1. Trang chủ

    image
    Trang chủ
  2. Ảnh

    image
    Ảnh
  3. Bài viết

    image
    Bài viết
  4. Về tôi

    image
    Về tôi
  5. Liên kết

    image
    Liên kết

Danh ngôn sống đẹp

Pu Pu - Kal Kally - Seperator

Đừng để ai đến với bạn mà không rời đi tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Hãy là sự truyền đạt sống động cho lòng nhân từ của Chúa trời: lòng tốt trên gương mặt, lòng tốt trong đôi mắt, và lòng tốt trong nụ cười.


Let no one ever come to you without leaving better and happier. Be the living expression of God's kindness: kindness in your face, kindness in your eyes, kindness in your smile.


Mẹ Teresa

 65 người thích      Thích

Danh ngôn hành động

Pu Pu - Kal Kally - Seperator

Tôi càng sống lâu, đọc nhiều, kiên nhẫn hơn và lo lắng tìm hiểu nhiều hơn, tôi dường như càng biết ít đi... Hãy biết vừa phải. Có lòng khoan dung. Sống nhún nhường. Như thế là đủ.


The longer I live, the more I read, the more patiently I think, and the more anxiously I inquire, the less I seem to know...Do justly. Love mercy. Walk humbly. This is enough.


John Adams

 541 người thích      Thích

Dễ phải nửa năm nay không động vào máy ảnh. Chẳng phải vấn đề gì nghiêm trọng, không có tiền mới chết chứ không ảnh vẫn sống nhăn. Phải cái với thanh niên sống nội tâm dủ thâm là chính thì bị tắt h(n)ứng sáng tạo cũng là chuyện đáng bàn. Tất nhiên chẳng phải lần đầu mình bị rơi vào tình trạng này, khi từng có lúc cả năm không chụp nổi lấy một bức nào, mà cũng có thể coi như giai đoạn tạm nghỉ cho năm trước đó chụp như điên như rồ. Nhưng mà hình như khi bị cuốn vào guồng máy thì lại càng khó cho tâm hồn được ăn uống đầy đủ thì phải?

Từ hồi mới chụp, đã có vô số ý tưởng, đến nỗi phải có hẳn cuốn sổ ghi chép lại cho khỏi quên. Sự đời khó đoán, cảm xúc trồi sụt, đến giờ trong số những suy tư ngày ấy, chỉ còn mỗi bộ ảnh về ballet là đủ hấp dẫn mình, dù cũng chưa biết bao giờ sẽ thực hiện được. Gần đây, lại có thêm mong muốn một bộ ảnh đen trắng về boxing nữa…

Tại sao lại là boxing? Có lẽ vì sự phức tạp cao độ ẩn giấu dưới vẻ ngoài đơn giản, vì những tính toán chiến thuật cực kỳ tinh vi, biến hoá, đạt mức hợp lý đến từng bước chân, cú đấm. Và hơn hết, là môn võ của những kẻ mạnh mẽ, luôn phải đối đầu trực diện với địch thủ (trong boxing, không được đánh khi đối thủ quay lưng về phía mình). Tất cả đã biến boxing thành môn thể thao đầy tính bạo lực nhưng cũng không kém phần nghệ thuật, thu hút được đủ mọi tầng lớp từ thượng lưu tới bình dân.

Mình thích những gì mang tính cổ điển. Nên hẳn phải là một phòng tập chỉ thuần boxing, thiết kế theo phong cách cũ như vẫn thấy trên film và ảnh về giai đoạn đầu thế kỷ trước, có đài đấu, có giàn bao cát, ít tạ, tranh ảnh áp phích dán kín tường, những chàng trai trẻ măng mồ hôi ròng ròng, nhảy nhót di chuyển, hụp lặn tránh né, tung ra chuỗi đòn theo hiệu lệnh của ông thầy già đang vừa đi vừa quan sát, hoặc giơ đích cho một võ sinh nào đó. Khi mà người ta lên cơn cuồng loạn giảm cân, các phòng gym, kickfit mọc ra như nấm sau mưa thì những lò boxing phong cách cũ lại càng ít đi, thế đấy…!

Trong số những tác phẩm có cùng ý tưởng kiểu này, nổi tiếng nhất có lẽ là bộ ảnh chụp Muhammad Ali do Thomas Hoepker thực hiện cho tạp chí Magnum. Chỉ có thể nói là tuyệt vời! Hoepker đúng là một nhiếp ảnh gia đẳng cấp khi lột tả được đầy đủ những cảm hứng mà Ali huyền thoại truyền cho người khác, khiến người xem tràn đầy tinh thần chụp ảnh và tập luyện, dù biết chắc ảnh thì khó mà đạt tới mức độ ấy, còn tập thì…thôi đừng mơ nhiều! Thực tế, có lẽ niềm vui của mình ở chỗ đi đúng con đường yêu thích hơn là đạt tới một cái đích nào đó. Và…ờ, có một điểm trùng hợp thú vị ở đây, người đấm mình bay khỏi u mê là bạn Kha nhiều râu, còn người dạy cho mình biết boxing là gì, cũng là một ông Ali nào đó đấy :D


He said, "One day you'll leave this world behind
So live a life you will remember."

- Avicii - The Nights -

Sau khi nộp đơn xin nghỉ, câu hỏi đầu tiên xuất hiện là: “Thất nghiệp thì làm gì?”. Tất nhiên, mình vẫn yêu nghề đủ để muốn tiếp tục làm bác sĩ, nhưng lẽ nào khoảng thời gian tạm rời xa bệnh viện lại chỉ dùng để uống café? Một chuyến đi dọc bờ biển đã luôn nằm trong dự định, không phải bây giờ thì bao giờ? Cuộc đời vốn vô thường, năm rồi thầy dạy nhiếp ảnh của mình mất. Ông không dạy mình nhiều về ảnh, nhưng chính là người truyền cho mình cái máu đi và chụp này. Mình biết từ nay sẽ không bao giờ còn được nhận tin nhắn lên đường của ông nữa…Ừ, vậy nên khi còn có thể thì cứ đi thôi.
Tham khảo kinh nghiệm một vài người bạn, mang ít quần áo cùng mớ đồ chụp ảnh, sáng 10/4, mình khởi hành chuyến đi gần 1500km dọc bờ biển Việt Nam, bắt đầu từ Sài Gòn, điểm đến cuối cùng dự định là Huế, sau đó chuyển thành Quảng Trị. Không bị gấp về thời gian nên đi rất từ từ, cứ thấy cảnh đẹp là dừng lại chụp. Nhiều hôm trời nắng to, cũng nản, nhưng nghĩ sau này biết có đi lại được không nên đành bấm bụng dừng xe lôi máy ra. Mặc dù hỏng mất kha khá nhưng may vẫn có nhiều ảnh đẹp, không thì tiếc lắm. Tính ra cả chuyến đi mình chụp hết 28 cuộn film slide, 2 cuộn film màu, tất cả đều là film 120. Số này 25 cuộn tráng E6, 5 cuộn tráng C41, chắc cũng đủ thành kỉ lục khó phá trong giới chơi film.
Mỗi cung đường đều có những dấu ấn khó quên, những con người tốt bụng. Ở Nha Trang, được Bình, Khôi chỉ chỗ ăn, chỗ ngắm cảnh, rồi chiều nào cũng đi ăn kem ở quán Ý gần khách sạn. Thót tim khi ngồi xe máy đi thăm Hải đăng Mũi Dinh. Đi Vĩnh Hy, uống nước mía đặc nhất và rẻ nhất Việt Nam. Gặp chị bán nước tốt bụng ở Phú Yên, gửi xe hai lần mà nhất định chỉ lấy 1 lần tiền vé, đành mua thêm lon nước ủng hộ. Ra Lý Sơn, thăm chùa Hang rồi “bị” ép ăn cơm chay no căng bụng. Đến Đà Nẵng, được Tuấn dắt đi chỉ chỗ chụp ảnh, rồi còn cùng phi ra Huế ăn bún bò, chiều chiều đi ăn kem rhum nho bên bờ sông Hàn. Xúc động nhất chắc là lúc ngồi trên cầu Hiền Lương nghe Trọng Tấn hát Đất nước, nhớ về bao lớp người đã ra đi để có một nước Việt Nam thống nhất. Và còn hàng trăm, hàng ngàn khoảnh khắc đáng nhớ mà chẳng liệt kê hết nổi. Cuối cùng, cũng như bao người đã từng đi, đều thốt lên: Đẹp lắm Việt Nam ơi!
Thất nghiệp và đi phượt, như một người bạn nói, là trải nghiệm khó quên và nên có, ở hoàn cảnh của mình. Chẳng biết bao lâu nữa sẽ tới chuyến đi tiếp theo, nhưng mỗi lần như vậy, mình đều yêu cuộc sống này hơn, mặc kệ bao toan tính của nhiều người khác. Hít căng một hơi, và sẽ lại lên đường thôi.


Mình nghiện sách từ nhỏ, cả đọc và sưu tập, nhất là sách cũ. Bởi vậy, mặc dù suốt ngày bị kêu ca phàn nàn về kích cỡ của kho sách và cũng đã phải bán bớt một lượng đi thì về cơ bản, tốc độ mua vào vẫn lớn hơn tốc độ bán ra, và kích cỡ bộ sưu tập cứ tăng dần đều theo năm tháng. 
Sau này, để gọn nhẹ hơn, mình chuyển qua dùng Kindle, công nhận là rất tiện dụng, nhất là lượng ebook thì đủ đọc cả đời chả hết. Nhưng như bao người có cùng thú vui khác, cầm sách giấy vẫn đem lại cho mình những cảm xúc khác biệt, đôi khi đến từ việc có được bản sách hiếm, có chữ ký ai đó quan trọng, hoặc…đôi khi là ghi chép của chủ sách trước, giống như cuốn này ☺
Đây là một món quà với lời đề tặng khá dài và tình cảm của người cha tới con trai mình. Cả hai bố con có lẽ đều là những người say mê nhiếp ảnh, và chắc hẳn có phòng tối ở nhà. Dựa trên lời lẽ thì có thể đoán Jim, tên người con trai, khoảng 20 tuổi, ông bố khoảng 40 – 45 tuổi. Cuốn sách này xuất bản năm 1987, cách đây 32 năm. Nếu còn sống, người con giờ khoảng 52, và ông bố là 72 – 77 tuổi. 
32 năm…! Căn cứ theo việc sách được bán trên 1 hiệu sách online, có thể đoán chắc phòng tối không còn nữa, và có lẽ hai người kia cũng không còn, hoặc ít nhất là 1 trong 2(?). Chuyện này chắc mình sẽ chẳng bao giờ biết được…Vẫn là cảm giác tò mò pha chút ngậm ngùi khi nghĩ về những người chủ trước của cuốn sách…
Tiếng Anh mình giả cầy, mạo muội dịch lời đề tặng rất tuyệt vời này, bởi nó mang đến cho mình nhiều cảm xúc trong những tháng ngày hỗn loạn ☺

“Những tấm ảnh bắt được đúng khoảnh khắc, với sự sáng tạo, trở thành nghệ thuật và biểu tượng – luôn hướng tới những điều cao hơn chính bản thân chúng. Jim, hãy phát triển sự sáng tạo và tò mò nơi con. Sáng tạo sẽ làm cuộc đời con cân bằng và thêm ý nghĩa – con sẽ trở thành một thành phần hoạt bát hơn là chỉ một người quan sát.
Dành tặng cho một tâm hồn không sợ hãi – con trai – người mà ta rất tự hào…Hãy sáng tạo, và tin tưởng vào bản thân mình!

Mừng con về nhà
Yêu con,
Bố”


Theo thống kê, từ trước tới  nay chỉ có khoảng 20 công ty thực sự có khả năng sản xuất film, và đến  thời điểm hiện tại thì con số này chỉ còn khoảng 10,  cụ thể hơn có thể xem hình này: https://imgur.com/uJ5p6ZI . Tuy vậy, có đến cả vài chục loại film tồn tại trên thị trường với đủ các nhãn mác khác nhau. Một phép suy luận đơn giản cũng đủ thấy là nhiều loại film nhãn khác nhau vốn có cùng nguồn gốc, hay Tây vẫn gọi là film rebranded.

1. Film rebranded là gì?

Film rebranded, hay còn được gọi là rebadged, repurposed…, nói một cách đơn giản, là sản xuất bởi công ty A nhưng dán nhãn công ty B trước khi bán ra thị trường. Đây là chuyện không mới với giới chơi film từ trước tới nay, thậm chí còn được dân chơi tận dụng để mua được nguồn film chất lượng tương đương mà giá rẻ.

2. Lý do rebrand film?

Chưa bao giờ có bất kỳ thông tin chính thức nào được đưa ra về việc này, tất cả chỉ là sự suy luận và đồn đại của giới chơi film. Tuy vậy, người ta cho rằng có mấy lý do sau đây:

  • Trao đổi thương mại giữa 2 công ty
  • Xử lý lượng hàng tồn kho sắp hết date
  • Mức sản xuất vượt nhu cầu thị trường nên cần bán bớt lượng sản phẩm thừa, tránh các chi phí phát sinh cho chỗ sản phẩm thừa này
  • Giúp quảng cáo cho một cửa hàng hoặc công ty nào đó
  • Đánh vào tâm lý thích thử nghiệm nhiều loại film của người dùng, qua đó cho phép bán được nhiều hơn.

3. Cách nhận biết:

Bởi không hề có thông tin nào chính thức, như đã nói ở trên, nên mọi nhận định đều dừng ở mức “trà dư tửu hậu” mà thôi. Tuy vậy, có một số dữ kiện khá chính xác cho phép người ta tin vào sự logic của các suy luận này:

  • Tính chất giống nhau của film như màu sắc, grain, độ tương phản…Đặc biệt, với film đen trắng, một điểm rất quan trọng là sự giống nhau giữa bảng dev chart (đồ thị biểu diễn thời gian tráng film theo nhiệt độ). Tất nhiên, các tính chất này  phụ thuộc nhiều yếu tố nên nó không hoàn toàn chính xác, nhưng vẫn có giá trị nhất định. Thậm chí người ta đã lập hẳn một bảng các loại film đen trắng giống hệt nhau ở đây: https://darkroom-solutions.com/notes
  • Dựa vào dãy số DX in trên vỏ film. Dãy số này được đưa ra bởi Hiệp hội Công nghiệp Hình ảnh Quốc Tế (International Imaging Industry Association – I3A), thể hiện loại film và nhà sản xuất THỰC SỰ của lớp nhũ tương film. Cần lưu ý là công nghệ sản xuất lớp nhũ tương này khác nhau giữa các công ty, nên mới có chuyện khác nhau về tính chất các loại film. Do đó đây là dữ kiện quan trọng và chính xác nhất để biết được một loại film thực sự có nguồn gốc từ đâu. Một nhóm người chơi đã tập  hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và xây dựng nên trang web The Big Film Database (http://industrieplus.net/dxdatabase/) giúp người chơi tra cứu thông tin về một loại film dựa trên tên hoặc dãy số DX, đồng thời có thể biết được các loại film khác tên mà cùng bản chất.

4. Một vài ví dụ về film rebranded

- Arista Premium:  Arista là thương hiệu của Freestylephoto, một trang bán film nổi tiếng của Mỹ. Tất cả các film mang nhãn Arista đều là film rebranded. Trong số này, nổi nhất có lẽ là Arista Premium, bởi nó chính là rebrand của Tri-X, film đen trắng lâu đời của Kodak. Khi xuất  hiện, Arista Premium có giá bằng nửa Tri-X, quả là một món hời cho các fan của film này. Chi tiết hơn, có thể đọc bài review của bạn Đạt tại link sau: http://trpdat.com/2012/05/film-review-aristra-premium-400-tri-x-400-rebrand/ . Hiện tại thì Arista Premium đã hết hàng  từ lâu và không hẹn ngày tái xuất.

- Uxi Efinity: Đây là một trường hợp khá thú vị. Khi mới xuất hiện, Uxi có giá tương đối rẻ, chất lượng không cao lắm và quan trọng nhất là không thể tìm thấy thông tin chính thức về film này ở đâu, đến mức vài bạn Tây du lịch ở Việt Nam mua được loại này, lên diễn đàn Tây hỏi và cũng chả ai biết gì về nó cả. Theo tra cứu, Efinity là một công ty in ấn của Singapore, và tất nhiên là chẳng sản xuất loại film nào hết. Uxi giai đoạn đầu khá giống Konica, về sau thì các thông số giống hệt Fuji C200, còn giá thì hiện đã bị đẩy lên cao khủng khiếp rồi.

- CineStill: Lại một trường hợp thú vị khác. CineStill xuất hiện tầm năm 2012, ban đầu chỉ có film màu, sau thêm film đen trắng. Thời điểm đó, việc sử dụng film cine để chụp ảnh còn khá mới, ngay cả  ở nước ngoài. Do quay film cần tốc độ cao nên bề mặt các film cine đều có lớp remjet để tránh xước, film được tráng bằng công thức ECN – 2. Một vài người tìm ra cách tẩy lớp remjet khỏi bề mặt film để có thể tráng C – 41, và CineStill là nhóm đầu tiên thương mại hoá phát hiện này. Họ sử dụng film Kodak Vision, tẩy lớp remjet và cuốn vào lõi film rồi bán,  người chơi chụp và gửi lab tráng như thường. Đây có lẽ là trường hợp hiếm hoi việc rebrand film được công bố chính thức. Tất nhiên, thời điểm hiện tại ở Việt Nam, việc tráng film cine đã quá phổ biến nên không cần tốn kém mua 1 cuộn CineStill tẩy sẵn remjet làm gì, trừ khi…thừa tiền.

5. Kết luận

Nhìn chung, film rebranded không phải là xấu, vì nếu không tốt đã chẳng xuất hiện và tồn tại được tới giờ. Thậm chí nếu khéo tận dụng, nó sẽ giúp cho cuộc chơi đỡ tốn kém và vui hơn. Đến cuối cùng, mỗi người sẽ có lựa chọn cách của riêng mình: lao vào bất chấp cũng được, mà hiểu rõ mình đang làm gì cũng có điểm hay.  Chơi film, xét cho cùng, cũng chỉ là một trong muôn vàn thú chơi trên đời này thôi mà.


Có lần từng kể mình chính thức đến với nhiếp ảnh film là tầm cuối năm 2010 với bộ Pentax K1000 và lens SMC 50 f2. Ngay từ khi ấy, mình đã ham chụp đến mức đi đâu cũng mang máy theo, dù nhiều lần chả lôi ra chút nào. Theo thời gian, các máy của mình cũng được nâng cấp dần, từ cơ sang điện tử, từ nghiệp dư sang chuyên nghiệp, từ khổ nhỏ lên khổ trung, thôi thì đủ cả. Đến giờ còn mỗi film khổ lớn là vẫn quyết chưa thèm ngó tới vì quá cồng kềnh nặng nề. 
Dần dần mình…chán. Không phải là chán thiết bị, vì máy film vẫn là những cỗ máy cơ khí rất tuyệt vời với mình, mà là chán chụp. Việc thiếu ý tưởng mới khiến những lần bấm máy không còn sự vui thích như thưở ban đầu. Mình chụp ít dần, dù vẫn tích trữ film, vẫn còn 5 – 6 bộ máy film rất oách. Cho đến chuyến đi học Đài Loan, mình chỉ còn chụp máy ảnh khổ trung, và đỉnh điểm là tới chuyến đi Nhật, mình chỉ dùng…iPhone để chụp. Đến tận khi vào Sài Gòn, dù mang 1 bộ Olympus OM – 4Ti theo, thì nó vẫn không được động tới, cho đến một ngày….
Hôm ấy, vô tình thấy page bình luận về film của anh Poly dâm đãng và mê film, một cây bút mình khá thích từ thời ở diễn đàn Trái Tim Việt Nam. Bài mới nhất trên đó viết về Nhắm mắt thấy mùa hè. Nói thật mặc dù film chiếu rạp của Việt Nam đã tiến bộ cực nhiều, mình vẫn không thích lắm, nhưng thấy Poly khen nên quyết định đi xem coi sao, đằng nào cũng đang chán. Quả là không hề thất vọng chút nào! Nhận xét về film, đã có quá nhiều bài viết khen chê đủ cả. Với riêng bản thân, CLB nhiếp ảnh của Akira đã khơi lại trong mình niềm say mê với những khung hình film tưởng đã nguội từ lúc nào. Mình quay lại với nhiếp ảnh, và chụp với một tốc độ chưa bao giờ nhanh hơn, ý tưởng lại tiếp tục xuất hiện và đến giờ vẫn chưa chấm dứt.
Cũng vì sự truyền cảm hứng đó, mình quyết định mua 1 bộ Nikon F2, dù đã quá đủ máy chụp, coi như 1 cách tri ân Akira và CLB ảnh của anh. Chỉ có một điểm khác nho nhỏ là chiếc F2 của Akira là bản F2 Photomic, còn của mình là đời sau, F2A Photomic. Tất nhiên, nhiều máy chụp, cộng với việc bộ Nikon F2 này…nặng bà cố, nên khả năng cao là nó sẽ ít được dùng tới hơn các máy khác, nhưng…quan trọng vẫn là cảm hứng, bởi mỗi khi nhìn nó, mình sẽ nhớ tới nước Nhật, tới Akira, và sẽ có thêm cảm hứng nhắm (một) mắt để thấy cả bốn mùa qua ống kính.
P/s: Bộ ảnh đầu tiên dự tính thực hiện với chiếc Nikon này là chụp chiếc Rolleiflex của mình :))


Cách đây vài ngày, có bạn nhà văn – nhiếp ảnh gia trẻ xinh đẹp lên ném đá một lab nổi tiếng. Vốn cũng chỉ là một trong rất nhiều viên đá vớ vẩn thiếu hiểu biết tào lao mà nhiều người nhằm vào các lab, dù vô tình hay cố ý. Tự nhiên thấy thương mấy bạn làm dịch vụ.

Trước năm 2010, dân chơi film bị hạn chế về cả thiết bị lẫn film, thị trường không đa dạng như bây giờ. Tráng film ở HN có lab Hoà Bình, Đức Anh…, ở SG thì có Phương Quỳnh, Ảnh màu Sài Gòn…Tuy vậy, chất lượng tráng và scan khá thất thường, đa phần là trung bình tới tệ, rất ít khi có ảnh tốt. Anh em cũng chẳng có cách nào cải thiện, vì đen trắng thì còn tráng thủ công được chứ film âm bản và dương bản thì không phải ai cũng biết và đủ khả năng làm. Sau đó anh Hưng, nhân viên của lab Hoà Bình, cũng là một người chơi, tách ra mở lab ở số 10 Hàng Bè, cũng đặt tên là lab Hàng Bè luôn, đây chính là tiền thân của Xlab hiện tại. Khi mới mở, mọi người cũng rất ủng hộ, nhưng tiếc là sau một thời gian hoạt động, có một số trục trặc nên phải tạm ngừng, và mọi chuyện lại quay về tình trạng cũ. Mình mới chơi, kỹ thuật còn kém nên cũng không biết ảnh xấu do mình hay do lab, nhưng khá nhiều đàn anh lâu năm phàn nàn về chất lượng tráng scan. Đỉnh điểm là đầu năm 2012, khi anh Tú Zone5 bị lab Đức Anh làm hỏng bộ ảnh nude đầu tư bao công sức. Biến đau thương thành hành động, sau hàng loạt cân nhắc đắn đo, tham khảo ý kiến mọi người, anh Tú mở lab Zone5 để phục vụ chính mình và anh em. Ban đầu lab đặt tại số 5 Nguyễn Thượng Hiền, cạnh hồ Thiền Quang, kết hợp café và tráng film. Mình nhớ những ngày ấy giống như ngày hội của giới chơi film, ngoài chuyện anh em nô nức qua lab ngồi, gửi film về còn lên diễn đàn lập topic post ảnh động viên. Chất lượng thì khỏi nói, cải thiện rõ rệt so với trước đây.

Làm nhiều tất nhiên có sai sót, đây là chuyện khó có thể tránh được ở bất cứ ngành nghề nào, Zone5 lại càng không ngoại lệ. Bên cạnh lời khen của số đông, một thời gian sau bắt đầu có những phàn nàn của một vài nguời. Thời gian này cũng xuất hiện một lab khác ở HN là AEG lab (AEG là viết tắt của Anh Em Group) do anh Thanh ở báo Nhi Đồng lập nên. Điểm đặc biệt là anh làm một mình ở nhà, khá cẩn thận và nhiệt tình nên nhiều người thích. Một thời gian sau, Zone5 chuyển sang địa chỉ mới, đầu tiên là Quán Thánh, sau đó là Trần Quốc Toản. Lab cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Tú và các anh khác vẫn duy trì hoạt động. Giai đoạn này mình chụp nhiều, lúc thì gửi AEG, lúc thì gửi Zone5, tuỳ xem tiện đường bên nào. 2/86 Trần Quốc Toản cũng là địa chỉ cuối cùng của Zone5. Tầm giữa 2015, Zone5 chính thức ngừng hoạt động. Về sau, anh Tú hợp tác với một số người, mở ra lab 36+, rồi tới lab Nadar. Tuy vậy, hiện anh đã chuyển vào Nam sinh sống và tạm rút khỏi mọi hoạt động của các lab. Có thể nói thời điểm Zone5 mở cửa là một mốc đáng nhớ với cộng đồng chơi film Việt Nam, đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ xuất hiện các lab của người chơi lập nên để phục vụ chính cộng đồng chơi film. Cũng nhờ Zone5 mà mình quen được rất nhiều bạn bè tốt trong giới này.

2013 là một năm vui với giới chơi film. Ngoài AEG Lab còn ghi dấu sự xuất hiện của 2 lab mới là Quang Nguyen lab ở Hà Nội và Croplab Sài Gòn. Quang Nguyen lab do anh Quang, thành viên của CLB Leica lập nên, ban đầu hợp tác với Hoàng, chủ Sáng Studio, sau đó tự làm. Đây là lab đầu tiên tráng film đen trắng và cine tự động hoàn toàn, cũng là lab tráng film cine đẹp nhất, đúng chất film nhựa nhất tính cho đến thời điểm hiện tại. Đáng tiếc là sau tầm 2 năm, lab đã ngừng hoạt động.

Croplab thì có lẽ quá nổi tiếng rồi, không cần phải nói thêm nhiều nữa. Mình biết đến Crop từ những ngày đầu, nhưng chủ yếu là…mua film vì giá tốt, chỉ đến khi chuyển vào SG mới sử dụng dịch vụ tráng film ở đây. Có thể vài người không quen với cách nói một số bạn bên Crop, nhưng không thể phủ nhận Crop đang vận hành rất tốt. Nhận xét cá nhân, Crop là lab có cách làm việc chuyên nghiệp nhất và cũng là lab lớn mạnh nhất Việt Nam hiện nay.

Năm 2014, một lab mới tiếp tục xuất hiện là Llab của anh Linh. Đây cũng là một lab khá chuyên nghiệp, chất lượng tráng scan ổn. Điều làm nên sự đặc biệt của Llab là ngoài nhận tráng và scan film thì lab nhận rọi ảnh thủ công và dịch vụ tự tráng film đen trắng tại chỗ cho những người thích tìm hiểu.

Như vậy, tính đến thời điểm bài viết này ra đời, có 6 lab by filmers and for filmers còn hoạt động tại Việt Nam là AEG, 36+, Nadar, Xlab, CropLlab. Nhìn lại quá khứ cũng như so với một số nước thì đây là một sự phát triển mạnh mẽ của giới chơi film Việt Nam, chưa kể giá tráng scan có thể nói là rẻ vô địch so với chất lượng dịch vụ mang lại.

Mình chơi film từ năm 2010, chứng kiến sự hình thành, phát triển và thậm chí lụi tàn của các lab do người chơi lập ra, cảm thấy có chút ngậm ngùi. Mấy hôm trước lên tìm thông tin tráng film đen trắng, chợt gặp lại topic về lab Zone5, nghĩ rằng nên viết lại một chút về thời kỳ ấy, có lẽ như một cách ghi công tất cả những anh em đã bỏ công phục vụ cộng đồng chơi film đó giờ, cũng là hoài niệm về những người bạn đã sống hết mình cho một thú chơi của bản thân.


Vivan Maier là một nhiếp ảnh gia đường phố sống tại Chicago, Mỹ vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX. Bà làm vú nuôi cho các gia đình giàu có, và nhiếp ảnh chỉ là một sở thích, một niềm vui ghi lại những khoảnh khắc đời thường. Điều đáng nói là khi người ta phát hiện ra những tác phẩm của bà thì vẫn còn cả ngàn cuộn film được bà chụp nhưng chưa hề được tráng rửa.

Thông tin thêm về Vivian Maier thì có thể dễ dàng tra cứu. Tuy vậy, một câu hỏi lớn có lẽ sẽ nảy sinh với bất kỳ ai đọc đến đây là: Tại sao bà chụp nhiều như vậy mà không tráng rửa? Chẳng lẽ bà không muốn xem lại, chia sẻ những tấm ảnh của mình với mọi người? Điều này càng trở nên đặc biệt nếu so sánh với việc người người đi chụp ảnh, ai ai cũng up ảnh lên các trang web về ảnh, các mạng xã hội trong thời đại hiện nay. Một topic về Vivian Maier tại vnphoto cũng đã thu hút được kha khá các thành viên kỳ cựu phân tích mong tìm được câu trả lời cho nghi vấn này.

Khi mới chụp ảnh, tôi cũng như bao người khác, luôn cố tìm trong số ảnh mới nhất những bức khá khẩm để đưa lên, như một kiểu thể hiện, chia sẻ sở thích, góc nhìn cũng như mong nhận được một ít gạch đá để sửa chữa lỗi kỹ thuật, và đôi khi, là tìm được ý tưởng mới. Dần dần theo thời gian, số ảnh tôi chụp ngày càng nhiều hơn, kỹ thuật cũng đã tiến bộ, biết cách thể hiện cho người xem hiểu được ý tưởng của mình, ở một chừng mực nào đó.

Dù vậy, sự hứng khởi được up ảnh lên để chia sẻ lại nhạt dần đi. Đôi khi việc up ảnh chỉ là để facebook của mình khỏi đóng bụi quá lâu, và việc nhận được bao nhiêu like, bao nhiêu lời khen hay góp ý cũng không còn là chuyện đáng để quan tâm nữa.

Thậm chí đôi khi film được tráng và scan lên, cũng chỉ xem một, hai lần trước khi đưa cho Superman thực hiện khâu hậu kỳ để đưa lên web cá nhân.

Chuyện gì xảy ra vậy?

Phải! Tôi vẫn yêu thích chụp ảnh, vẫn đi tìm những chủ đề, những góc nhìn thú vị, vẫn vác máy đi lang thang những ngày cuối tuần, hay thậm chí đơn giản là khi bất chợt một ý tưởng nảy ra trong đầu. Nhưng có một điều gì đó đang xảy ra khiến tôi không còn nhiều cảm hứng khi xem lại những bức ảnh mình chụp đến lần thứ hai, thứ ba nữa.

Trước mỗi lần chụp, tôi vẫn căn chỉnh kỹ từng chút một mong tìm được những góc cạnh thích hợp, vẫn cân nhắc các thông số để ra được bức ảnh đúng với ý đồ của mình, nhưng thay vì cái cảm giác đơn thuần là ghi lại một hình ảnh đẹp nào đó, giờ đây trong tôi như hình thành thêm ý niệm về thời gian - khoảnh khắc bấm máy. Lúc ấy, tôi có cảm giác như chính mình cũng hoà vào khung cảnh ấy, và mặc dù không xuất hiện trong tấm ảnh, nhưng một khoảnh khắc cuộc đời của tôi, với tất cả những cảm xúc, suy nghĩ, kinh nghiệm khiến tôi bấm máy, đã lưu lại trên bản film vậy. Cảm giác thoả mãn này, dường như tôi đã sống trọn vẹn trong đúng khoảng thời gian từ khi màn trập mở ra cho đến khi đóng lại, ngắn ngủi nhưng đầy đủ. Khi bạn sống, với đúng nghĩa của từ này, trong từng khoảnh khắc, thì khoảnh khắc ấy là hoàn hảo, và còn gì phải hối tiếc để suy đi tính lại đây?

Tôi vẫn xem lại những tấm ảnh mình đã chụp, chỉ để xem mình đã thể hiện tốt ý tưởng chưa.

Vậy nếu một người đủ tự tin vào kỹ thuật của mình thì sao?

Có lẽ đến cuối cùng cũng chẳng ai biết chính xác nguyên nhân bà Maier không tráng rửa số film đã chụp. Đó là chuyện của riêng bà, nhân loại thì may mắn vẫn lưu giữ được những tác phẩm nhiếp ảnh để đời. Còn tôi, câu chuyện của bà giúp tôi được nhìn lại một chút về quá trình chụp ảnh của mình, quãng thời gian ngắn nhưng tràn đầy niềm vui. 

Nói thêm một chút, hồi đi tập Vĩnh Xuân, sư phụ vẫn hay nói đến việc "sống trong từng khoảnh khắc". Hồi ấy chỉ hiểu mà không cảm được, giờ mới có chút ít khái niệm. Tiếc là tay chân thì vẫn lởm!


1. Hình thức


Mỗi cuộn film được bọc bên ngoài bởi nilon, bên trong là lớp giấy bọc lấy bản film như các loại film 120 khác. Mỗi hộp có 5 cuộn.

Đối với film 120, sau khi chụp xong và tua hết cuộn , luôn có một dải băng giấy ngắn để cuốn và giữ cho film khỏi bung ra, tránh lộ sáng. Đa phần băng giấy này có bôi sẵn một lớp hồ, thấm nước là dính được. Riêng film của Fuji băng giấy này là băng dính, chỉ cần kéo ra là dán kín được luôn. Một chi tiết nhỏ nhưng khá tiện cho người dùng.

2. Thông số kỹ thuật

- 1 cuộn film chụp được 12 kiểu 6x6 (cuốn khéo được 13 kiểu, nhưng mình chưa thử bao giờ)

- Đây là film âm bản chuyên nghiệp của Fuji, mặc dù không in trên hộp nhưng theo thông tin từ www.fujifilm.com thì film được tích hợp công nghệ lớp màu thứ 4 nổi tiếng của Fujifilm

- Thích hợp sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên theo nhà sản xuất thì đặc biệt phù hợp để chụp trong đám cưới, chân dung hoặc thời trang.

- Có thể sử dụng tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau như trời nắng, âm u, trong nhà. Màu sắc khá tươi tắn và trung tính, ít bị ngả về tone màu nào. Đặc biệt màu da người lên khá thật và mịn.

3. Sample

Dưới đây là một vài bức ảnh sử dụng Fujicolor Pro 400H, tráng và scan tại Lab Zone5

4. Kết luận

Film có chất lượng tốt, xứng đáng được gắn mác Professional. Tuy vậy, tại thời điểm bài viết này ra đời thì không hiểu sao B&H Photo không nhập thêm về nữa, vì thế chỉ có thể mua từ Amazon và Adorama với mức giá cao hơn. 



Vậy là đã bắt đầu một năm Âm lịch mới. Năm nào cũng bắt đầu ngày mùng 1 bằng việc khai bút. Năm nay thì dậy sớm đi chụp ảnh như mọi người, và khai bút bằng việc post bài lên web đây :)

Để xe ở Việt Đức, vốn định ra thẳng Hàng Ngang - Hàng Đào, tự nhiên lại thèm cảm giác yên bình khi nghe chuông nhà thờ, bước chân rẽ qua phố Ấu Triệu. Ngày Chủ nhật nên mặc dù là mùng 1 Tết, các giáo dân vẫn đi lễ. Tôi cũng tìm được một chỗ ở hàng ghế cuối để, lần đầu tiên trong đời, nghe giảng đạo. Vừa nghe vừa cảm thấy kính nể những người đã dịch các bài giảng, bài hát từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, nội dung thì tôi không rõ đúng đến mức nào, nhưng chất thơ trong những bản dịch ấy thì không thể chối cãi.

Nhà thờ Lớn tuy không hoành tráng khi so sánh với các nhà thờ nổi tiếng trên thế giới nhưng kiến trúc tinh tế, nghệ thuật của nó vẫn khiến người ta thích thú. Mái vòm cao, uốn cong và rộng theo kiểu Gothique. Các ô cửa kính nhìn từ ngoài  không có gì đặc biệt, nhưng bên trong lại là những bức tranh Thánh bằng kính màu. Hôm nay trời nhiều mây đã thấy rất đẹp, không hiểu giữa mùa hè đầy nằng còn tuyệt thế nào nữa! Khu cung thánh, theo wiki, được chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất đẹp và chi tiết. Có một điều hơi lạ là ngoài cửa có biển cấm chụp ảnh, quay film nhưng vào trong mới thấy việc này cũng không bị cấm đoán cho lắm, miễn là đừng làm phiền các giáo dân đang cầu nguyện. Tranh thủ lúc xong buổi giảng, các giáo dân ra về, tôi bấm được vài kiểu cả đen trắng và màu. Riêng chuyện này thôi đã có thể xem là thu hoạch lớn của ngày hôm nay.

Quay trở lại với công cuộc lang thang phố cổ. Thực ra ngày thường cũng đã dạo bước chán ở khu này, có cảnh nào đáng chú ý đa phần đã bị các tay máy khai thác sạch. Thế nên chụp gái xinh xoá phông thì năm nào đi cũng có cái mà chụp, chứ chụp nhà cửa như mình muốn tìm những góc lạ hay tạo được cảm hứng cũng không phải dễ.

Có đi mới thấy Tết bây giờ cũng không giống trước. Ngày mùng 1 đã có vài cửa hiệu mở cửa, không tính mấy hàng ăn như kiểu KFC hay Lotteria. Phố phường cũng nhiều xe qua lại hơn, trong đó có một phần kha khá là dân chụp ảnh như mình.

Lang thang qua Ô Quan Chưởng, thấy thầy Bình đang đứng với học trò lớp mới. Làm hớp rượu gạo, bấm hộ mẫu mấy kiểu rồi hai thầy trò vác đồ qua Hàng Bạc. Thế quái nào lại gặp chú Đạt đang ngồi cafe với bạn ở đây. Nói chuyện với những người hiểu biết bao giờ cũng rất vui. Tiếc là cũng gần trưa nên không ngồi với nhau được lâu.

Trên đường về, bấm thêm được 1 - 2 kiểu nữa. Thế là tạm xong khu phố cổ. Mấy hôm nữa sẽ qua các địa bàn khác.

Phần còn lại của ngày thì rặt ăn với ngủ, cũng không có gì đáng bàn đến.


19/05
2012

Không phải mới tập tành chụp ảnh đêm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi với nhiều người, và cũng là lần đầu tiên có một lộ trình cụ thể rõ ràng.

Từ cổng cấp cứu Việt Đức, 4 người chúng tôi đi bộ ra Hồ Hoàn Kiếm, địa điểm quá quen thuộc của dân chụp ảnh, đặc biệt là những người thích thể loại streetlife. Chính tôi cũng đã vô số lần dạo quanh hồ, cả bằng chân lẫn ngựa sắt, cả ban ngày lẫn ban đêm để tác nghiệp nên việc ra đây chỉ đơn giản mang tính khởi động, kiểm tra thiết bị và hy vọng có thể bắt được một góc nhìn, một khoảnh khắc nào đó là lạ mà mình đã vô tình bỏ qua trong những lần trước.

Do những người bạn tôi đã phát ngấy với việc uống cafe suốt từ 6h chiều nên chúng tôi khởi hành sớm hơn dự định khoảng 1 tiếng, và mặc cho việc nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển để thời gian qua mau, Hồ Gươm lúc 1h đêm vẫn đông. Người ta ra hồ tránh nóng và tiết kiệm điện trong cái thời kỳ vật giá thì leo thang còn lương tháng thì vẫn thế. Tất nhiên trời nóng không phải là nguyên nhân khiến người ta thay đổi những hành động thường làm khi ngồi ghế đá nên cả nhóm cũng không dễ gì tìm ra những vị trí có thể thoải mái ngắm nghía mà khỏi vi phạm sự riêng tư đang được thể hiện thoải mái bên hồ. Một chút trục trặc với chiếc Rolleiflex khiến tôi bị hỏng mất vài kiểu, nhưng những buổi như thế này không phải là lúc để dằn vặt về sự phí phạm.

Qua nửa vòng hồ là đến phố cổ. Đèn đường không bật khiến chúng tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc quay về lấy xe để tiếp tục lộ trình đã định. Đi ngang khu Nhà thờ Lớn, lúc này chỉ còn mỗi quán Cháo bà Mỹ mở cửa, sau một hồi đi tới đi lui giơ lên hạ xuống, tất cả rút ra kết luận là nếu hạ được hết mấy đường dây điện xuống thì hẳn sẽ có những bức chụp toàn cảnh nhà thờ rất đẹp.

Tiếng chuông nhà thờ đổ khiến tôi nhớ lại những ngày của 2 năm trước, khi tôi đang vướng vào một mớ gai chằng chịt của công việc và tình cảm, bất cứ một cử động, một suy nghĩ nào đều khiến mình cảm thấy mệt mỏi và chán nản, tôi đã có những người bạn ở bên chia sẻ, giúp tôi loại bỏ mớ gai ấy khỏi cuộc sống của mình. Một lần nữa, cám ơn mọi người!

Từ Việt Đức, lên cầu Long Biên.

Gió lồng lộng. Cây cầu dài tít tắp như phân thế giới làm hai nửa, bên phải đầy ánh sáng từ chính cầu Long Biên và cả từ cầu Chương Dương chiếu sang, còn bên trái là cả khoảng không gian tối tăm. Bên ấy, phía trước chẳng thể thấy biên giới, còn bên dưới như vực thẳm không đáy khiến ta chợt cảm thấy nỗi sợ khi biết mình nhỏ bé trước màn đêm vô tận, và tiếng sóng vỗ ì ào dưới chân cầu như cuốn đi những mảnh can đảm cuối cùng còn sót lại trong ý thức.

May mắn thay, nỗi sợ ấy chỉ thoảng qua và cũng nhanh chóng theo cơn gió cuốn đi để nhường chỗ cho cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái thường xuất hiện khi đứng trước không gian rộng lớn, quang đãng. Chúng tôi lại tiếp tục thực hiện mục đích của chuyến đi. Tôi tìm được một vài ý tưởng thú vị, hy vọng là có thể truyền tải được hết qua những bức ảnh.

Đáng nhớ nhất là khi tìm được chỗ để trèo từ làn đường cho xe đi sang đường tàu hỏa. Đứa nào cũng trèo ra trèo vào, đứng lên ngồi xuống tìm góc chụp đẹp. Tôi đứng giữa đường ray, dựng chân máy rồi đi tới đi lui để lấy khung vừa ý. Một đứa tranh thủ lấy tôi làm mẫu chụp, thế mà ông tướng này lại không để ý thấy ánh đèn đầu xe lửa ở xa xa phía sau lưng tôi đang tiến lại. May sao mỗi lần chụp tôi đều cẩn thận nhìn cả hai phía nên kịp thời phát hiện ra, gấp gáp đưa máy nhờ người giữ hộ rồi trèo vào, nếu không e là giờ này tên mình đã ở khắp các mặt báo rồi chứ không phải chỉ là một cái nick bình thường giữa thế giới mạng rộng lớn nữa.

Trên đường đi chúng tôi gặp một nhóm nam nữ khá trẻ, giống một nhóm học sinh cấp III, đứng chơi, đến lúc về – hơn 2 tiếng sau – vẫn còn đó. Có lẽ đợi bình minh lên? Hôm qua lại là ngày bế giảng năm học nữa. Hình như thấy nhớ nhớ thời học sinh của mình.

Lượn qua chợ hoa ngửi chút hương và chờ đến bình minh, rồi ra hồ sen chụp mặt trời mọc. Mặc dù quyết định này là một sai lầm về mặt phương hướng – mặt trời mọc trên một dãy nhà cao tầng khiến cho khung cảnh kém phần thơ mộng – nhưng màu xanh mướt của lá điểm xuyết màu hồng của sen khiến sai lầm đó không gợn lên một chút khó chịu nào.

Kết thúc chuyến đi, như truyền thống của dân chụp ảnh, là quán phở sáng.

Chia tay nhóm bạn, tôi về nhận trực.


Trang 1 trên 212»

Trang chủ | Ảnh | Bài viết | Về tôi | Login

© 2012 NNSon.com - Xin ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin.