
Dữ dội, đầy mê hoặc nhưng cũng gai góc và không kém phần cay đắng, đúng như cái tên “Sự thật trần trụi”, cuốn tự truyện của Mike Tyson đưa người đọc đến với một cuộc đời đen tối, buồn thảm và chua xót phía sau ánh hào quang của nhà vô địch hạng nặng trẻ nhất trong lịch sử Quyền Anh, tay đấm nguy hiểm nhất mà thế giới từng được chứng kiến.
Lần đầu tôi biết tới Mike, đáng tiếc thay, lại là qua trận tái đấu tai tiếng với Evander Holyfield vào năm 1997, khi ông cắn đứt tai đối thủ.
Ấn tượng khi đó, cộng với việc đọc một vài bài báo đề cập tới lối sống
sa đoạ khiến tôi bỏ qua ông cho tới mãi gần đây, khi tìm tòi, được giảng
giải, và hiểu ra tại sao ông lại là tay đấm độc nhất vô nhị trong giới
Quyền Anh nhà nghề. Tất nhiên, Mike “Thép” ngay lập tức có thêm một fan
hâm mộ trong cái fanclub vốn đã đông đảo khắp thế giới. Cũng bởi vậy,
chưa hài lòng với việc sở hữu sách có chữ ký dịch giả, tôi tìm cách săn
một bản tiếng Anh có chữ ký của chính ông. Tập thì lởm, không học thành
võ sĩ chuyên nghiệp được thì mua sách cũng coi như một cách thể hiện
tình cảm với thần tượng của mình, nhỉ 😉 Nhân tiện tự tặng quà 27/2 luôn 🥳🥳🥳

Những khán giả từng xem movie Batman: The dark knight của Christopher Nolan chắc hẳn không thể không ấn tượng với nhân vật the Joker, được xem là kẻ thù nguy hiểm nhất của Batman cả trong comics, cartoon hay movie. Riêng với comics, nhắc đến Joker không thể không kể đến The killing joke, cuốn graphic novel do Alan Moore sáng tác kịch bản và Brian Bolland thể hiện.
Về mặt thương mại, The killing joke là một thành công lớn của DC Comics, được in đi in lại từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 1988, thậm chí đến năm 2008, DC Comics còn phát hành một bản Deluxe Edition với các tranh vẽ được làm mới và tô màu lại bời chính Brian Bolland. Đồng thời cuốn sách cũng nhận được đánh giá khá tích cực từ các nhà phê bình. Đạo diễn nổi tiếng Tim Burton cho biết đây là cuốn sách yêu thích của ông, còn trang web IGN thì xếp đây là cuốn sách hay thứ 3 trong loạt truyện về Batman, sau The dark knight returns và Batman: Year one, và là cuốn truyện hay nhất về Joker từ trước tới nay. Bản thân Christopher Nolan, đạo diễn của trilogy Batman rất thành công cũng thừa nhận đã chịu ảnh hưởng cuốn sách khi xây dựng hình tượng Joker trong The dark knight. Còn diễn viên Heath Ledger thì được đưa cho một bản copy cuốn sách để đọc trước khi đóng bộ phim này.
Xây dựng song song hai tuyến thời gian, hai tuyến nhân vật, một bên là quá khứ của anh hề mang trên vai gánh nặng gia đình nhưng thất bại trong sự nghiệp, một bên là hiện tại với Batman – Bruce Wayne và cảnh sát trưởng Gordon, Alan Moore đặt ra giả định “vào một ngày đen đủi” nào đó, con người sẽ phản ứng ra sao khi “cuộc đời đối xử với bạn một cách tồi tệ”? Chắc hẳn chính Joker cũng không thể biết trước câu trả lời. Hắn bắt cóc, tra tấn Gordon như một cách chứng minh, hay có lẽ là tự bào chữa cho mình. Để ý một chút, bạn sẽ thấy cách dùng tay ôm đầu của Gordon giống hệt Joker vào cái ngày định mệnh hắn mất đi người vợ cùng đứa con chưa được sinh ra để rồi từ một anh hề đi ăn trộm trở thành Joker, the Clown Prince of Crime. May mắn thay, sau hàng loạt sự tra tấn bằng ngôn từ, bằng những hình ảnh con gái ông, Barbara, bị ngược đãi, Gordon chỉ khoanh tay cúi đầu và im lặng, như đang chờ đợi người bạn tốt của ông, Batman. Im lặng trong khi Joker thao thao bất tuyệt, một cách phản đối đơn giản và đầy hiệu quả. Nó trái ngược với cái ngày Joker ra đời. Ngày ấy, hắn cười mà mắt và miệng trào máu. Ngày ấy hắn đã hoá điên.
Và câu chuyện mà Joker kể cho Batman cuối truyện là một ẩn dụ, một cách kết luận rất quái dị của riêng Joker. Nếu mở đầu, Batman tìm đến Joker để trả lời cho câu hỏi “tại sao hai kẻ không biết gì về nhau lại có thể căm ghét nhau đến thế?” thì ở kết thúc, mặc dù họ vẫn hoàn toàn không biết rõ về thân thế, quá khứ của nhau nhưng giữa hai kẻ thù truyền kiếp lại có một sự đồng cảm khó mà diễn tả. Thật kỳ lạ! Vào một ngày đen đủi, cuộc đời đã đẩy hai con người bình thường vào trại tâm thần. Một đã thoát ra và trở thành hiệp sĩ bóng đêm, một chọn ở lại và biến thành tên trùm tội ác nguy hiểm nhất, điên loạn nhất.
Kết thúc truyện, tiếng cười của Batman và Joker hoà vào nhau dưới màn mưa gợi lên một cảm giác thật hoang dại. Có lẽ chưa bao giờ Batman trở nên điên rồ như thế, và cũng chưa bao giờ Joker lại trở nên bình thường như vậy. Họ hiểu nhau hơn, gần gũi hơn, nhưng chắc chắn cả hai vẫn là những kẻ thù truyền kiếp của nhau. Đó cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa, bởi cả hai đều đã có câu trả lời thích đáng cho câu hỏi mà mình đi tìm từ khi mọi chuyện bắt đầu.
Đọc các tác phẩm của Alan Moore chưa bao giờ dễ dàng với tôi, bởi ông sử dụng tiếng Anh một cách rất điêu luyện, đầy nhịp điệu, ẩn dụ và chơi chữ mà nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra được. Kết hợp với khả năng sáng tạo ra những kịch bản tuyệt vời, những câu chuyện của Alan Moore luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với tôi, và mỗi lần kết thúc một cuốn sách là một lần trải nghiệm khó khăn nhưng cũng rất thú vị.

Niềm vui bất ngờ đánh tan đi một ngày lê thê và buồn chán.
Sau khi kết thúc giảng đường, về mua đồ ăn tối. Vốn chỉ định mua xôi, thế quái nào nổi hứng, vậy là phóng qua hàng phở quen thuộc.
Đây mới là sự kỳ diệu…
Trong lúc đứng chờ suất phở xào của mình, chợt gặp một anh Tây khá trẻ đi vào. Bác này mở cái balo, rút ra vài cuốn sách, lật giở một chút rồi lại cho vào, chỉ để lại một cuốn sổ cỡ lớn với cái bút bi, ngồi hý hoáy vẽ cách điệu hình một cô gái.
Đó không phải chuyện chủ yếu.
Quan trọng nhất là trong số sách được cho vào balo kia có Watchmen – cuốn tiểu thuyết bằng tranh duy nhất trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất của tạp chí TIMES (2005).
Tôi đã từng đọc bản scan của truyện, đã từng xem phim Watchmen.
Đó là cuốn sách tôi rất mong muốn có trong bộ sưu tập của mình.
Vấn đề ở chỗ việc mua bán qua Amazon hay Ebay ở Việt Nam còn khá nhiêu khê và khó khăn. Nếu mua hàng trực tiếp thì luôn tồn tại nguy cơ mất tiền mà sách thì không thấy đâu, còn sử dụng các dịch vụ hỗ trợ mua bán thì giá thành đội lên khá cao, thậm chí đôi khi gấp 2 – 3 lần, trong khi bản thân cuốn sách đã không phải rẻ nếu so với thu nhập của một kẻ đang ăn bám như mình. Giải pháp rẻ nhất là nhờ người đi nước ngoài mua hộ rồi xách tay về thì không thực hiện được vì chẳng quen ai cả.
Thế nên nhìn thấy cuốn Watchmen của bác giai kia chợt thấy lóe lên tia hy vọng mong manh, biết đâu là mua ở Việt Nam.
Huy động cái vốn tiếng Anh hết sức xập xệ đã không được tu bổ từ vài năm nay mà lân la lại gần bác kia:
- Sorry, can you speak English?
- Yes.
- Can I ask you one question? Where did you buy Watchmen?
- Oh, I bought it in England. I bought it and V for Vendetta. Do you know V for Vendetta?
(Nói đến đây, thấy mặt mình hơi ngớ ra, anh chàng bèn lôi trong balo ra 1 cuốn V for Vendetta)
- Oh, I’ve just watch the movie of it. What a pity! I thought that you bought Watchmen here. It’s too hard to buy from Amazon and Ebay in Vietnam
- Impossible!
- Yeah, nearly impossible, and too expensive.
- Have you read it ?
- Yeah, I’ve read the e – book, and watched the movie.
- In England, all of my friends are crazy for it.
- Yeah, me too. I really like it.
(Nói đến đây, anh chàng rút cuốn Watchmen ra và đưa cho tôi)
- Then, it’s yours!
- Thanks, err…how much is it?
- No, just take it!
- But…but…it’s too expensive, and we…we’ve just met?
- No problem, I’ll come back to England on December, and I can have one from my friends. This is karma.
- (Đến đây, lại thấy mặt mình ngớ ra)
- Do you know karma? I help you, and someone will help me.
- Oh…th…thank so much! Errr….what’s your name?
- My name is Ed.
- My name is Sơn. Can I have your phone number?
- Yeah (lấy máy di động ra và cho tôi xem số)
- Oh, this is mine (nháy vào máy bác này)
- Nice to meet you!
- Nice to meet you!
Quả là không còn biết bình luận gì về hành động hào hiệp đến mức khó tin của bác Tây cũng như cái duyên đến quái đản trong một ngày tưởng là chẳng có gì thú vị này.
Lâu lắm rồi mới vui đến mức cả người rộn ràng không thể ngồi yên một chỗ, chân tay cứ có cảm giác giật lên từng hồi vậy….
Lời không tả hết nổi, chỉ còn biết thốt lên hai tiếng: Kỳ diệu!

Ngồi giảng đường đọc một mạch hết cuốn này. Sách thiếu nhi của Cầu Vồng, thuộc dạng hiếm, tôi có được sau lần trao đổi một vài cuốn cũng kha khá hiếm khác.
“Bà ngoại” có một cốt truyện khá quen thuộc và (đáng tiếc là vẫn) đáng chú ý về cách con cháu đối xử với ông bà. Mặc dù có đôi chút nặng nề nhưng việc xếp nó vào một cuốn sách cho thiếu nhi là cần thiết, bởi vì để trẻ con hiểu được những điều này thì sẽ không có những người lớn ít tình nghĩa, hay nói một cách nặng hơn, vô ơn với người già, đôi khi chính là đấng sinh thành của họ. Thực ra thì bài học là dành cho mọi người, có điều hình như đa số các ông bố bà mẹ khi đọc thì luôn răn dạy con mình rằng sau này phải hiếu thuận với họ mà quên mất rằng chính mình cũng nên nhìn nhận lại cách cư xử của bản thân với ông bà của lũ trẻ.
Từ nhà đến trường, “Ở lớp” mang lại cái không khí của thời học sinh, nói về sự đoàn kết của lớp, về cậu học sinh giỏi mà xấu tính đã có những thay đổi tích cực ra sao. Hình như ai cũng từng trải qua một thời mà sự tẩy chay của cả lớp có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến thế với một thành viên, chắc là sự giống nhau trong tâm lý con người.
Thật không hay, đọc “Ở lớp” vào lúc này quả là không thích hợp. Truyện mang lại cảm giác ngọt ngào thời đi học, đồng thời lại khoét sâu vào cái cảm giác đau đớn khi bị đẩy ra đời một cách phũ phàng và sau lưng, cánh cổng trường đã đóng sập lại vĩnh viễn. Ai cũng trưởng thành, đáng tiếc là đôi khi theo những cách hoàn toàn trái ngược nhau. Có người đàng hoàng ngẩng cao đầu chân dẫm bùn mà bước đi dưới ánh nắng, lại có kẻ bất hạnh hơn, thay vào vị trí đáng lẽ của hai bàn chân là khuôn mặt khốn khổ. Chuyện về đích ra sao thì có lẽ đến lúc chết cũng chẳng thể ngã ngũ, nhưng chắc ít người thích chào cuộc đời bằng một gương mặt lấm đầy bùn đất.
Nói đến chuyện trưởng thành, “Chiếc áo của cha” cho thấy một khía cạnh khó khăn của kẻ bị buộc phải trưởng thành quá sớm khi chưa sẵn sàng. Sau khi cha ra trận, cậu bé tự gánh lấy cho mình trách nhiệm chăm sóc cho gia đình thay cha, một trách nhiệm quá lớn với ngay cả những người đàn ông trưởng thành. Vì thế dẫn đến chuyện đáng buồn là mục đích thì tốt nhưng hành động thì sai. Thay vì quan sát và làm những điều nho nhỏ nhưng có ích thì cậu lại cố thực hiện việc của một người trưởng thành. Kết quả là việc thì không đến đâu, còn bản thân sa sút, gây ra hang loạt hiểu lầm đến mức phải bỏ học.
Tất nhiên đây là truyện thiếu nhi. Vậy nên cuối cùng mọi hiểu lầm, nhờ long tốt của cô giáo đều được hóa giải, còn bản thân cậu bé cũng có dịp chứng tỏ mình. May mắn ở chỗ nếu bỏ qua cách xây dựng có phần gượng ép của đa phần văn học Xô Viết thì với kinh nghiệm của bản thân tôi, một cái kết như vậy vẫn có thể xảy ra ngoài đời thật. Khi mà hình như đi chỗ nào cũng thấy người ta than thở về việc con người ngày nay ăn ở với nhau ít tình nghĩa thì biết được điều này có lẽ sẽ góp thêm niềm tin cho những người tốt tiếp tục sống theo đúng con người mình.
P/S: Muốn mô tả lại cảm xúc khi đọc xong cuốn sách mà thật khó. Là do quá lâu không tập viết, hay vì nỗi buồn chỉ bị thổi đi trong chốc lát đã quay lại phủ bong đen u ám lên cảm giác trong sáng thường có khi đọc một cuốn sách thiếu nhi ?
Cũng là tình yêu trong chiến tranh, nhưng Giamilia lại kể về cô gái có chồng đi lính bỏ nhà theo một anh thương binh. Nó trái ngược hẳn với hình tượng cứng nhắc thường được xây dựng trong bao tác phẩm khác: người phụ nữ chung thủy chờ chồng mình trở về.
Câu chuyện vì sao Giamilia lấy chồng hoàn toàn không được mô tả. Chính xác thì trước đó cô có yêu chồng hay không, chẳng ai dám khẳng định. Nếu không yêu thì cô trông mong những lời hỏi thăm trong thư của chồng làm gì để rồi luôn thất vọng. Nếu có thì hình như không phải, có thấy cô nhớ thương gì chồng đâu ? Mà có lẽ việc ấy cũng chẳng quan trọng nữa, vì rõ ràng là càng ngày Giamilia càng xa cách gia đình nhà chồng. Bề ngoài, đó là người con dâu khỏe mạnh, tháo vát, chăm chỉ làm việc, cô gái đáng mơ ước. Những gã trai rỗi việc tán tỉnh cô, mẹ chồng tin tưởng cô, mong muốn cô thay thế vị trí của mình. Tiếc thay, người ta chỉ nhìn thấy cái hiện ra trước mắt mà chẳng buồn tìm hiểu tâm hồn nồng nàn, khát vọng tình yêu của Giamantai. Thế là mặc dù bao người vây quanh, hóa ra cô lại cô đơn. Vẫn giữ mình, không sa đà vào thói trăng hoa, nhưng người phụ nữ trẻ ấy cũng chẳng có hy vọng gì nơi anh chồng khô cứng đang ở chiến trường xa cách.
Cô độc, Danyar biểu hiện theo cách khác hẳn Giamilia. Anh không còn ai thân thích ruột thịt. Cả cái làng Kirghizia cũng như Cadakhơ đều là có thể gọi là họ hàng anh, nhưng nếu tính theo thế hệ có lẽ sự liên quan ấy xa đến nỗi nó chỉ như một cái cớ để gắn kết mọi người với nhau mà thôi. Cũng chẳng ai hiểu rõ quá khứ của anh. Người ta biết anh từng đi lính, giờ là thương binh, nhưng mọi cố gắng tìm hiểu về thời gian chỉ mình anh biết ấy đều bị chính chủ nhân chặn đứng một cách dứt khoát. Hình như những vết sẹo nơi trái tim anh vẫn nhói đau mỗi khi có người định chạm vào. Nếu cô gái tỏ vẻ bất cần, vẫn đùa vui thì anh thương binh tự thu mình lại. Anh chẳng cười nói mà cũng chẳng cáu gắt, đơn giản anh làm việc của mình, và ngồi trầm tư nhìn về một nơi xa xăm nào đó, chìm đắm trong thế giới chỉ mình anh hiểu.
Số phận đã đẩy hai kẻ cô độc, hai bề ngoài trái ngược đến với nhau. Giamilia được chọn đi chở gạo vì cô là người tháo vát, đánh xe ngựa thành thạo như đám đàn ông. Để tránh cho bà mẹ chồng khỏi lo lắng cô con dâu bị chọc ghẹo, người ta chọn Danyar, kẻ lầm lì và, theo mọi người nghĩ, không biết tình cảm nam nữ là cái gì. Ồ! Đó là người ta nghĩ vậy. Lần đầu tiên gặp Giamilia, từ biểu hiện mà nói anh thương binh cũng bị vẻ đẹp của cô thu hút, nhưng thói quen lâu ngày với cái vỏ tự tạo ra khiến anh chỉ dừng lại ở đó thay vì trêu ghẹo cô như những gã trai khác.
Mà chuyện sẽ thế nào nhỉ, nếu anh trêu ghẹo cô, nếu Giamilia không đùa ác, nếu Danyar không đột nhiên cất tiếng hát những bài ca từ đáy lòng mình, nếu…Rất nhiều thứ sẽ thay đổi nếu…, tất nhiên, những chuyện đã xảy ra cũng chỉ là một vài trong vô số những cái “nếu…” ấy. Có gì lạ lùng đâu, một khi số phận đã bắt đầu cái gì, nó sẽ có cách kết thúc của riêng mình, đôi khi là hạnh phúc, đôi khi là đau khổ. Cuộc sống vốn như thế, luôn bất tận, luôn có nhiều ngã rẽ mà chẳng ai biết được điều gì chờ mình phía trước.
Lần này, một cách vui mừng, người đọc phải thốt lên: “May mắn thay!”, hai kẻ cô đơn đã đến với nhau, cô con dâu giỏi giang của gia đình khá giả bỏ nhà theo gã thương binh nghèo khổ tay trắng. Dân làng không thể lý giải nổi chuyện động trời ấy. Ồ! Họ nhìn thay vì cảm nhận nên sẽ không bao giờ hiểu nổi những kẻ bỏ trốn. Người ta nguyền rủa hai kẻ đáng thương. Chuyện này có tác dụng sao ? Nếu nguyền rủa mà giết được người khác thì e rằng thế giới này sẽ chẳng còn ai cả. Còn gì có thể ảnh hưởng đến hai người nữa đây ? Tình yêu đã cho họ dũng khí, cho họ can đảm rời bỏ tất cả để bắt đầu cuộc sống khác, cuộc sống thật sự của hai tâm hồn thay cho cuộc đời của hai cái xác.
Một nhân vật không thể không nhắc tới, chính là “Tôi”. “Tôi” cũng thầm yêu Giamilia, yêu thật sự. Thế nên cậu không ghen khi biết nàng yêu Danyar. Không, mối tình ấy quá đẹp, khiến “Tôi” không kìm nổi cảm xúc của mình, thôi thúc cậu vẽ nên những bức tranh về hai người, khiến cậu lo sợ khi dân làng truy bắt đôi tình nhân, để rồi thở ra nhẹ nhõm khi biết người ta đi sai đường. Tình yêu của “Tôi” là thứ tình yêu trong sáng của một chàng trai chưa phải nếm trải những mùi vị khó chịu của cuộc đời. Mối tình đầu! Rất dịu dàng, và cũng rất dằn vặt. Bao năm rồi, “Tôi” vẫn chẳng quên nổi Giamantai, vẫn bị thôi thúc cái cảm giác phải vẽ về đôi tình nhân ấy. Ôi, mối tình đầu!
Gấp sách lại, câu hỏi cuối cùng chẳng thể giải đáp nổi của cả “Tôi” và chúng ta là hai người ở đâu, sống ra sao. Nhưng thắc mắc này có lẽ cũng chẳng cần phải trả lời, bởi có đi đâu chăng nữa họ vẫn đang ở thiên đường của riêng mình. Nơi chốn lúc này chỉ còn là quy ước địa lý của con người mà thôi.

Đang định viết về Avatar thì ông Thắng ếch than phiền là dạo này không có review gì về sách cả. Thực ra thì cũng có viết mấy bài, nhưng chưa cái nào xong cả. Thôi hôm nay cố hoàn thành vậy.
Cuốn Cuộc chiến khuy cúc này đã định mua mấy lần rồi lại tạm gác, vì còn cả một mớ sách cũ hơn vẫn chưa mua kịp. Sau đứa bạn giới thiệu hay quá, lại có dịch giả ngon nên tặc lưỡi mà nhắm mắt lấy ví.
Nào đã xong, duyên phận còn long đong chán. Mua về cứ để trên giá cho đóng bụi đã, còn đang mê mẩn với cuốn khác. Ông em thì đang thiếu đọc, cho làm người kiểm tra luôn. Ấy thế là đêm đêm mới diễn ra cái cảnh ông anh thì yên lặng đọc sách, thằng em thì cứ thỉnh thoảng lại ngửa cổ lên mà cười khùng khục như thằng điên. Tất nhiên, sau khi nó đọc xong thì lại có một người nữa ra sức ủng hộ cuốn sách. Lại tặc lưỡi (hình như hơi nhiều ???), thử xem sao.
Và giờ thì mình biến thành thằng điên. Lại đêm đêm ngửa cổ lên mà cười khùng khục.
Điều đầu tiên cần phải nói là cuốn sách sẽ đưa bạn về nước Pháp đầu thế kỷ XX, trước khi xảy ra Thế chiến lần thứ nhất. Vì thế hãy cố gắng phát huy tối đa vốn hiểu biết và trí tưởng tượng của mình về thời kỳ này để cảm nhận từng cơn gió đượm không khí trong lành chưa bị ám mùi dầu của đám máy móc. Còn tôi, vốn chẳng biết gì về cái thời lạc hậu này cả, nên khổ cực hơn. Tôi lên mạng tìm ảnh và thông tin.
Rồi, xem như đã chuẩn bị xong tinh thần về không gian và thời gian. Giờ chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện.
Đánh trận giả là một trò hết sức thông dụng trong đám con trai. Hồi lớp 3, lớp 4, cứ mỗi lần ra chơi là đám con trai lại chia thành 2 phe, một giữ thành và một chiếm thành, thành ở đây là cái lan can tầng 1 (tất nhiên nếu ai có khả năng bay nhảy thì có thể lên các tầng cao hơn, càng thích). Đánh nhau bằng thước kẻ và tay chân là chính. Lúc ấy mê lắm, chỉ đến giờ nghĩ lại mới thấy may mà chẳng thằng nào bị làm sao cả.
Nhưng đánh trận kiểu này còn hòa bình chán so với cuộc chiến của đám nhóc hai làng Longeverne và Velrans. Vũ khí của lũ trẻ là gạch đá, ná thun và cành cây. Chiến trường là khu rừng nơi hai làng tiếp giáp nhau. Tình hình xem ra căng thẳng hơn rồi đấy. Vì thế phải trinh sát, phải lập kế hoạch, phải có căn cứ và phải có quân lương. Cái này thì rõ, bất cứ ai trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ thế thôi. Có cả một chiến trường hoành tráng cơ mà, tội gì lại không tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỉ?
Đấy, bao nhiêu việc cần giải quyết chỉ để phục vụ cho một cái nhu cầu đơn giản là được tẩn cho bọn làng bên một trận ra trò, mà nguyên nhân của cái lý do rất trời ơi đất hỡi này là một sự việc từ xưa lắc xưa lơ: hai làng cãi nhau vì một con bò chết. Anh bạn của tôi nói rằng đây là những chuyện có thật ở Pháp hồi trước. Nhưng thôi, dẹp cái lịch sử ấy sang một bên. Đó đâu phải điều quan trọng nhất? Cái chúng ta quan tâm là đám nhóc cơ, mà chúng thì tất nhiên, đâu có thèm nhớ gì đến lịch sử nước Pháp.
Ấy, khi viết những dòng này, tự nhiên tôi lại thấy máu mình cứ như sôi lên vì thích thú với những trò chơi khăm nhau của lũ trẻ, lại hả hê sung sướng mỗi lần quân ta thắng trận, lo lắng cho đồng đội của mình bị phe địch bắt. Không phải chuyện đùa đâu nhé, tù binh bị lột truồng, tẩn cho một trận ra trò, quần áo thì cắt hết cúc với dây buộc. Úi chà, vừa đau vừa nhục, thử tưởng tượng bạn cũng bị thế mà xem (nếu bạn là con trai, con gái thì không đi đánh trận, một kiểu ưu tiên), chưa kể đến trận đòn thứ phát (nhiễm từ chuyên ngành, thực ra là thứ hai) của những ông bố bà mẹ xót con thì ít (nó vẫn sống mà, chỉ trầy xước sơ sơ) mà xót của thì nhiều (bộ quần áo mới ở quê là cả vấn đề đấy). Đòn roi hình như không phải trên những trang sách, mà đang đánh vào mông chính người đọc (nếu bạn không cảm thấy điều này thì xin chúc mừng). Xót xa lắm!
Nhưng bất chấp đòn thù của quân địch hay đòn roi của cha mẹ, chúng ta vẫn ngẩng cao đầu. Chỉ có kẻ hèn nhát mới bỏ trốn, mà liệu trốn đi đâu khi những người chiến sĩ quả cảm không bao giờ tha thứ cho những kẻ phản bội ? Chiến tranh còn dài, thắng lợi chưa nhìn thấy tăm hơi đâu cả, sao lại ngã lòng. Nếu được tham gia, nhất định tôi sẽ là chiến binh hăng hái nhất, là kẻ chửi bậy nhất (quên nói, cuốn này chống chỉ định với những người ngôn ngữ quá sạch). Đáng tiếc là những chuyện này đã lùi vào dĩ vãng cách đây gần trăm năm rồi, chỉ có thể làm khán giả thôi. Tiếc nhỉ, đến cả chơi như hồi nhỏ cũng khó. Thôi thì cứ làm thằng điên đêm đêm ngửa cổ cửa vậy.
P/S: Kiếm được cái hình bìa của Cuộc chiến khuy cúc chưa có chữ nghĩa gì cả, mạn phép tác giả đưa lên đây, giữ nguyên hiện trạng, không cắt xén thêm bớt.

Đã khá lâu tôi ít chú ý đến các sách của Kim Đồng. Một phần vì mình không còn ở độ tuổi mà sách của Kim Đồng nhắm đến, phần khác vì không thích cách biên tập của NXB này. Do vậy tôi biết đến cuốn sách qua một cái duyên khác. Bạn tôi chính là dịch giả cuốn Krabat và cối xay phù thủy này. Được anh giới thiệu về cuốn sách từ khi bắt đầu dịch, quyết định sẽ mua một bản, vừa là ủng hộ bạn, đồng thời cũng tin vào sự lựa chọn và khả năng chuyển ngữ của anh.
Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách khá tốt, dù sao cũng là sách có bản quyền hẳn hoi. Bìa in nhũ bóng loáng, tên sách dập nổi trông bắt mắt. Giấy sách dầy, màu trắng ngà. Chữ in bằng thứ font dễ đọc, không quá cầu kỳ nhưng vẫn đẹp. Riêng về mặt hình thức có thể nói đây là cuốn sách làm cẩn thận, chi tiết, chứng tỏ sự đầu tư công sức của những người thực hiện. Cầm một cuốn sách như vậy ai chẳng muốn đọc.
Tất nhiên, một cuốn sách hay không phải ở cái bìa. Cái khiến người ta giữ nó trên giá sách hay cho ra hàng sách cũ là ở nội dung. Về mặt này, cuốn sách hoàn toàn xứng đáng với những giải thưởng người ta đã trao cho nó.
Một vài thông tin trên bìa cho ta biết tác giả đã mất 10 năm để hoàn thành cuốn sách. Với một thời gian dài như vậy, hẳn mọi người sẽ mong chờ một câu chuyện hoành tráng nhưng không kém phần chi tiết với các tuyến nhân vật đan xen nhau một cách phức tạp. Và người ta tự hỏi, làm thế nào tác giả có thể thực hiện được điều này trong một cuốn sách dày chưa đến 300 trang? Bất cứ ai nghĩ vậy hẳn sẽ thất vọng. Đơn giản, đó là từ chính xác nhất có thể mô tả về Krabat và cối xay phù thủy. Cá nhân tôi, khi đọc sách, cảm thấy như đang đọc một câu chuyện dân gian. Hầu hết các truyện cổ dân gian mà tôi biết đều khá đơn giản, xây dựng trên những tình huống trực tiếp và không đòi hỏi tính logic cao. Chẳng hạn, một con quỷ trong không cần phải có nguồn gốc rõ ràng. Nó chỉ đơn giản là ở đó, gây ra tai họa và cần phải diệt trừ. Những vị thần sẽ giúp đỡ nhân vật chính thường vì những lý do hết sức chung chung như nghèo mà tốt, giúp đỡ người khác…, những điều mà đa phần người tốt đều sẽ làm…Krabat và cối xay phù thủy được viết theo cách như vậy. Chẳng ai biết về nguốn gốc cái cối xay và lão thợ cả, cũng chẳng ai hiểu rõ vì sao lại có cái cam kết hiến mỗi giao thừa một mạng người của lão thợ cả và Đức cha. Mà có lẽ đơn giản nhất là tình yêu của Krabat và cô lĩnh xướng. Họ chưa bao giờ nói chuyện một lần nào, ấy vậy mà Krabat đem lòng yêu cô chỉ nhờ nghe giọng hát, để rồi khi cậu thổ lộ, cô cũng đáp lại như thể trước kia đã biết rõ cậu vậy. Tình yêu ấy tưởng như hời hợt, nhưng nó mạnh đến nỗi cô lĩnh xướng sẵn sàng liều mạng để đem lại tự do cho Krabat. Nó khiến cô nhận ra cậu dù đang bịt mặt, bởi cô cảm nhận được sư lo lắng Krabat dành cho cô. Tình yêu của hai người đã đem lại tự do cho không chỉ Krabat mà tất cả những người thợ phụ trong cối xay phù thủy. Phải, trước đó Krabat và Juro Tồ đã tập luyện rất nhiều phép thuật để chống lại lão thợ cả, nhưng rốt cuộc, chẳng cần đến một phép thuật gì, cô lĩnh xướng cũng đã làm giải phóng cho Krabat. Có nhiều người cảm thấy hụt hẫng khi câu chuyện kết thúc, vì rốt cuộc bao nhiêu sự chuẩn bị của Krabat là thừa, nhưng tôi thì không. Cách kết này chẳng phải là cách đẹp nhất sao ? Vượt trên tất cả, tình yêu chẳng phải chính là phép thuật mầu nhiệm nhất sao?
Đọc Krabat và cối xay phù thủy đem lại sự dễ chịu mà lâu lắm rồi tôi mới tìm được. Không phải ghi nhớ về hàng đống thông tin, về những mối quan hệ chồng chéo phức tạp. Nó giống như một cuộc dạo chơi bằng thuyền, cảnh vật xung quanh từ từ trôi qua trước mắt, còn người xem cứ việc chậm rãi mà hưởng thụ tất cả.

Truyện hài, cũng giống các thể loại khác, luôn mang chút đặc tính dân tộc nào đó của tác giả câu chuyện. Vì thế truyện hài của các nước đều khác nhau. Mình thích nhất là hài kiểu Pháp và hài kiểu Mỹ. Hài kiểu Pháp nhẹ nhàng, thâm thúy, thường mang tính châm biếm, nói cách khác là kiểu hài bác học, khá giống tính cách dân Pháp, lãng mạn, ít thực tế và nhiều lý thuyết. Hài kiểu Mỹ lại trực tiếp, có gì đó hơi thô thiển, đúng kiểu của một dân tộc thực tế, bận rộn. So sánh thì mình thích kiểu Pháp hơn, một phần vì nhẹ nhàng, tinh tế hơn, và phần nữa là vì đọc vài lần vẫn cười được, còn kiểu hài kia thì chỉ 2,3 lần là thấy bình thường rồi. Nói theo tiếng Anh thì hài kiểu Pháp là humour, còn hài kiểu Mỹ là comedy vậy. Tất nhiên ở đây chỉ xin nói về đa số, chứ chắc chắn không phải tất cả. Ai dám bảo nhẹ nhàng, tinh tế là đặc quyền của người Pháp, còn thô thiển chỉ có mình người Mỹ chứ?
Đọc qua đoạn mở đầu này, chắc ai cũng nghĩ mình sẽ làm một bài viết phân tích kỹ lưỡng về hai kiểu hài. Đáng tiếc là trình độ của mình chưa đến mức ấy. Vốn không muốn viết đoạn mở đầu như vậy vì nó qua to tát so với những gì tiếp theo, nhưng vì là cảm hứng nên vẫn giữ nguyên không bỏ. Bây giờ mới xin phép đi vào mục đích chính của bài viết lần này, sơ qua cảm nhận về hai series truyện hài của Mỹ dành cho thiếu nhi do Nhã Nam phát hành gần đây là Junie B.Jones và Nhật ký Ngốc xít. Truyện của Pháp xin phép để vào lúc khác.
Đầu tiên là Junie B.Jones. Trời ạ! Cứ nhắc đến cô bé mẫu giáo này là lại tiếc số tiền đã bỏ ra mua 2 tập truyện về. Công tâm mà nói thì series này có nhiều truyện khá, nhưng mình ghét cái cách cô bé hét toáng lên với tất cả mọi người. Có nhiều cách để biến mình thành trung tâm vũ trụ, nhưng làm người khác chú ý bằng cách cố nói thật to thì quả là một lựa chọn tồi. Chính vì thế mặc dù mình chỉ cố gắng đọc xong được cuốn đầu là đành cho truyện vào danh sách cần thanh lý mà không đủ kiên nhẫn đọc tiếp tập 2. Đôi lúc tự hỏi có phải mình cổ hủ, khó tính không, nhưng suy cho cùng thì chọn sách để đọc là do ý thích cá nhân, sao lại phải nghĩ ngợi về chuyện người khác thích mà mình thì ghét chứ.
Tiếp đến là Nhật ký ngốc xít. Cuốn này thuộc dạng bất khả xâm phạm vì hai đặc điểm quan trọng của nó:
Một là, nó do superman mua tặng. Vì thế dù hay hay dở, dù muốn hay không thì vẫn cứ phải giữ sách lại (thực ra nếu muốn thì chắc cũng có cách để thuyết phục thôi).
Hai là, sách có chữ ký của dịch giả đề tặng đích danh mình. Giới chơi sách từ xưa đến giờ ngoài việc cố kiếm các bản cổ, bản hiếm ra, còn cái thú sưu tập bản có chữ ký, thủ bút của tác giả, dịch giả…cuốn sách. Vậy kể ra thì cuốn này cũng có thể coi là quý được rồi (Nói thêm về chuyện này một chút. Cá nhân mình cho rằng trừ những người quá khó tính ra, còn thì ai chẳng muốn người ta ghi nhận giá trị những tác phẩm của mình, bất kể là sáng tác hay dịch. Vì thế việc xin chữ ký, thủ bút có thể coi là đôi bên cũng có lợi, tác giả thì cảm thấy mình được công nhận, còn người mua sách lại có một bản đặc biệt). Quan trọng hơn, chữ ký này là do chính Superman xin cho mình. Đây là vấn đề chính khiến cho việc xử lý cuốn sách trở nên khó hơn thường lệ.
May mắn thay, Nhật ký Ngốc xít lại thuộc dạng những cuốn sách dễ được quyết định số phận. Cũng là nói về một cô bé, nhưng là học cấp II chứ không phải mẫu giáo như Junie B.Jones. Có lẽ vì thế nên cách gây cười của Nhật ký Ngốc xít tuy thô nhưng không quá mức như Junie, thậm chí truyện khá dễ thương khi xây dựng nhân vật chính nhẹ nhàng, hơi tự ti, cũng đầy những thắc mắc, suy nghĩ ngớ ngẩn, cũng thích những người đẹp trai, sống trong gia đình có vẻ quái dị với một ông bố thật thà, một bà mẹ nấu ăn dở khủng khiếp và một con chó săn thỏ quái dị. Đọc Nhật ký Ngốc xít có cảm giác dễ chịu, thoải mái hơn đọc Junie B.Jones, mặc dù trong ấy cũng đủ cả hỉ nộ ái ố (kiểu trẻ con). Mình đọc trong thời gian khá ngắn, ngắn hơn hẳn so với Junie B. Vui nhất là ông anh đọc xong thì thằng em cũng muốn đọc, kể ra cũng phải, nhồi mãi các thứ nặng nề vào đầu thì phải có gì đó nhẹ nhàng, vui vẻ trong lúc nghỉ ngơi giữa chừng chứ. Xem thế thì vai trò của truyện hài cũng không thể xem nhẹ được!
Sau thời gian chờ đợi khá lâu, cuối cùng cuốn sách tiếp theo của Harlan Coben – Người hùng trở lại (tựa gốc làPromise me) – đã xuất bản. Thật khó mà mô tả cảm xúc của tôi khi nhìn thấy cuốn sách, một chút thỏa mãn, một chút hoan hỉ, một chút hồi hộp. Suy nghĩ duy nhất của tôi lúc ấy là phải sở hữu một cuốn ngay lập tức.
Từ trước đến nay, ngoài Conan Doyle, chưa có một nhà văn viết truyện trinh thám nào khiến tôi như vậy, nhưng ấn tượng từ hai cuốn Đừng nói một ai và Người vô tội đủ để khiến Harlan Coben trở thành người thứ hai làm được điều này. Với cuốn sách mới nhất, vẫn là lối dẫn chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, vẫn là một câu chuyện đầy sự bí ẩn và bất ngờ đến trang cuối cùng, Người hùng trở lại không làm tôi thất vọng.
Lần này, Harlan Coben đưa người đọc theo chân nhân vật chính trên đường tìm kiếm một cô gái mất tích. Con đường ấy kết nối những người tưởng như chẳng lien quan gì đến nhau vào mối quan hệ chằng chịt, đi vào ngõ ngách ảm đạm trong tâm hồn những kẻ tưởng chừng hạnh phúc nhất, phơi bày những sự thật đau lòng. Từ từ, cái xã hội đẹp đẽ ấy bị bóc trần từng mảng, để lộ ra sự tối tăm, tuyệt vọng của nó.
Nhưng chẳng lẽ lại như vậy, chẳng lẽ không thể cứu vãn gì nữa ? Không, những gì giả tạo cần phải gột sạch để lộ ra bộ mặt thật, nhưng đó đâu phải tất cả. Vẫn còn nhiều những mảng màu tươi sáng, ấm áp khác rải rác đây đó trong bức tranh toàn cảnh. Ở đó, niềm tin vẫn còn, nhờ vào đó, con người vẫn đang sống và tiến về phía trước.
Một cuốn truyện tuyệt vời, xét ở cả khía cạnh trinh thám lẫn nhân văn của nó. Nói những lời sáo rỗng sẽ chỉ làm giảm hứng thú với cuốn sách mà thôi. Bạn hãy đọc và có cảm nhận của riêng mình. Nếu bạn có thể dứt khỏi cuốn sách giữa chừng thì bạn quả là đáng khâm phục. Riêng tôi, tôi buộc phải đọc xong nó trước khi có thể toàn tâm toàn trí làm việc khác được.
Sau một thời gian dài tìm kiếm, mất nhiều công sức, cuối cùng tớ đã tìm được đủ bộ Nghìn lẻ một đêm!

Nói tới Nghìn lẻ một đêm thì chắc chắn ai cũng biết, vì ít nhiều người ta cũng đã đọc một, hai truyện trong bộ này, chưa kể hàng chục bản khác nhau được dịch và xuất bản đầy ra đó. Vì thế cái chuyện vui mừng của tớ xem ra là khó hiểu. Mong mọi người cứ bình tâm nghe tớ giải thích đã.
Nghìn lẻ một đêm vốn là một bộ sách tập hợp truyện dân gian của người Ả rập. Người đầu tiên khiến cả thế giới biết tới bộ sách này là học giả người Pháp Antoine Galland (1646-1715). Ông vốn là người giúp việc cho sứ thần Pháp tại Constantinople (nay là Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ). Do vậy, ông có dịp đi lại nhiều lần ở các nước vùng Tây Á và thông thạo ngôn ngữ, văn hóa khu vực này. Trở về Paris, tình cờ đọc được bản chép tay bảy truyện cổ Ả rập, ông dịch và cho xuất bản. Khi sách sắp in thì dịch giả lại biết những truyện này được rút ra từ “một pho đồ sộ gồm nhiều truyện tương tự, chia thành nhiều tập, đề là Nghìn lẻ một đêm”(1) . Ông nhờ người tìm mua hộ và dịch. Trong các năm 1704-1709, mười hai tập sách lần lượt ra đời, nhận được sự mến mộ của mọi tầng lớp trong xã hội Pháp lúc bấy giờ. Bản của Galland được dịch ra hàng loạt ngôn ngữ khác như Anh, Hà Lan, Đức, Ý, Tây Ban Nha… và trở nên phổ biến ở trên khắp châu Âu. Sau đó có rất nhiều học giả khác đã dịch trực tiếp Nghìn lẻ một đêm từ tiếng Ả rập ra tiếng mẹ đẻ của mình, mỗi học giả sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau. Mới nhất, có thể kể đến bản The Arabian Nights: Tales of 1,001 Nights của Malcom C.Lyons và Ursula Lyons, xuất bản tháng 11 năm 2008. Điểm khác nhau cơ bản giữa Galland với những người khác là tuy dịch đủ các truyện, ông lược bỏ những đoạn tán tỉnh, mơn trớn, miêu tả tình dục cùng những câu thơ, lời hát trong truyện mà chỉ giữ lại phần cốt truyện chính thôi(2). Ngoài ra còn một điều khá thú vị là hai truyện rất nổi tiếng Aladin và cây đèn thần, Alibaba và bốn mươi tên cướp vốn không có trong bất kỳ văn bản tiếng Ả rập gốc nào. Galland nói rằng ông nghe những truyện này từ một người ông gọi là Hanna Diab tại Aleppo, Syria.
Đó là thông tin về các bản dịch của nước ngoài. Còn bản dịch ra tiếng Việt thì sao?
Bản tiếng Việt cũ nhất mà tớ được biết là của cụ Trần Văn Lai(3) do Tân Việt xuất bản năm 1942.
Một bản khác được biết đến nhiều hơn là bản của NXB Văn học, gồm 10 tập, xuất bản trong 9 năm liền từ 1982 đến 1989. Năm tập đầu dịch từ bản Contes des Mille et une nuits của Antoine Galland, NXB Frères Garnier – Paris 1982, do Phan Quang dịch. Năm tập sau dịch từ bản Mille nuits et une nuit của bác sĩ J.C.Madrus, NXB Charpentier et Fasquelle – Paris 1925, do nhóm Nguyễn Trác, Đoàn Hồng, Nguyễn Đăng Châu, Tấn Khang dịch(4). Bộ sách này được thực hiện khá công phu và cẩn thận nên dân đọc sách rất thích. Tuy vậy, do có nhiều tập, lại xuất bản trong thời gian dài nên việc tìm được đủ bộ quả là khó khăn. May mắn làm sao, qua một người bạn, tớ không chỉ tìm được cả 10 tập mà sách còn rất mới nữa.
Sau này có rất nhiều bản dịch khác. Trong số đó đáng chú ý hai bản, đều có 10 tập, in khổ nhỏ, một của NXB Văn nghệ, bản còn lại tớ không chắc chắn, hình như của NXB Văn hóa thông tin thì phải. Rất tiếc là tớ chưa bao giờ đọc trọn vẹn 2 bản này mà chỉ được xem qua lúc còn bé nên hoàn toàn không thể đưa ra nhận xét gì nhiều. Tất cả các bản còn lại đều mang tính chọn lọc các truyện hay nhất, và thường sẽ được biên tập để cho trẻ con đọc. Vì vậy giá trị văn học và nghiên cứu hầu như không có.
Đọc đến đây chắc bạn đã hiểu lý do tớ vui mừng đến thế rồi. Tớ chỉ xin bổ sung them một ý nữa thôi. Khi mới đi tìm bộ sách này, tớ có lên amazon check thử. Bản dịch mới nhất của Malcom C.Lyons và Ursula Lyons có giá quá đắt so với một sinh viên, và tuy xuất bản tháng 11 năm 2008, hiện tại sách đã hết. Các bản còn lại đều là chỉ là trích dịch mà thôi. Vì thế việc tìm được một bản dịch đầy đủ, dù là tiếng nước ngoài cũng thật khó khăn.
Chia sẻ cảm xúc thế này có lẽ là dông dài quá rồi. Rất cám ơn bạn đã chịu khó đọc đến hết cái entry này. Thật đáng tiếc vì tớ không có máy ảnh nên chẳng làm thế nào để chụp hình bộ sách của mình cả. Đành mượn tạm hình chụp của nick chuthoong tại diễn đàn buonsach làm hình minh họa.
_________________________________
(1) Theo thư của Galland gửi phu nhân hầu tước O. in ở đầu bản dịch tiếng Pháp
(2) Trong “Nghìn lẻ một đêm” có khá nhiều chi tiết bỡn cợt luân lý, khêu gợi hoặc thách thức những điều cấm kỵ. Antoine Galland trong quá trình biên soạn và dịch đã phải lược bỏ những đoạn quá “nhạy cảm” đối với văn hóa phương Tây thời đó. Mặt khác, cách kể chuyện tuy quyến rũ nhưng cũng khá dài dòng. Chẳng hạn, có khi đôi trai gái đang yêu tán tỉnh nhau hàng vài trang giấy, đại khái chàng trai thì khen cô gái có làn da làm bằng hổ phách ướp mật ong và xạ hương, mái tóc dài và phức tạp không kém gì sông Nil, đôi mắt sâu thăm thẳm như một cái giếng không đáy được được dát bạc và kim cương, cô gái thì thì thấy chàng trai như một vị thần đi đến đâu hào quang tỏa ra đến đấy, cánh tay vừa chắc như đồng, vừa êm như nhung, giọng nói trầm hùng mà ngọt ngào như 999 cái chuông đồng… Còn tình yêu của họ thì, ôi thôi, đẹp như loài hoa xyz nghìn năm mới nở một lần, huy hoàng như ánh dương trong đêm đen, mượt mà như tơ lụa Đamát…(dangphuong – thuvien-ebook)
(3) Bác sĩ Trần Văn Lai là thị trưởng đầu tiên của thành phố Hà Nội thời chính phủ Trần Trọng Kim. Ông được xem là người có công trong việc tìm ra cách đặt tên phố phường Hà Nội một cách hợp lý và khoa học. Tuy nhiên, cũng chính ông là người đã ra lệnh phá bỏ các tượng đẹp của Pháp ở Hà Nội, trong đó có bức tượng Bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. Bức tượng này có hình dáng giống hệt với tượng Nữ thần Tự do ở New York.
(4) Cho đến giờ, tớ vẫn không rõ vì lý do gì mà bộ sách lại được thực hiện như vậy. Tình trạng này trước đây rất hiếm. Chỉ đến bây giờ mới biến thành một vấn đề đáng quan tâm.