất xứ:
1.1. Gốc tích, quê quán:

Tấm không phải là tên thật của nhân vật nữ chính trong truyện. Kỳ thực, tên phổ thông nhất của cô ta là “ Tro Bếp” ( Cinderella theo tiếng Anh) , dịch sang tiếng Việt là “Lọ Lem”. Cái tên này được dùng chung tất cả các nước châu Âu. Tùy nước mà tên gọi có khác nhau đôi chút:

Pháp: Cendrillon
Ý: Cenerentola
Rumani: Cenusotca
Nga: Cernuska hay Doluska
… Tất cả cái tên đều có nghĩa chung là “ Tro Bếp”.

Còn ở các nước ngoài phạm vi châu Âu, cái tên này thay đổi nhiều hơn, không còn phụ thuộc vào ý nghĩa từ “Tro Bếp” nữa :

VN: Tấm- Cám
TQ: Diệp Hạn
Choang: Ta Gia – Ta Luân

Tày: Tua Gia – Tua Nhi
Chăm: Neang Cantoc – Neang SongAngcat/ Mu Gajaung – Mu Haloek
Campuchia: Neang Kantoc – Neang Chong Angkaat
Myanma: Bé
Xre: Gơ Liu
Hre: Ú
Thái: Ý Ưởi
Hmong: Gàu Nà

Các tên khác:
Kajong – Halek
Ko Giong – Hu Lếch.

Lưu ý 1 điều: Bạch Tuyết thuộc 1 motip truyện gần giống chứ không phải là Tro Bếp, đừng hiểu lầm.

1.2. Các phiên bản:

Thật sự là khó có thể thống kê hết đã từng có bao nhiêu phiên bản Tro Bếp trên toàn thế giới, ta chỉ có thể biết rằng mức độ phổ biến của câu chuyện này cực kỳ rộng lớn, từ đất Nga xa xôi đến VN mưa rào, xuyên qua Trung Đông sa mạc, tràn xuống cả Châu Phi nóng nực. Không đâu là không có “Tro Bếp”, hầu như không dân tộc nào là không có ít nhất một phiên bản như thế cho mình. Chỉ riêng Việt Nam thôi người ta đã tìm ra ít nhất 35 phiên bản. Theo một cuốn sách cũ mà tôi quên mất tựa đề, truyện “Tro Bếp” có tổng cộng ít nhất 200 phiên bản trên toàn thế giới ( 200 hay 2000 tui ko còn nhớ rõ, phải chi tôi tìm lại được cuốn ấy, chỉ còn nhớ tác giả hình như là Đinh Gia Khánh.). Đó là chưa tính đến những truyện được phóng tác từ motip này, ví dụ như bộ phim Lọ Lem lừng danh của Want Disney hay câu chuyện Tro Bếp của Andescen viết lại.

1.3. Tro Bếp tồn tại từ bao giờ:
Không bao giờ có thể biết. Nhưng nếu xét trên bình diện chung của truyện cổ, vốn là những truyện xuất hiện từ thế kỷ thứ 10 sau công nguyên, khi những thể loại như sử thi, thần thoại, anh hùng ca đã chìm vào dĩ vãng thì ta tạm chấp nhận Tro Bếp là một idol xuất hiện vào thế kỷ thứ 10. Bản Diệp Hạn của Trung Quốc cũng ghi nhận sự xuất hiện sớm nhất của nó là thế kỷ thứ 9, vậy là suy luận của chúng ta tạm xem là trùng khớp.

II. Những chi tiết chung trong motip truyện:
2.1. Con cá hay người mẹ?

Quý vị chắc chẳng quên được chi tiết con cá bị mần thịt nhỉ? Phiên bản Tro Bếp của ta xem con cá là hình ảnh người mẹ của Tấm. Kỳ thực, hầu hết những phiên bản motip ở riêng khu vực Đông Á mà theo hướng “ Tấm – Cám không phải là chị em ruột” thì hầu như đều viết 1 chi tiết rất quan trọng rằng: “ cái con/ thứ đó là mẹ Tro Bếp đầu thai.”. Hãy điểm sơ sơ lại list truyện Tro Bếp:

TQ: Diệp Hạn ( mẹ Diệp Hạn hóa thành cá vân mắt đỏ, bị ăn…)
Choang: Ta Gia – Ta Luân ( mẹ Ta Gia thành chim khách/ chim quạ, bị ăn thịt…)
Tày: Tua Gia – Tua Nhi ( Mẹ Tua Gia thành bò, bị ăn thịt)
Myanma: Bé ( mẹ Bé thành rùa, bị ăn thịt)
Hre: Ú ( Mẹ được vua Thủy Tề cứu hóa thành người cá)
Hmong: Gàu Nà ( mẹ Gàu Nà thành bò/ chim, bị ăn thịt.)
Thái: Ý Ưởi ( mẹ chết biến thành con cá vàng nhỏ.)

Như vậy, ta thấy rằng rất nhiều phiên bản Tấm Cám đã mô tả việc mẹ con Cám ăn thịt mẹ Tấm dưới 1 hình thức ước lệ ( mẹ Tấm đang trong lốt cái gì đó). Cái “con cá” ấy, hầu như luôn thể hiện ám chỉ “ là 1 hóa thân của 1 người thân Tấm.” chứ không đơn thuần là con vật dùng để luyện lấy Ultima weapon ( ý tôi nói là vụ chôn xương để lấy áo quần đẹp á.). Thậm chí 1 vài dị bản, Mẹ Tấm đóng thay luôn cả vai trò của ông tiên giúp Tấm cưới vua ( cái này khá ít, chỉ có thể xem là trường hợp cá biệt). Cái ý nghĩa này thường xuất hiện khi “ Tấm – Cám không phải là chị em ruột” ( bởi nếu là chị em ruột, tức mẹ Tấm còn sống, thì con cá ấy là hiện thân của kí rì đây?)

Ý nghĩa “ cái con bị ăn thịt ấy là mẹ/ cha của tôi đầu thai” theo khảo sát cho đến thời điểm hiện tại, chỉ thấy xuất hiện ở khu vực Đông Á mà thôi. Những nơi khác nó đơn giản chỉ là vật dùng để chôn xương lấy áo, với xuất xứ có khi chỉ là rất bá vơ như “ Tro Bếp đang ngồi khóc thì con cá ở đâu bơi lại”, hoặc trọng đại hơn 1 chút là “ thần hiện ra tặng cho con cá.”

2.2. Sự giúp đỡ từ thế lực siêu nhiên:

Cái này chắc tôi ko phải nói nhiều. Đơn giản là trừ vài cá biệt, mẹ/cha đã chết của Tấm ở các bản Đông Á sẽ vừa đóng vai trò “ cái con bị ăn thịt” vừa đóng luôn vai trò ông tiên, thì hầu hết các phiên bản đều giao nhiệm vụ giúp đỡ này cho 1 thế lực bất bình thường VD như Bụt ( Việt Nam), hay đạo sĩ, thần thánh, bà tiên,…

2.3. Chiếc giày hay bàn chân?

Tấm ở VN được hoàng tử/vua phát hiện qua chiếc hài thêu. Tro Bếp ở châu Âu được phát hiện qua chiếc giày pha lê/ thủy tinh. 1 số nước khác, Tro Bếp được phát hiện qua những món còn … trần tục hơn VD như …guốc gỗ. Sự phổ biến của phiên bản “ nhận biết qua thứ người ta mang dưới chân” khiến không ít người nhầm lẫn đôi giày làm thứ giúp nhà vua phát hiện ra và công nhận Tro Bếp.

Kỳ thực, nếu ta để ý, nguyên nhân Tro Bếp được phát hiện là do “ chiếc giày quá nhỏ, nhỏ đến nỗi những cô gái có đôi chân nhỏ nhất cũng vẫn còn lớn hơn đôi giày kỳ lạ đến hai lần.”. Sau này, người ta phát hiện ra một số phiên bản khẳng định điều này. VD như bản Campuchia hay một số bản khác tại những xứ không quen đi giày dép, Neang Cantoc ( Tro Bếp) được nhận ra nhờ vua trông thấy đôi bàn chân nhỏ nhắn chẳng lầm vào đâu được.

Như vậy, thứ giúp Tro Bếp được nhận ra và trở thành hoàng hậu là … đôi bàn chân nhỏ chứ không phải chiếc giày nhỏ. Sự ngộ nhận này đã tồn tại trong rất nhiều thế hệ.

2.4. Tái sinh liên tục:

Đặc điểm riêng của các bản Tro Bếp vùng Đông Á là câu chuyện chưa kết thúc sau khi Tấm thử giày mà sẽ kéo dài quan 1 lần hoạn nạn nữa với sự kiện tái sinh liên tục. Tấm sau khi chết sẽ liên tục biến thành đủ thứ cây cỏ , con vật cho đến khi nhà vua nhận ra. Lần này dĩ nhiên là dông dài và phức tạp hơn vụ thử giày hồ nửa đầu truyện.

Thống kê 1 số quá trình biến hóa của vài phiên bản tiêu biểu:
Bản Chăm của Landes: rùa – măng – chim – cây thị
Bản Chăm của Leclere: rùa – chim – măng – cây pen
Bản Việt của Vũ Ngọc Phan: chim – cây xoan – khung cửi – cây thị
Bản Việt của Landes: Chim – măng – cây thị
Bản Tày: Chim – tre – 2 quả trứng
Bản Xơ Rê: trúc – chim – cây thị
Bản Hơ Rê: chim – cà – cam
Bản Khmer: chuối – tre
Bản Myanma: Bồ câu – đu đủ
Bản Lào: quả tum
Bản Thái Lan: chim

Ta lưu ý 1 điều: hầu hết các phiên bản thì Tro Bếp có sự trùng hợp là bị biến thành chim và bị ăn thịt. ( lưu ý thôi vì bản nào cũng có, chứ nó ko có ý nghĩa gì lớn lắm)

2.5. Ending của Cám:
Trừ vài bản phóng tác của Andescen hay người khác, hầu hết đều ghi nhận kết cục ko tốt đẹp gì cho Cám ( 100% là bị giết theo nhiều cách khác nhau.). cái này sẽ được đề cập ở mục III.

III. Sự Thật?

3.1. Dì ghẻ con chồng hay chị em sinh đôi?

Có lẽ ít người phát hiện ra điều này. Nhưng có ít nhất 2 kiểu OP cơ bản khác nhau, dẫn tới 2 cái ending cơ bản cũng khác nhau tương ứng.

Thường nhắc đến Tấm Cám hay Tro Bếp, ta thường nghĩ đến 1 câu chuyện về xung độ “ dì ghẻ – con chồng”, nhưng thực tế không phải như vậy. Tấm Cám có đến 2 motip cơ bản là motip “ Tấm – Cám là chị em cùng cha khác mẹ” và “ Tấm – Cám là chị em ruột sinh đôi.”, một motip khá thịnh hành ở Đông Nam Á. Điều này nghe tưởng như đùa nhưng thực sự số bản theo motip “ chị em sinh đôi” là rất lớn. Theo thống kê, ít nhất nó bao gồm:

chiếm tới 2 trong tổng số 3 bản Chăm thu thập được.
các bản Campuchia
Bản Tấm Cám VN ( bản của Landes và bản của Jeanneau)
Các bản của dân tộc ít người trong phạm vi VN.

*. Nếu theo motip “ dì ghẻ con chồng” thì diễn biến câu chuyện thường là:
- 1 thế lực siêu nhiên bảo Tro Bếp nuôi cái gì đó ( ăn được), 90% “cái gì đó” là người thân cô ta đầu thai.
- “cái gì đó” ấy sẽ bị ăn, Tro Bếp sẽ sử dụng những phần còn lại để có đồ đi dự hội và gặp gỡ “người ấy”.
- “Người ấy” đi tìm Tro Bếp, nhận ra cô nhờ chiếc giày chỉ vừa với đôi chân nhỏ.
- Tro Bếp sau khi làm vợ 1 thời gian, trở về nhà, bị mẹ con dì ghẻ giết và đánh tráo.
- Tro Bếp tái sinh liên tục.
- Tro Bếp và người ấy gặp lại nhau.
Ending:
- Mẹ con dì ghẻ bị tiêu tùng, bởi những thế lực khác nhau tùy theo phiên bản mỗi nước.

*. Nếu theo motip “ chị em sinh đôi” thì câu chuyện sẽ thu hẹp về phạm vi gia đình và mâu thuẫn 2 chị em hơn, cụ thể:
- Tấm – Cám được mẹ/cha dặn đi bắt cá, người bắt nhiều sẽ được xem là chị ( và Tấm bị Cám tráo giỏ.).
- 1 thế lực siêu nhiên bảo Tro Bếp nuôi cái gì đó ( ăn được), 90% “cái gì đó” không có can hệ máu mủ gì với người thân đã chết cả ( vì bà mẹ vẫn còn sống sờ sờ kia). “ Cái gì đó” đơn giản chỉ dùng để làm bạn và để lấy áo quần dạ hội.
- “cái gì đó” ấy sẽ bị ăn, Tro Bếp sẽ sử dụng những phần còn lại để có đồ đi dự hội và gặp gỡ “người ấy”.
- “Người ấy” đi tìm Tro Bếp, nhận ra cô nhờ chiếc giày chỉ vừa với đôi chân nhỏ.
- Tro Bếp sau khi làm vợ 1 thời gian, trở về nhà, bị mẹ và em ruột giết chết và đánh tráo, thường là theo lối giội nước sôi rồi băm xác đem giấu. Do là chị em sinh đôi nên người em giả dạng rất dễ dàng.
- Tro Bếp tái sinh liên tục.
- Tro Bếp và người ấy gặp lại nhau.
Ending:
- Cám bị ưu tiên chết, cái chết nhấn mạnh vào vấn đề “ Cám cố gắng giống chị để tiếp tục đánh tráo”. Bà mẹ ruột thì tùy, thường là chẳng nghe đá động gì cả. Lý do đơn giản vì motip này đã hoàn toàn thiên về xung đột chị em.

Như ta thấy, 2 chuỗi motip này dẫn tới 2 cái ending thuộc loại “ liếc thì có vẻ giống nhưng xem kỹ mới thấy khác.”. Thường ở motip “ dì ghẻ con chồng”, nó mang ý nghĩa “ tòa án, trừng trị” nơi 1 ai đó ( tuyệt đối không phải Tấm) sẽ đứng ra phân xử Cám và làm mắm cô ta gửi mẹ sau khi sự thật phơi bày. Còn nếu theo motip “chị em sinh đôi” thì ending theo hướng nhấn mạnh vào vấn đề “ Cám cố đánh tráo lần thứ 3” vốn đã xảy ra suốt mạch truyện.

Để hiểu rõ hơn, tôi nêu ra list các ending:

- Tày: Tua Gia Tua Nhi ( Mẹ vua sai Tua Gia khoan về nhà mà giả làm người bán bánh. Hoàng Hậu Tua Nhi ko nhận ra, hỏi cô bán bánh làm sao mà trắng đẹp thế, cô trả lời nhờ tắm nước sôi. Hoàng hậu hí hửng làm ngay, chết.)
- Ý( đảo Sicile): Cenerentola ( vua giết và làm mắm cô con gái, gửi mụ dì ghẻ. Khi mụ ăn, con mèo nói: “ cho tôi chút gì tôi khóc giúp cho”. Mụ đuổi mèo đi. Sau mụ phát hiện ra sự thật, chết. Mèo lại kêu “ mụ không cho tôi gì cả, tôi chẳng khóc giúp đâu.”)
- Campuchia: Neang Kantoc ( Hoàng hậu giả Neang Chong Angkaat chạy vào rừng, mất hút vĩnh viễn ko ai còn nhìn thấy. —- > làm điểm tâm cho cọp beo. Cha thì bị cá sấu lôi đi)
- Myanma: Bé (Hoàng hậu giả đòi đem gươm thần phân xử. Gươm thần giết người, vua làm mắm biếu dì ghẻ)
- Xre: Gơ Liu ( Gơ Lat bị hoàng tử lệnh làm mắm)
- Hre: Ú (. Cao bị chồng Ú giết làm đồ ăn, cha mẹ bị ong đốt chết)
- Thái: Ý Ưởi ( Nghe Ý Ưởi nói trắng nhờ tắm nước sôi, Ý Nọong nấu nước sôi, nằm vào máng bảo Ý Ưởi giội hộ.)

Còn nhiều, nhiều, nhiều nữa. Nhưng tôi đá ra chỉ nhiêu đây thôi. Tóm lại là như thế này:
- Theo phiên bản “ dì ghẻ” thì không thể có đoạn bắt tép nhưng thường lại thêm vào chi tiết con vật nuôi của Tấm là cha/mẹ hóa thân. Còn đoạn kết luôn là Hoàng hậu giả bị vạch mặt và bị chủ yếu là chồng của Tro Bếp biến thành mắm cá ( quái quỷ gì mà dân xưa ghiền mắm cá thế ko biết, tận đến cả Châu Âu như Ý cũng mắm cá) hoặc “nhẹ nhàng” hơn là bị thần thánh ( thánh kiếm, thần linh) hay động vật ăn thịt “thưởng thức” ( như bản Campuchia một người chạy vào rừng chơi với beo, 1 người chơi với cá sấu).

- Theo phiên bản “ sinh đôi” thì câu chuyện nghiêng về xung đột chị em và nhấn mạnh sự giống nhau của 2 người. Bắt buộc phải có vụ bắt tép để phân xử ai chị ai em. Chi tiết “con cá là cha mẹ” bị loại bỏ. Tấm phải chết vì nước sôi. Cái chết của Cám liên quan đến chủ đề “ sự đánh tráo” nhiều hơn. Do Tấm sau khi trở về đã trắng hơn trước, Cám cấp tốc tìm cách trắng như Tấm để nhanh chóng giết người và tráo đổi lần nữa. Tấm thật thà giải thích nguyên nhân mình trắng ( Bởi thế nên đoạn giữa của motip “sinh đôi”, Tấm bị giết hầu như phải vì bị giội nước sôi hoặc là bị chặt cau rồi rớt vào hố nước sôi,… bắt buộc phải có nước sôi). Cám hý hửng làm theo ( hài hước hơn là Cám rủ Tấm cùng đi … tắm trắng, nấu nước, rồi bảo Tấm giội phụ, Tấm thật thà giội giúp, ai ngờ… như bản của Thái.)

Nhưng vấn đề ở đây là ending theo phương pháp “trừng phạt” cho cả mẹ con Cám lại có thể áp dụng luôn cho cả motip “ chị em sinh đôi” miễn là cho Tấm đứng ngoài. Sự lộn xộn đến từ chỗ này.

3.2. Lịch sử bản Tấm Cám mà ta biết.

Thực tế cái gọi là “ truyện cổ tích Tấm Cám” mà ta vẫn thường nghe hiện nay không phải là bản Tấm Cám gốc mà là bản … viết của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan. Ông đã dựa vào các mẫu truyện Tấm Cám mà Landes, Leclere, … đã thu thập hồi cuối thế kỷ 19. Mà bản có nội dung gần với bản Tấm cám ta biết nhất là bản tìm thấy năm 1886 của G.Jeanneau. Cụ Vũ đã dựa vào những bản tìm thấy năm 1886 này, thêm mắm bỏ muối 1 ít, thế là viết ra câu chuyện “Tấm Cám revenge độc nhất vô nhị trong lịch sử Tro Bếp, phiên bản cổ tích duy nhất có sự phát triển tích cách nhân vật” ( tự hào đi).

Cụ thể bản Tấm Cám 1886 chung quy là thế này:
- Tấm – Cám là chị em sinh đôi
- 2 người đi bắt tép để được xét ai là chị, ai là em
- Tấm bị giội nước sôi hoặc bị chặt cau rơi vào hố nước sôi
- Tấm tái sinh nhiều lần rồi gặp được vua.
- Tấm trở về, trắng đẹp hơn xưa. Cám muốn đánh tráo tiếp bèn hỏi “ Chị ơi, sao chị trắng thế?”. Tấm trả lời “ ngày xưa chị bị em giội nước sôi nên trắng”. Cám nghe theo đi làm ngay. Tiêu Tùng.
- Tấm làm mắm Cám gửi dì ghẻ.

Còn bản của Vũ Ngọc Phan là thế này:
- Tấm – Cám là chị em cùng cha khác mẹ
- 2 người đi bắt tép để … giành yếm
- Tấm bị chặt cau chết, chẳng có nước sôi nước lạnh gì cả, chỉ có ao hay giếng mà thôi.
- Tấm tái sinh nhiều lần, gặp lại vua.
- Tấm trở về, trắng đẹp hơn xưa. Cám thấy Tấm trắng đẹp quá nên ghen ghét, bèn hỏi “ Chị ơi, sao chị trắng thế?”. Tấm trả lời “ muốn trắng thì để chị giúp cho”. Cám nghe theo đi làm ngay. Tấm bảo Cám đào cái hố rồi chui xuống, Tấm kêu quân đổ nước sôi xuống. Cám tiêu tùng.
- Tấm làm mắm Cám gửi dì ghẻ.

Như ta thấy, bản tìm được năm 1886 đã có dấu hiệu chắp ghép và phi lý ở đoạn ending. Cụ thể là lẽ ra chỉ dừng ở đoạn Cám làm theo, chết, thì nó lại phang tiếp thêm đoạn Tấm làm mắm Cám. Từ cái ending “ bắt chước thất bại” phổ thông của motip “ chị em sinh đôi”, Ko biết vô tình hay cố ý, G. Jeanneau đã thêm vào đoạn “ Tấm mắm cám gửi dì ghẻ”, trong khi đáng ra có chi tiết này thì ko thể có chi tiết kia và ngược lại ( và người làm mắm cám theo đúng logic phải là 1 ai đó ngoài Tấm). Đó là theo tư duy logic cổ truyền cổ motip Tấm Cám.

Cụ Vũ Ngọc Phan có lẽ cũng đã nhìn thấy điều kỳ cục này nên đã cố sức sửa, mà càng sửa càng… bậy. Cụ thể cụ đổi Tấm Cám từ chị em sinh đôi sang dì ghẻ con chồng. Đã thế, cụ sửa luộn vụi bắt cá phân định chị em thành “giành yếm”, biến chi tiết đó thành thừa thãi. Vụ chặt cau thì cụ bỏ luôn nước sôi. Dẫn đến hệ quả tất yếu là khi Cám hỏi “ sao giờ chị trắng” thì Tấm làm sao nói “ tại hồi đó em giội nước sôi chị” cho được ( vì có bị giội đâu mà nói)? Thế là cụ “ đâm lao thì phóng theo lao”, sửa luôn lời nói của Tấm thành 1 câu lừa gạt “ muốn trắng thì để chị giúp cho” và thế là cụ đã đạt tới mục đích hàn gắn những chi tiết có vấn đề ở ending thành ending trả thù độc nhất vô nhị ( chưa tính ba cái câu mắm muối của cụ: “ lấy tranh chồng chị”, “ lấy chồng tao “ … gì gì ấy nhé). Và con cháu cụ cho nến nay được thỏa thuê mà bình luận cái sự ác độc của Tấm 1 cách phí thời gian mà chẳng hiểu gì.

3.3. Những trục trặc của bản Tấm Cám hiện đại của Vũ Ngọc Phan:

Chúng ta lưu ý 1 điều thuộc về căn bản của truyện cổ tích: đó là nhân vật không bao giờ có sự phát triển tính cách. Như Thạch Sanh, dù bị đúng 1 kẻ lừa nhiều lần vẫn tin sái cổ kẻ đó. Những truyện “ Ăn Khế trả vàng” cũng thể hiện người em như 1 kẻ ngốc, thật thà kể cho anh chuyện con quạ, thật thà đổi nhà, trong khi tên baka nhất cũng sẽ tự hiểu tên anh tự dưng ôm cả nhà cửa ra đổi là vì lý do gì. Đây là cái đặc trưng cơ bản trong tính cách nhân vật, mà nhiều người thời nay đọc thường gọi là “nhân vật hiền lành, thụ động, thật thà,…ngu ngu.”. Kỳ thực, nói các nhân vật “ngu ngu” thôi thì chưa đúng, ta phải bảo rằng họ chỉ là cái máy không hề có suy nghĩ thì đúng hơn. Cũng bởi chỉ là cái máy phát thanh gượng ép của tác giả dân gian cách đây 1000 năm nên mỗi nhân vật chỉ luôn đóng chết 1 nhân cách. Thạch Sanh thật thà, nghe lời thì sẽ luôn nghe lời, dù là 2 lần bị dụ đi gặp chằn và đại bàng. Cũng tương tự, Tấm dẫu bị bạc đãi thế nào thì vẫn tin sái cổ khi nghe em/ mẹ chặt cây câu mà lại nói mình đuổi …kiến. Nếu kể ra thì ko biết bao giờ mới xong. Một điều nữa là tính cách nhân vật luôn được trình bày ngay ở đầu câu chuyện. VD như trong “ ăn khế trả vàng” nói thẳng ngay: Người anh tham lam, người em thật thà. Và tính cách nhân vật cứ đóng chết như thế cho đến khi kết thúc.

— > vậy, nếu nhân vật cổ tích mang cái đặc trưng cơ bản là “ tính cách mỗi người đóng chết theo lời giới thiệu ban đầu” thì sao cái gọi là “ Truyện cổ tích Tấm Cám” ( thực tế là truyện … hiện đại Tấm Cám. Tác giả: Vũ Ngọc Phan.) mà ta biết lại xuất hiện chi tiết mô tả Tấm gian hùng, Tào Tháo ở đoạn cuối, khi mà ngay từ đầu truyện đã quy ước đóng chết rằng “ Cám lười biếng, tham lam, độc ác, Tấm hiền hậu, thật thà, đảm đang.”??? 1 nhân vật bị đóng chết nhân cách là “hiền” thì tuyệt đối chỉ có thể cam chịu, cố sống rồi chờ ai đó giúp đỡ, hơi hơi chủ động hơn là mong đối thủ chết 1 cách vô tình. Chúng ta ngày nay đọc vào có thể bảo Tấm – Cám của Thái ( 2 người rủ nhau đi tắm trắng, Tấm thật lòng kể nguyên nhân mình trắng, thực lòng giúp Cám trắng đẹp, ai ngờ Cám chết ấy.) hay Thạch sanh của ta là đạo đức giả lộ liễu. Ờ, há 1 người bị người kia giết nhiều lần vậy mà có thể thật thà giúp đỡ người đó? Ờ, há Thạch Sanh ko cách gì mà ko biết Lý Thông là kẻ hại mình? Há ảnh ko hề biết chuyện ông trời – cha ảnh, sẽ sét đánh mẹ con anh Lý khi họ về? … Nếu xét theo 1 tác phẩm hiện đại, cái điều nghi vấn đó là chính xác. Nhưng xét theo tư duy logic của truyện cổ 1000 năm trước, điều các vị đang suy nghĩ đây mới là … phi logic. Thạch Sanh hiền, người em hiền, Tấm hiền, … thì cứ đóng chết như thế, sao sao thây kệ, có hợp logic thực tế không cũng mặc. Đơn giản đến cực kỳ.

Nhưng đáng tiếc, khi chế biến Tấm Cám, cụ Vũ Ngọc Phan ko hề để ý chi tiết “luật tâm lý” tối quan trọng này của cổ tích. Thế nên cụ đã nhìn cái bản bị chắp ghép ending 1 cách vô tình hay cố ý của G.Jeanneau thành 1 bản bị lỗi, nhưng là bị lỗi do “ chưa thể hiện rõ cái kết trả thù” chứ ko phải là cái mâu thuẫn tâm lý ko thể xảy ra của Tấm trong đoạn kết,TỨC LÀ NHÌN THEO CÁI NHÌN HIỆN ĐẠI, CHO RẰNG TRUYỆN MIÊU TẢ CHƯA SÁT SỰ TRẢ THÙ. Thế nên cụ mới thêm mắm bớt muối, biến cả chị em sinh đôi thành cùng mẹ khác cha, tạo ra cái bản mà ta biết. Và chỉ ở 1 bản Tấm Cám duy nhất của Vũ Ngọc Phan này, người ta mới có thể phăng ra cái gọi là “ logic phát triển tính cách nhân vật Tấm” ( Hoàng Tiến Tựu), thậm chí… thơ văn hơn là “ từ 1 cô gái hiền lành nhân hậu trở thành 1 cô gái có tinh thần…đấu tranh” ( Phạm Xuân Nguyên”, hoặc là giàu tính triết học như trong bài viết “ Bàn về cách ứng xử của truyện cổ tích Tấm Cám “ đăng trên tạp chí văn hóa dân gian số 4 năm 1996, tác giả Bùi Văn Tiếng dựa vào:

“ tôi cứ bị ám ảnh bởi ý kiến của L.Tonstoi: 1 trong những lầm lẫn vĩ đại nhất khi xét đoán con người là chúng ta hay gọi và xác định… người này tốt, người kia ác,… trong khi con người là tất cả…”

rồi cứ thế phăng tá lả thành:

“ đây là chỗ thiếu nhân văn nhất nhưng lại là chỗ nhân văn hơn cả trong cách ứng xử nghệ thuật của tác giả Tấm Cám. Thì ra 1 người dịu dàng như Tấm cũng có thể trở thành độc ác, vì thế, muốn tự hoàn thiện mình, con người phải hết sức cảnh giác trước nguy cơ tha hóa…. Phải chăng đó là bức thông điệp mà người nghệ sĩ dân gian xưa, thông qua cách ứng xử nghệ thuật độc đáo của Tấm Cám, muốn gửi đến thế hệ mai sau?” ( ặc, trí tưởng tượng bay xa ko cần cả sữa Pristi)

3.4. Trục trặc trong bản Tấm Cám 1886 của G.Jeanneau:

Như trên vừa trình bày, Tấm cám mà ta biết thực ra là bản viết của tác giả “độc đáo, nhân văn hơn cả” Vũ Ngọc Phan đã chỉnh sửa ( và vô tình làm nó tệ thêm) dựa trên phiên bản Tấm Cám cuối thế kỷ 19 do G.Jeanneau thu thập. Tất cả căn nguyên đến chỉ từ cái đoạn “ Tấm thật thà hướng dẫn, Cám tự làm” rồi bị thêm vào khúc sau “ Tấm làm mắm Cám” với 2 tính cách Tấm trái ngược hoàn toàn mà chỉ cách nhau có vài câu. Vì sao bản 1886 lại có sự chắp ghép 2 ending thế này?

- trong quá trình nghiên cứu, đối chiếu 2 bản của người Choang ở Quảng Tây và bản người Tày ở VN, người ta xác định rằng: “ 2 bản này vốn cùng 1 gốc.”. Lam Hồng Ân nhận xét: “ Bản Ta Gia – Ta Luân của người Choang rất có thể là bản biến dị của truyện nàng Diệp Hạn của TQ.”. Qua sự công bố này, ta có thể khẳng định 1 sự giao thoa tình tiết truyện lẫn nhau 1 cách vô tình trong các dân tộc sống gần nhau. Bản 1886 tìm thấy ở Mỹ Tho, 1 vùng đất Nam Bộ với đầy dân di cư từ các tộc khác nhau như Chăm, Việt, Cam,… mà mỗi dân tộc lại mang theo mình dăm bảy truyện Tấm Cám. Đặt những thứ na ná ấy ở gần nhau thì thế tất yếu là rồi những chi tiết của chúng sẽ bị trộn lẫn vào nhau lúc nào ko biết, tạo ra hiện tượng 1 câu chuyện với “ râu ông nọ cắm cằm bà kia” mà ta thấy. Xét ra, Tấm cám của Cam – Việt – Chăm giống nhau 1 cách kỳ lạ chi tiết “ chị em sinh đôi”, “ Tấm bị giội nước”,… điều này càng củng cố suy luận trên, chỉ khác Ending 1 chút là bị 1 thế lực ko phải Tấm giết hại, hay là đi tắm trắng với nhau vô tình chết mà thôi . Và ta nên nhớ, cho đến bản 1886, sự “ trộn lẫn” này ở bản VN chỉ mới là thêm cái câu “ Tấm lấy xác cám làm mắm gửi dì ghẻ” ráp thêm vào đoạn trước “ Tấm và Cám cùng nhau đi tắm trắng, Cám nhờ Tấm giội hộ, Tấm thật thà giúp,…”, chứ chưa bị trộn lẫn lộn xộn đến mức ráp cả 2 motip “ dì ghẻ” và “ chị em sinh đôi” vào 1 như Vũ Ngọc Phan đã làm.

Tại sao lại là nước sôi? Kha khá số bản Tấm Cám đi theo hướng Cám bắt chước giội nước sôi rồi chết này, thậm chí có bản như Myanma, Cám chẳng hề nghe Tấm nói mà chỉ là nghe theo 1 bà hàng nước bá vơ nào đó rồi làm theo và chết. Những bản khác thì Cám và Tấm rủ nhau đi tắm trắng, hoặc Cám nghe Tấm kể rồi tự tắm 1 mình. Câu hỏi đặt ra là “ ai lại có thể nghĩ ra chuyện 1 người hý hửng tin vào chiêu tắm trắng bằng nước sôi?”. Câu hỏi này tưởng khó trả lời, ai ngờ thật dễ: Đơn giản vì đã có 1 thời nhân loại chứ chẳng chỉ Đông Nam Á có 1 niềm tin thần bí vào chiêu hồi sinh nhờ than và nước nóng. Ở New Ghine, Victoria, Melanedi,… vẫn còn lưu lại tàn tích niềm tin “ chết vì nước sôi rồi tái sinh” này. Ở 1 số vùng, người tham dự lễ phải nằm xuống để người ta rắc than hồng nóng lên, hoặc bò qua 1 ngôi nhà dài hẹp đang có người tưới nước sôi từ trên xuống. Medea lừng danh Fate/Stay night, trong truyền thuyết cũng từng hồi sinh 1 con dê bằng cách băm vằm nó rồi ném vào nồi nước sôi. Như vậy, chi tiết Cám tin tưởng rồi bắt chước đi tắm trắng bằng nước sôi, hay chuyện Tấm may mắn ngã vào hố nước sôi hay bị giết bằng nước sôi mà hồi sinh là 1 niềm tin cổ đại, vô cùng logic đối với người xưa. ( Còn ai ngày nay muốn thử xem có hồi sinh thật không thì… mời.)

Tại sao lại là làm mắm và mẹ ăn con? Nếu vừa trên tôi đã giải thích nền tảng cảm hứng của cái ending “ chị em sinh đôi, Cám bắt chước tắm nước sôi và chết” thì chi tiết “ Cám bị vua/thần/ kiếm làm mắm và mẹ Cám ăn nhầm” bên mô tip dì ghẻ con chồng lại chịu ảnh hưởng từ 1 motip truyện cổ tích khác cực kỳ na ná. Đó là motip phù thủy ăn nhầm thịt con cũng nổi tiếng ko kém mà ta hay nghe nhất là “ Căn nhà bánh ngọt”, “ Chú Bé Tí Hon”. Hãy để ý kỹ, trong những truyện kiểu “ nhà bánh ngọt” cũng có đề cập tới vấn đề cha mẹ trong gia đình. “ Dù ghẻ ôm đứa con riêng của chồng vào bỏ trong rừng.”, đó là cái mở đầu của những truyện kiểu này. Vô tình, nó hao hao cái OP “dì ghẻ” của motip Tro Bếp. Như trên đã nói, trong thế giới cổ tích, những thứ hao hao nhau thì rất dễ bị trộn vào nhau. Còn ở đây, loại motip câu chuyện “ mụ phù thủy ăn nhầm thịt con” và motip Tấm Cám “ dì ghẻ con chồng với cái ending mẹ ăn nhầm con” lại giống nhau đến kỳ lạ. Ta điểm sơ:

Tấm Cám “ dì ghẻ”:
- Ý( đảo Sicile): Cenerentola ( vua giết và làm mắm cô con gái, gửi mụ dì ghẻ. Khi mụ ăn, con mèo nói: “ cho tôi chút gì tôi khóc giúp cho”. Mụ đuổi mèo đi. Sau khi ăn gần hết mắm, mụ phát hiện ra sự thật, chết. Mèo lại kêu “ mụ không cho tôi gì cả, tôi chẳng khóc giúp đâu.”)
- VN ( Vũ Ngọc Phan): “ Tấm ( đáng lẽ là ai đó ngoài Tấm) làm mắm gửi mụ dì ghẻ. Khi mụ ăn, con quạ đậu gần đó kêu “ ngon ngỏn ngòn ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng”. Mụ nổi giận đuổi quạ đi. Sau khi ăn gần hết mắm, mụ phát hiện sự thật, chết.

Mụ phù thủy ăn thịt nhầm con:
- Chú bé tí hon ( Pháp): vợ chồng nghèo bỏ rơi 7 đứa con trong rừng. Chúng lạc vào nhà mụ yêu tinh có 7 đứa con gái đều ăn thịt người. Tí hon là em út trong 7 đứa con bị bỏ rơi, thông minh nhất, đã lừa tráo 7 cái mũ của 7 anh em lên đầu 7 đứa con gái đang ngủ rồi cùng nhau bỏ trốn. Trong đêm tối, mụ dì ghẻ giết nhầm những đứa con mình mà không biết.
- truyện của người Berberes ( Châu Phi): 1 đứa trẻ bị mụ chằn bắt ăn thịt, bị đứa trẻ lừa giết con gái mụ thay thế. Mụ ăn thịt con mà ko biết. Khi ăn, một con mèo bảo “ Thịt ấy có mùi sữa bà đấy!”. Mụ nổi giận đánh đuổi con mèo.
-truyện cổ Bắc Âu ghi 1 câu chuyện tương tự: 1 đứa trẻ bị mụ phù thủy bắt được, đã giết tráo đứa con gái mụ để thay thế. Mụ phù thủy không biết, cứ đinh ninh múc súp bày cho cả nhà ăn, cho con mèo một phần. Mèo nói: “ Nhổ đị, mẹ chồng ăn thịt nàng dâu.”
….

Như trên, ta đã thấy sự tương đồng giữa motip truyện “ mụ phù thủy ăn nhầm con” và những bản Tấm Cám thuộc motip “ dì ghẻ con chồng”. Sự khác nhau giữa cái OP và Ending hầu như ko lớn. Chỉ là ở Tấm Cám “ dì ghẻ con chồng”, thường là 1 ai đó trừ nhân vật chính đứng ra làm việc đó, trong khi trong “ mụ phù thủy ăn nhầm con” thường đó là chính nhân vật chính.

Sự khác biệt ko lớn này đã bắt đầu gây ra hệ quả hòa trộn vào nhau. Bằng chứng qua không ít phiên bản đã thể hiện sự giao thoa vô tình giữa 2 motip vốn dễ bị xem là na ná nhau này khi mẹ con Cám được mô tả là “ mụ yêu tinh mê hoặc cha Tấm, chuyên ăn thịt người”/ “mụ vợ kế là phù thủy ăn thịt người” ( VD như truyện Ú Thêm của Thái) hay tương tự với truyện của người Iceland. Rõ ràng nhất của chi tiết giao thoa này là câu chuyện nổi tiếng Bạch Tuyết với motip giống như nằm giữa “ Tấm Cám: dì ghẻ con chồng” và “ mụ phù thủy ăn nhầm con”. Chính sự na ná này cuối cùng đã khiến Vũ Ngọc Phan vô tình mắm muối thêm cho bản Tấm Cám 1886 của G.Jeanneau theo hướng motip truyện “ mụ phù thủy ăn nhầm con”, khi ông chuyển luôn nhiệm vụ làm mắm biếu dì ghẻ thẳng cho nhân vật chính. Thậm chí vụ con quạ kêu rồi bị đuổi đánh cũng na ná đến trùng khớp những cái ending “ phù thủy ăn con”.

Mâu thuẫn chủ đạo của Tấm Cám, chị em hay dì ghẻ con chồng ? Thật thảm hại là 90% người được hỏi sẽ trả lời là “dì ghẻ” nhưng thực tế là ko phải vậy. Trừ đi số lượng những bản khá lớn theo motip “ chị em sinh đôi” thì những bản theo motip “dì ghẻ” cũng đều nên lên sự chủ động rất nhiều của Cám. Cám bảo mẹ ngăn Tấm đi hội, Cám bảo mẹ cấm Tấm thử giày, Cám bảo mẹ chặt cau giết Tấm, Cám làm thịt chim, chặt xoan, đốt khung cửi. Thậm chí nhiều ending theo motip dì ghẻ ghi sự ngoan cố đến mức liều chết của Cám lên đến cực điểm. VD bản của Myanma, Hoàng hậu giả vẫn ngoan cố phủ nhận tội ác, đòi mang cả kiếm thần ra xử và chỉ bị giết khi kiếm thần tự phóng tới băm Cám ra như bùn. Như vậy, Đặc điểm cơ bản của Tấm Cám là mâu thuẫn chị em, trong khi đặc điểm của “ Mụ phù thủy ăn nhầm con” thường mâu thuẫn phải là “ mụ dì ghẻ/ phù thủy – đứa con sắp bị ăn thịt.”.
Những sự na ná quá nhiều thế này đã tạo ra thảm cảnh truyện Tấm Cám với cái ending bị ghép ( chỉ 1 cái ending thôi) năm 1886, qua tay các nhà phục chế như Vũ Ngọc Phan, nó được thêm đủ thứ mắm tôm từ bao nhiêu motip na ná Tấm Cám, tạo ra cái phiên bản Tấm Cám bị error độc nhất vô nhị, nơi nhân vật chính có hành động giống như đang phát triển tính cách. Và đó là tất cả căn nguyên của bao nhiêu buổi hội thảo chửi nhau um sùm từ gần 50 năm nay. Có một số người như Phan Hải Triều đã nêu luận cứ nghi vấn “ có 1 sự chắp nối khiên cưỡng, pha trộn yếu tố ngoại lai” trong truyện Tấm Cám mà ta biết hiện nay ( bản Vũ Ngọc Phan). Ông ta đã nói đúng 1 phần dù thực tế không có bằng chứng gì, chỉ thuần đổ cho nước ngoài trong khi khẳng định “ người VN hiền thế sao mà thế được”. Sự thật, truyện Tấm Cám của Vũ Ngọc Phan trở thành như thế là kế quả do pha trộn nhiều chi tiết từ các motip không phải Tấm Cám, lại thêm sự cắt bỏ những chi tiết quan trọng trong bản 1886 mà người thu thập cứ tưởng là motip thừa ( VD như chẳng hiểu gì về tín ngưỡng hồi sinh nhờ nước nóng hay sự nhấn mạnh mâu thuẫn chị em ruột, cứ sợ “ bạo lực”, “ đoạn này 2 đứa rủ nhau đi tắm sao mà giả giả quá” rồi thêm mắm bỏ muối khiến cho nó vốn chẳng bạo mấy, giờ chính thức trở thành “horror”.). Đó là lỗi của người thu thập và biên tập vậy.

Tổng hợp từ:
- bài viết của nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh.
- Về cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện Tấm Cám ( Phó giáo sư Chu Xuân Diên. Tạp chi Văn Hóa Dân Gian số 2/ 1999)
-Truyện Tấm Cám và sự đánh tráo số phận con người ( Nguyễn Tấn Đắc).

——-

Sau khi trình bày xong toàn bộ origin và nguyên nhân xuất hiện từng chi tiết từ nước sôi đến mắm cá lóc và “dì ghẻ” hay “chị em ruột”. Có lẽ nhiều người đọc vẫn thấy rối. Vấn đề thực ra rất dễ hiểu nhưng giải thích thì nó rất lòng vòng. Điều đó là đương nhiên, bởi Tấm Cám của Vũ Ngọc Phan ra như thế vì ông đã vô tình trộn nó vào 1 đống rối bùi nhùi. Ngay cả khi tôi cố tổng hợp phân tích ra nguyên nhân vì sao chỉ có 1 bản của Vũ Ngọc Phan có chi tiết trả thù bởi nhân vật chính vốn ko thể nào xuất hiện trong truyện cổ, hay vì sao cái end lại dần dần bị biến tấu, lai ghép như thế, chắc chắn có nhiều người vẫn còn ráng lý sự.

“ Biết đâu truyện Tấm Cám của VN là cá biệt nằm ngoài những suy luận đó?”. Ờ, vậy giải thích thế nào về những bản gốc 1886 mang toàn mấy nét nằm trong vòng suy luận ấy?

“ Đó là ý của cậu, còn độc giả có quyền cảm nghĩ theo những cách riêng.”. Ờ, đó là quyền tự do thôi. Nhưng cảm nghĩ luôn phải dựa trên 1 cái nền gì đó có ý nghĩa nhất định. Tôi vừa chứng minh cái truyện Tấm Cám này là 1 bản bị “trộn” error hoàn toàn chỉ do vô tình bị ảnh hưởng từ các motip khác và ko hiểu ý nghĩa motip truyện Tấm Cám căn bản. Nếu có ai vẫn cố dựa trên cái ko ý nghĩa để suy ra “ ý truyện TC nói rằng con người ai cũng có 2 mặt” thì tôi cũng chẳng biết nói gì. Như Picasso đã nói cái đó là đồ tô màu nhưng những người ko biết mà ko cần biết vẫn tuyên bố đó là 1 “bức tranh tuyệt tác giàu ý nghĩa” thì đó là quyền của họ. Nói cho cùng, suy diễn lung tung là quyền của thiên hạ mà. Ko có nó mấy cái Topic ” Tấm Cám” biết lấy gì mà nói ngoại trừ ” I am the Troll.”?

Nếu ai bảo tôi giờ phải làm sao với cái bản error, tôi nghĩ chỉ có 1 phương pháp là viết lại nó theo đúng motip cơ bản:
- Nếu theo motip “dì ghẻ con chồng” thì ending là Cám bị cái gì đó ngoài Tấm giết, làm mắm gửi mẹ. Đơn giản hơn thì cứ ” 2 mẹ con sợ bị trách tội, bỏ chạy vào rừng” làm tráng miệng cho cọp beo như bản Campuchia.
- Nếu theo motip “chị em sinh đôi” thì cứ như bản của người Thái. Cám hỏi, Tấm thật thà trả lời, 2 người rủ nhau đi tắm trắng, Cám chết. Không đá động gì bà mẹ.

Và 1 điều đáng sợ là việc Tấm Cám bị phá hỏng thành bản error mà ta biết hiện nay sẽ chỉ là bước dạo đầu. Tình trạng này đang tiếp tục tiếp diễn với những câu chuyện khác như Thạch Sanh, Sơn Tinh, … khi mà tầng lớp thanh niên hiện nay ngày càng xem xét truyện cổ tích dưới con mắt và logic của truyện hiện đại. Gần đây, 1 số người mới ” phát hiện ra 1 chuyện động trời” là … Thánh Gióng là con 1 … gia đình quý tộc họ Đàm, dựa theo 1 cái văn bia quái quỷ gì đó hồi thời Hậu Lê. Thảm họa ” viết lại, chỉnh sửa lại” truyện cổ tích sẽ chỉ mới bắt đầu ( sửa tốt thì nói làm gì, sửa mà càng sửa càng kinh dị như bác Vũ Ngọc Phan mới đáng sợ). Tấm Cám chỉ mới là nạn nhân đầu tiên.

Hết.


Đang định viết về Avatar thì ông Thắng ếch than phiền là dạo này không có review gì về sách cả. Thực ra thì cũng có viết mấy bài, nhưng chưa cái nào xong cả. Thôi hôm nay cố hoàn thành vậy.

Cuốn Cuộc chiến khuy cúc này đã định mua mấy lần rồi lại tạm gác, vì còn cả một mớ sách cũ hơn vẫn chưa mua kịp. Sau đứa bạn giới thiệu hay quá, lại có dịch giả ngon nên tặc lưỡi mà nhắm mắt lấy ví.

Nào đã xong, duyên phận còn long đong chán. Mua về cứ để trên giá cho đóng bụi đã, còn đang mê mẩn với cuốn khác. Ông em thì đang thiếu đọc, cho làm người kiểm tra luôn. Ấy thế là đêm đêm mới diễn ra cái cảnh ông anh thì yên lặng đọc sách, thằng em thì cứ thỉnh thoảng lại ngửa cổ lên mà cười khùng khục như thằng điên. Tất nhiên, sau khi nó đọc xong thì lại có một người nữa ra sức ủng hộ cuốn sách. Lại tặc lưỡi (hình như hơi nhiều ???), thử xem sao.

Và giờ thì mình biến thành thằng điên. Lại đêm đêm ngửa cổ lên mà cười khùng khục.

Điều đầu tiên cần phải nói là cuốn sách sẽ đưa bạn về nước Pháp đầu thế kỷ XX, trước khi xảy ra Thế chiến lần thứ nhất. Vì thế hãy cố gắng phát huy tối đa vốn hiểu biết và trí tưởng tượng của mình về thời kỳ này để cảm nhận từng cơn gió đượm không khí trong lành chưa bị ám mùi dầu của đám máy móc. Còn tôi, vốn chẳng biết gì về cái thời lạc hậu này cả, nên khổ cực hơn. Tôi lên mạng tìm ảnh và thông tin.

Rồi, xem như đã chuẩn bị xong tinh thần về không gian và thời gian. Giờ chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện.

Đánh trận giả là một trò hết sức thông dụng trong đám con trai. Hồi lớp 3, lớp 4, cứ mỗi lần ra chơi là đám con trai lại chia thành 2 phe, một giữ thành và một chiếm thành, thành ở đây là cái lan can tầng 1 (tất nhiên nếu ai có khả năng bay nhảy thì có thể lên các tầng cao hơn, càng thích). Đánh nhau bằng thước kẻ và tay chân là chính. Lúc ấy mê lắm, chỉ đến giờ nghĩ lại mới thấy may mà chẳng thằng nào bị làm sao cả.

Nhưng đánh trận kiểu này còn hòa bình chán so với cuộc chiến của đám nhóc hai làng Longeverne và Velrans. Vũ khí của lũ trẻ là gạch đá, ná thun và cành cây. Chiến trường là khu rừng nơi hai làng tiếp giáp nhau. Tình hình xem ra căng thẳng hơn rồi đấy. Vì thế phải trinh sát, phải lập kế hoạch, phải có căn cứ và phải có quân lương. Cái này thì rõ, bất cứ ai trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ thế thôi. Có cả một chiến trường hoành tráng cơ mà, tội gì lại không tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỉ?

Đấy, bao nhiêu việc cần giải quyết chỉ để phục vụ cho một cái nhu cầu đơn giản là được tẩn cho bọn làng bên một trận ra trò, mà nguyên nhân của cái lý do rất trời ơi đất hỡi này là một sự việc từ xưa lắc xưa lơ: hai làng cãi nhau vì một con bò chết. Anh bạn của tôi nói rằng đây là những chuyện có thật ở Pháp hồi trước. Nhưng thôi, dẹp cái lịch sử ấy sang một bên. Đó đâu phải điều quan trọng nhất? Cái chúng ta quan tâm là đám nhóc cơ, mà chúng thì tất nhiên, đâu có thèm nhớ gì đến lịch sử nước Pháp.

Ấy, khi viết những dòng này, tự nhiên tôi lại thấy máu mình cứ như sôi lên vì thích thú với những trò chơi khăm nhau của lũ trẻ, lại hả hê sung sướng mỗi lần quân ta thắng trận, lo lắng cho đồng đội của mình bị phe địch bắt. Không phải chuyện đùa đâu nhé, tù binh bị lột truồng, tẩn cho một trận ra trò, quần áo thì cắt hết cúc với dây buộc. Úi chà, vừa đau vừa nhục, thử tưởng tượng bạn cũng bị thế mà xem (nếu bạn là con trai, con gái thì không đi đánh trận, một kiểu ưu tiên), chưa kể đến trận đòn thứ phát (nhiễm từ chuyên ngành, thực ra là thứ hai) của những ông bố bà mẹ xót con thì ít (nó vẫn sống mà, chỉ trầy xước sơ sơ) mà xót của thì nhiều (bộ quần áo mới ở quê là cả vấn đề đấy). Đòn roi hình như không phải trên những trang sách, mà đang đánh vào mông chính người đọc (nếu bạn không cảm thấy điều này thì xin chúc mừng). Xót xa lắm!

Nhưng bất chấp đòn thù của quân địch hay đòn roi của cha mẹ, chúng ta vẫn ngẩng cao đầu. Chỉ có kẻ hèn nhát mới bỏ trốn, mà liệu trốn đi đâu khi những người chiến sĩ quả cảm không bao giờ tha thứ cho những kẻ phản bội ? Chiến tranh còn dài, thắng lợi chưa nhìn thấy tăm hơi đâu cả, sao lại ngã lòng. Nếu được tham gia, nhất định tôi sẽ là chiến binh hăng hái nhất, là kẻ chửi bậy nhất (quên nói, cuốn này chống chỉ định với những người ngôn ngữ quá sạch). Đáng tiếc là những chuyện này đã lùi vào dĩ vãng cách đây gần trăm năm rồi, chỉ có thể làm khán giả thôi. Tiếc nhỉ, đến cả chơi như hồi nhỏ cũng khó. Thôi thì cứ làm thằng điên đêm đêm ngửa cổ cửa vậy.

P/S: Kiếm được cái hình bìa của Cuộc chiến khuy cúc chưa có chữ nghĩa gì cả, mạn phép tác giả đưa lên đây, giữ nguyên hiện trạng, không cắt xén thêm bớt.


Trang 9 trên 13« Đầu...«6789101112»...Cuối »   Chuyển

Trang chủ | Ảnh | Bài viết | Về tôi | Login

© 2012 NNSon.com - Xin ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin.