1. Trang chủ

    image
    Trang chủ
  2. Ảnh

    image
    Ảnh
  3. Bài viết

    image
    Bài viết
  4. Về tôi

    image
    Về tôi
  5. Liên kết

    image
    Liên kết

Danh ngôn sống đẹp

Pu Pu - Kal Kally - Seperator

Hãy tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương.


Forgive those who have hurt you.


Les Brown

 544 người thích      Thích

Danh ngôn hành động

Pu Pu - Kal Kally - Seperator

Tôi chẳng biết ai làm nên chuyện lớn hoặc tới được địa vị cao mà lại nằm ngủ nướng vào buổi sáng.


I never knew a man come to greatness or eminence who lay abed late in the morning.


Jonathan Swift

 3 người thích      Thích

Đi chấm thi tiền lâm sàng. Cũng khá nhàn, bảng kiểm đầy đủ, chỉ cần tick vào từng mục là xong. Đại khái thì sinh viên nào cũng lặp lại một quy trình như thế, tất nhiên có kẻ nhớ hết, có người quên chỗ này chỗ nọ, đến mức mình thuộc lòng cả cái bảng, chả cần nhìn cũng chấm được.
Mọi chuyện cứ đều đều như thế cho đến một cậu sinh viên nọ, nhìn mặt có vẻ hiền và mọt sách. Vào thi, cậu ta tua một tràng cực nhanh đến mức mặc dù đã thuộc bảng kiểm thì mình vẫn không định hình hết được thằng ku này đang nói cái gì. Nhìn tay hơi run, mình đoán là mất bình tĩnh nên bảo:
- Cứ từ từ em, bình tĩnh mà làm. Không có gì phải sợ cả!
Nhắc xong, độ run thì có giảm còn tốc độ nói thì thay đổi không đáng kể. May mà cái quy trình tiêm mông cũng ngắn chứ dài thêm chắc là khỏi hiểu nổi ông tướng này đang nói gì mất!
Hoàn thành bài thi, chuông báo hết giờ chưa kêu, cậu ta mon men lại gần mình, tưởng muốn biết điểm, nhưng câu hỏi lại bất ngờ hơn thế:
- Thầy ơi, lúc nãy em nói có nhanh quá không ạ?
- Cũng nhanh em ạ, lần sau đi thi em cứ bình tĩnh, không phải vội.
- Dạ, vậy thầy có nghe được không ạ?
- Vẫn nghe được, hơi khó thôi
- Dạ, em bị tật nói nhanh, đang điều trị bên Phạm Ngọc Thạch rồi, mà không biết có tiến triển gì không nên hỏi thầy ạ.
- Ừ, chắc là có em ạ. Hơi khó nghe thôi.
- Dạ, em cảm ơn.
Lúc ấy chuông báo hết giờ vang lên, cậu sinh viên chuyển bàn. Còn mình chợt thấy tội tội. Nói chuyện khó khăn vậy, đi thi ắt gặp nhiều trở ngại. Mà cứ cho là qua thời sinh viên ổn thoả đi nữa thì sau này ai dám nói sẽ dễ dàng giao tiếp với bệnh nhân, nhất là giữa thời đại có cả một combo các đường dây nóng luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu như bây giờ....Thôi, chỉ mong sau 3-4 năm trị liệu nữa, em có thể nói được gần như bình thường để tiếp tục đi trên con đường gian nan này. Biết đâu đấy, ta lại gặp nhau thì sao

 


Nhân tháng cô hồn, giải đáp một câu mà hồi còn đi giảng mình hay hỏi nhưng chưa thấy ai đáp đúng: YHN có giảng đường 13 không?

Câu trả lời chính xác là: Đã từng.

Trường YHN có 3 đại giảng đường được thiết kế theo lối cổ điển, trong đó các hàng ghế được xếp theo dạng bậc thang, nhìn về phía bảng ở thấp nhất, là các giảng đường 5, 12, 14. Trong đó, giảng đường 5 ở khu nhà Hồ Đắc Di, giảng đường 12 ở tầng 1 và 14 ở tầng 3 nhà A3. Bên cạnh giảng đường 14, ở phía gần cầu thang có 1 căn phòng nhỏ. Đó chính là giảng đường 13. Có lẽ vì kiêng số xấu, đồng thời vì quá nhỏ nên mặc dù tồn tại nhưng đây cũng là giảng đường duy nhất không xuất hiện trên lịch. Trong suốt 9 năm học tại trường, chỉ có 1 lần duy nhất mình thấy có 1 lớp nhỏ tầm 3 – 4 người, có lẽ là sau ĐH, học Sinh học tại đây. Quãng 2014 – 2015 gì đó, trường cải tạo lại các khu nhà, giảng đường 13 chính thức bị xoá sổ.

Cũng liên quan đến giảng đường, cho đến trước năm 2015, có một giảng đường được xem đặc biệt “thiêng”, đã giúp bao sinh viên đỗ thủ khoa, á khoa nội trú, chính là giảng đường 2, nếu không nhầm thì đã chuyển thành 102, khu Hồ Đắc Di. Chuyện đa số những người tự học ở giảng đường này đỗ cao là có thật, nhưng thực ra có một cách giải thích đơn giản là nhờ nằm trong góc, nhìn ra vườn cây, lại ở xa nhà vệ sinh hơn giảng đường 1 nên ngồi đây yên tĩnh và dễ tập trung. Hồi đó, chỗ ngồi ưa thích của mình là bàn cuối cùng dãy thứ 2 từ ngoài vào. Ngồi bàn cuối vì được dựa lưng vào tường khi mỏi, lại chả bị ai soi khi làm việc riêng. Dãy thứ 2 từ ngoài vào vì lối đi giữa dãy 2 và dãy 3 là rộng rãi nhất, và chỗ này có cái ghế cao hơn bình thường một chút. Lúc ấy mình bị chấn thương gối bên trái, ngồi ghế thấp hơi gập gối là đau chân, ghế cao thì đỡ hơn. Thế nên hồi đó đóng đô luôn ở bàn này, buổi đêm trước khi về cứ để sách vở lại là xong. Lúc ấy được vợ chồng chú Hoan, chuyên đóng mở cửa giảng đường quý lắm nên không sợ mất. Về sau này thì thay đổi hình thức thi nên đám sinh viên ăn ngủ và ôn thi tại giảng đường luôn. Đám ấy chưa đỗ thì cũng đã là “Nội trú” giảng đường rồi. Bọn bạn hay bảo “Nội trú” giảng đường khoá 1 chính là mình


Một tua trực cấp cứu nọ tại BV Việt Đức, NT Minh gọi NT Sơn vào phụ mổ vết thương bàn tay, vừa mổ vừa giảng giải:
- Đấy, kỹ thuật nối gân này gọi là Kessler cải tiến. Bây giờ anh với chú cùng siết chỉ.
- Dạ, dạ!
Mồm thì dạ mà thằng bé vẫn lóng ngóng không hiểu ý ông anh, và thế là:
- Giời ơi, anh bảo mày siết cùng lúc cơ mà. Tao thấy thằng Ngọc nó bảo mày phụ mổ cũng nhiều rồi, sao lại chả biết gì thế hả Sơn!
- Dạ, dạ...
...
Chớp mắt đã chục năm, NT Minh giờ là Tiến sĩ Minh, người được nhắc đến trong cặp Song sát “Ngoại Minh - Nội Hùng” của YHN, còn NT Sơn vẫn là...BSNT Sơn, vẫn mài mặt học bài :))


Được điều đi Hội chẩn liên viện ở BV Bệnh Nhiệt đới, sau khi hỏi sơ tình hình thì quyết định đem theo đồ nghề chuyên dụng, vì tiên lượng sẽ phải làm thủ thuật tại chỗ luôn. Tới nơi thì đúng như dự liệu, thế mà vẫn phải chờ gần 2 tiếng, vì ở đây không có khoa Ngoại nên dụng cụ bình thường với mình thì họ cũng phải chuẩn bị khá lâu. Làm thì nhanh thôi, máu me nước tiểu hơi nhiều nhưng vì cẩn thận nên cũng may không dây ra chỗ nào. Đến khi ra ghi hồ sơ, tự dưng thấy có dòng HIV, mình mới quay sang hỏi cậu bác sĩ:
- Ủa, bệnh nhân này HIV hả em?
- Dạ vâng anh, shock nhiễm trùng, lao phổi, HIV nên nặng lắm, may mà điều trị giờ tạm ổn, hi vọng cai được máy thở
- Hả, sao không nói sớm để anh mang thêm găng đội thêm mũ?
- Ơ, thì em tưởng anh biết rồi. Khoa này là khoa chuyên điều trị HIV, cả chục BN anh thấy đây toàn HIV cả đó ạ.
- Má ơi, tôi qua đây lần đầu mà, sao biết hả trời!!! May mà nãy làm cẩn thận không bị bắn gì á!!!
Nhớ hồi trước, có 2 ông anh đi mổ cấp cứu lóc da đùi, bệnh nhân là người quen nhân viên trong viện nên được ưu tiên làm sớm. 2 ông hì hụi vào mổ xẻ, đánh rửa cẩn thận lắm, nước thấm ướt cả áo mổ, tinh thần vẫn phơi phới. Đến lúc ra thì chị nhân viên gặp mới bảo:
- Chị cảm ơn nhá, may quá có 2 chú. Mà sao lại mổ ở phòng đó?
- Ơ, thì mổ cấp cứu không ở đó thì ở đâu?
- Mổ phòng hữu trùng chứ, thằng này nó điều trị ARV mấy năm rồi mà (thuốc điều trị HIV).
- Hả?!!
- Ơ, thế không ai nói à?
- Không, có ai nói bọn em đâu!!!
Một trong hai ông kể lại cho mình vụ này với nụ cười hơi méo, xem ra tinh thần bớt phơi phới không ít.
Thật ra HIV hay không thì vẫn làm thôi, có gì đâu. Chỉ là biết thì tự trang bị đồ bảo hộ tốt để tránh lây nhiễm, chứ nào có ai tránh né
Ở một khía cạnh khác, mình giới thiệu 1 BN HIV đi khám bs khác không cùng chuyên khoa. Sau khi thăm bệnh 1 hồi:
- Thôi, của em mổ đi. Cái này anh làm được.
- Dạ anh ơi, nhưng em đang điều trị HIV, phẫu thuật vậy thì có vấn đề gì không ạ?
Theo mô tả lại, anh kia đang viết thì thả cái bút rơi đánh cạch, rồi nói:
- Thế thì tôi không giúp gì được rồi.
- Dạ vậy nếu không mổ thì sao ạ?
- Thì để đó rồi tầm 10-15 năm sau có thể bị ung thư thôi.
- Dạ vậy bây giờ em cần làm gì ạ?
- Thay đổi thói quen sinh hoạt thôi.
- Dạ cụ thể như nào anh?
- Cái đó tôi không rõ
...
Xin phép miễn bình luận thêm!!!

P/S: Ảnh chụp khi đang ngồi trên xe về viện, nhìn chung vẫn khá đẹp trai


11/04
2020

  2 tuần gần đây khá nhiều cảm xúc. Bệnh viện tạm ngừng mổ phiên, nhưng cấp cứu thì vẫn phải làm, tất nhiên. Có ca bệnh, từ lúc vào đã tiên lượng trước, báo mổ gần như tức thì, thế mà mổ xong ra hồi sức vẫn shock tơi bời, giữa đêm còn phải hội chẩn đủ các cọc. May mà cuối cùng cũng thoát, về được khoa, rồi xét nghiệm ổn dần. Tiếc là không phải bệnh nhân nào cũng gặp may!
  Từ hồi sinh viên, mình đã nổi tiếng nặng vía, đến nỗi một giảng viên của Bộ môn Nội ở khoa Tiêu hoá Bạch Mai, vốn rất quý mình, trong buổi đầu tiên trực cùng đã phải thốt lên: “Bao nhiêu năm tao ở cái khoa này, chưa bao giờ cấp cứu ngừng tuần hoàn cùng lúc nhiều như hôm nay”, và khi mọi chuyện tạm ổn, đã bảo mình: “Hay thôi, tao cho mày về khỏi phải trực, kẻo đêm nay lại cấp cứu tiếp thì…”. Hồi Nội trú thì khỏi nói, có giai đoạn đến mức bị Cọc I (trưởng tua trực), mặc dù cũng rất quý, treo dao không chính thức vì vía quá nặng, còn thằng Tuân cùng tua cùng giường thì đưa ra công thức: “Bệnh nhân nặng + Nội trú Sơn = Nặng về”. Mãi về sau này mới đỡ dần dần. Đến khi chuyển vào Sài Gòn, mình né được suốt 2 năm, cho tới gần đây lại liên quan tới 1 ca như vậy…
  Có mù cũng thấy vũ trụ điện ảnh Marvel ngoài Thanos còn cả mớ các villain, còn thế giới loài người ngoài Covid – 19 còn cả lô bệnh nguy hiểm khác. Thế nhưng có một điều ngược đời là dân mình, lời bác sĩ dặn thì không nghe, lại rất tin mạng xã hội và báo chí. Bởi vậy, giờ ai cũng lo sốt vó Covid – 19, nhưng có những chuyện liền kề đến bản thân thì lại chả quan tâm. Không ít lần khi soi rút JJ (một loại sonde đặt từ thận xuống bàng quang), mình test thử bằng cách hỏi bệnh nhân có mấy ống trong người, đặt bên nào…thì đều nhận được câu trả lời: “Không biết bác sĩ ơi”!!!, dù giấy ra viện ghi rất rõ, và bác sĩ nào cũng dặn. Bởi vậy mới có nhiều trường hợp quên đi rút sonde và xuất hiện biến chứng, đôi khi rất nặng…
  Ca lần này có lẽ là kỷ lục về thời gian quên sonde. Bệnh nhân được đặt JJ bên trái loại 1 năm, thế nhưng thay vì sau 1 năm đi khám thì lại để nguyên đó, và chỉ đến khi được đưa vào viện trong tình trạng shock nhiễm khuẩn thì tất cả mới ngã ngửa khi biết trong người bệnh nhân còn cái sonde JJ suốt 10 năm trời chưa rút, đến mức đầu dưới sonde đóng 1 cục sỏi to đùng chiếm trọn lòng bàng quang. Tình trạng khi vào nặng đến nỗi tua trực chỉ có thể can thiệp tối thiểu là dẫn lưu thận phải dưới siêu âm. Sau đó bệnh nhân chuyển lên ICU nằm hồi sức.
  Sáng hôm đó, mình được gọi vào phụ mổ tham vấn. Sau khi thăm bệnh, các thầy quyết định can thiệp lần 2, lấy sỏi và dự kiến cắt đầu dưới của sonde. May mắn làm sao, khi vào mổ thì không chỉ lấy được sỏi mà còn rút nguyên được sonde ra. Vậy là quyết định đặt luôn JJ 2 bên và dẫn lưu bàng quang, hi vọng dẫn lưu tối đa nước tiểu ra ngoài. Sau mổ, bệnh nhân lại về ICU nằm, tình trạng có lúc cải thiện nhưng vẫn không ổn định. Cuối cùng gia đình quyết định xin về.
  Thực ra ngay khi vào, mình đã biết ca này mổ thì không khó những tiên lượng cực nặng. Có điều còn nước thì còn tát, một tia hi vọng cũng cố mà giành lấy. Đáng tiếc Y học có giới hạn…Hôm biết bệnh nhân xin về, không bất ngờ mà hơi cảm thán. Nói “Giá mà…” cũng chẳng để làm gì, nhất là sau khi đọc tin về một chị biên tập viên ở VTV, chuyên dạy kĩ năng mềm cho người ta nhưng lại kì thị y bác sĩ một cách thiếu hiểu biết, rồi gần đây thì dân tình Thủ đô sau khi ở nhà tù chân quá thì đã quyết định gửi trọn niềm tin cho Y tế mà…ra đường, thì có lẽ những ca như kia sẽ còn gặp dài dài. Chắc chỉ còn cách gắng làm và chịu khó…khấn vái Trời Đất thôi vậy.


Ngồi khám, chợt giật mình khi gặp bệnh nhân hao hao giống thầy Bách, một phiên bản miền Nam gầy và cao hơn. Về phòng bác sĩ, lại nằm nghĩ miên man.

Năm 2019 là tròn 15 năm ngày mình bước chân vào YHN, và cũng là 15 năm ngày thầy mất. Ông ra đi trước khi mình nhập học khoảng 6 tháng. Vì thế, mặc dù biết đến thầy từ khá lâu trước đó qua báo đài, qua lời kể của bố, đến cuối cùng mình chưa bao giờ được gặp trực tiếp, được nghe ông giảng một lần nào. Còn nhớ ngày thầy mất, bố về nhà nói với mẹ, giọng bàng hoàng: “Trâm ơi! Thầy Bách mất rồi.”, còn mẹ thì sững lại như khi nghe nhắc đến một người thân thiết lắm. Những ngày sau đó, câu chuyện chính giữa bố và mẹ là cách mọi người phản ứng ra sao trước việc này, từ bệnh viện Việt Đức tới trường YHN, và cho tới tận cả những người dân bình thường vốn chưa hề tiếp xúc ông. Chẳng cần phải thông minh lắm cũng hiểu một con người được yêu quý và thương tiếc như vậy hẳn phải lớn lao đến nhường nào.

Có một sự trùng hợp nho nhỏ, là mặc dù không có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với cả hai cha con thầy Tùng, thầy Bách, nhưng mình lại chịu ảnh hưởng lớn của hai ông. Nếu như việc chọn làm thầy thuốc – một nghề tự do, không phụ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào – là vì đọc cuốn “Đường vào khoa học của tôi” của người cha, thầy Tùng, thì câu thầy Bách nói với cậu sinh viên Y3 ở bệnh viện St. Paul vào một đêm trực năm 1989: “Ở đời chả sợ cái đéo gì cả, chỉ sợ lẽ phải thôi.” đã định hình cách sống mà mình muốn hướng tới. Về sau này, khi đang học NT năm thứ hai, mình may mắn được nghe từ một trong số các đệ tử thân tín của ông về quan điểm đào tạo NT thầy định áp dụng mà chưa kịp, giúp ích cho mình khá nhiều trên quãng đường học và làm từ đó tới giờ.

 Càng lang thang nhiều trong Y giới, mình càng được nghe nhiều câu chuyện về ông. Có lẽ ông là người duy nhất có thể khiến cho các đàn em, vốn đều là những vị tai to mặt lớn của Y học miền Bắc, bỏ qua hết những tôn nghiêm mà cùng ngồi trên bãi cỏ uống rượu, cười nói mày tao trong một buổi lễ tưởng nhớ thầy mình được tham dự khi còn là NT năm nhất; có thể mắng những người thét ra lửa như PGs. Nguyễn Duy Huề, Gs. Trần Bình Giang…mà vẫn được họ yêu quý; có thể khiến một phẫu thuật viên không biết sợ là gì như Ts. Dương Đức Hùng khóc sưng cả mắt khi hay tin ông mất; có thể khiến cả bệnh viện Việt Đức hoạt động một cách rời rạc ngày ông ra đi…Những câu chuyện nói cả ngày cũng chẳng hết, và điều đặc biệt nhất là dù được kể từ những người yêu quý ông hoặc không, mình chưa bao giờ nghe bất kỳ một nhận xét gì tiêu cực cả.

15 năm đã qua, có nhiều thay đổi ở Việt Đức, YHN, và bản thân mình cũng trải qua nhiều bước ngoặt lớn. Nhưng dù có ra sao thì thầy Bách vẫn luôn là một tượng đài với bao thế hệ bác sĩ, trong đó có mình. Và mình tin những câu chuyện về thầy vẫn sẽ được lan truyền, theo cách này hay cách khác, để mọi người nhớ rằng trường Y đã có một người thầy như thế.

 

Sài Gòn, ngày 01 tháng 01 năm 2020

https://www.youtube.com/watch?v=C3GU5ukF5mQ


26/12
2019

- Bác Sơn! Trời ơi, em không biết bệnh nhân của bác HIV(+), em lấy máu mà không mang găng.
- Rồi xong, 6 tháng sau đi test nhé.
- Khồng, tay em có vết xước nào đâu.
- Ồ, ai biết được, có vết nhỏ xíu thì sao.
Đáp lại là cái lườm của cô điều dưỡng.
Nhìn chung bệnh kèm theo của bệnh nhân mà y bác sĩ ngán nhất khi làm thủ thuật – phẫu thuật là viêm gan C và “viêm gan I” (xác định qua test HCV và HIV), bởi bệnh lý nguy hiểm, lại đều lây truyền qua đường máu. Mà ngại thì ngại chứ bệnh nhân vẫn cần được điều trị, nên đối với HIV và HCV, bọn mình có mấy nguyên tắc như thế này:
- Phải tự xử lý bệnh nhân, không được tìm cách đùn đẩy cho người khác, trừ lý do bất khả kháng.
- Sinh viên và Nội trú năm nhất không bao giờ được phụ mổ HIV vì 2 lý do: Lý do chính là vì 2 đối tượng này chưa được hưởng chính sách, nên nếu chẳng may bị phơi nhiễm cũng không được phát thuốc dự phòng. Lý do thứ hai là vì chưa quen phụ nên có thể gây nguy hiểm cho mình và người khác.
- Thực hiện nguyên tắc “một chạm”, nghĩa là dụng cụ không được đưa trực tiếp cho nhau mà phải để lên khay và lấy.
- Bảo hộ đầy đủ: kính, đồ mổ không thấm nước, mũ…
Nhìn chung làm Ngoại khoa thì kiểu gì cũng phải mổ bệnh nhân HIV, chỉ là chuyện sớm hay muộn thôi. Ca HIV đầu tiên mình tham gia là một ca chấn thương, lóc da đùi, ngay từ năm đầu Nội trú (vi phạm nguyên tắc ;(), khi mới đi trực thêm vì đàn anh thiếu phụ. Khỏi nói, vừa làm vừa nín thở và rón rén tí một. Ca cuối cùng mổ ở Việt Đức là một em gái 14 tuổi bị vỡ bàng quang. Khi ấy mình đã tốt nghiệp, kíp mổ còn có Quyen NgoDang Hung nữa. 3 anh em đeo 3 cái kính bảo hộ đúng như kính lặn )
Mặc dù trang bị như vậy nhưng đôi khi vẫn có tai nạn xảy ra. Trong 3 năm mình học Nội trú, có 3 đàn anh của cùng 1 khoá bị máu HIV bắn vào mắt. Thế là vừa test, vừa uống thuốc dự phòng, vừa xa vợ 6 tháng liền. May mà đến giờ cả 3 vẫn đều âm tính 😀
Lúc nãy, tán sỏi cho bệnh nhân HIV, anh y cụ già cứ nhắc làm bình tĩnh, không có gì phải vội cả, mình thì vừa làm vừa nhìn ngó che chắn cẩn thận để nước không bắn vào người. Chợt nghĩ giá mà có cơ hội để các nhà đạo đức học thử dính đến mấy ca đó xem còn to mồm rao giảng về y đức nữa không, nhỉ ;)


13/08
2019



“…Cảm giác khi đứng trên bục nhận huy chương, cờ Tổ quốc được kéo và Quốc ca vang lên xúc động đến trào nước mắt…”

Câu trích không chính xác này là lời tâm sự của thầy Trắc dạy mình thể dục hồi cấp II. Tất nhiên, mình chẳng phải học trò cưng gì của thầy, có khi còn bị ghét nữa, nhưng đó lại là chuyện khác. Trong trí tưởng tượng của một đứa trẻ khi ấy, hình ảnh câu nói kia gợi lên có một sức hút lớn đến mức cứ lởn vởn mãi về sau.

Năm 17 tuổi, sau khi chán nản với việc học và lao vào tập như điên, mình được gọi đi đánh giải, đồng thời đứng trước quyết định theo thể thao hay về thi Đại học. Bố mẹ tất nhiên chả bao giờ đồng ý chuyện bỏ Đại học, và những câu chuyện buồn về các vận động viên khi hết thời lúc đó khiến mình từ bỏ giải đấu, và cũng đồng thời hiểu rằng hình ảnh bước lên bục huy chương nhìn cờ Tổ quốc, miệng lẩm nhẩm Quốc ca sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nữa…

…Tổng kết 2 ngày sinh hoạt của khối Niệu khoa trẻ tại Hội nghị Niệu khoa châu Á 2019, vốn không nghĩ sẽ đoạt giải nên khi người phụ trách đọc “Dr. Son Nguyen Ngoc”, mình chỉ nghe loáng thoáng và nghĩ là nhầm, đến khi tới “from Vietnam Urology – Nephrology Association” và nhìn mình cười, khi ấy mới dám tin là thật. Cảm xúc dâng trào lúc đó có lẽ khó mà sánh được với khi bước lên bục nhận huy chương, mà cũng chẳng có Quốc ca hay Quốc kỳ gì cả, nhưng vẫn là một niềm vui ngập tràn, chỉ thiếu điều nhảy lên giữa hội trường thôi. Nhất là khi kết thúc, được các bạn đồng nghiệp tới từ các nước ra bắt tay chúc mừng, mới lại càng xúc động. Một chuyến đi tuyệt vời, trước khi trở lại chiến đấu!

 


Thời tiết Hà Nội vẫn vậy, đỏng đảnh và khó chiều như gái mới lớn. Cả ngày âm u, rồi đến tối thì mưa lất phất, chẳng đủ to để ngập đường nhưng cũng làm ướt sũng kẻ đi xa. Phóng xe tới ngã tư, hắn ngập ngừng rồi rẽ vào con đường quen thuộc, quen đến mức có thể tránh từng chỗ lồi lõm một cách vô thức. Con đường về nhà như đưa hắn lại một quãng đời cũng bắt đầu bằng một đêm mưa.
Thực ra với khả năng thích nghi của con người, khi nhớ lại ai cũng thấy kỷ niệm đẹp, chứ lúc đang sống chính quãng thời gian ấy, chắc hẳn mệt lắm. Chẳng biết sau này thế nào, chứ thời của hắn Nội trú Ngoại ắt là khổ nhất. Làm thì như trâu, ăn chửi nhục như chó, mà ác một nỗi là khổ thế nhưng có thằng nào dám than chứ đừng nói không làm. Cứ thở ra 1 câu khổ xem, vừa bị chửi, vừa ngồi chơi xơi nước, đến nỗi van lạy đàn anh để “được” làm mới thôi. Đi khoa nào bệnh nặng cứ xác định đêm thì mất ngủ, ngày thì lơ mơ. Hắn từng bị ám ảnh tiếng chuông điện thoại đến mức đi ngủ cũng giật mình dậy vì tưởng nghe thấy chuông, định thần mất một lúc mới biết chẳng có gì xảy ra cả. 
Nói đến ngủ, một ước mơ xa xỉ của đám Nội trú. Thiếu ngủ liên miên khiến bọn hắn có thể ngủ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào: khi phụ mổ, viết bệnh án, cho thuốc, đọc sách, tâm sự với bạn gái…Chợp mắt được giây lát, cho đến khi cái hạnh phúc ngắn ngủi ấy bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại hay tiếng gọi của điều dưỡng. Có một mùa đông nọ, rét cắt da cắt thịt, hắn đành học theo Bác, thay viên gạch hồng bằng túi sưởi nhét vào chăn cho ấm trong khi lên khoa cho thuốc trước. Rồi đang ngon giấc, chuông kêu, thế là lại lóc cóc chạy lên khoa giữa đêm đông buốt giá, để rồi về thì chăn cũng lạnh lẽo, nằm co ro cả đêm đố ngủ nổi.
Ngoài công việc, thứ duy nhất thừa mứa với bọn hắn có lẽ là ăn uống. Khoản này thì khỏi nói, viện gần phố cổ, toàn quán ăn ngon, các anh thì thoải mái bao đàn em ăn để có sức làm. Hắn thích nhất sáng ra đi ăn phở Nhà thờ với đại ca, bát phở béo ngậy, đầy ụ, ăn no đến tận chiều, rồi tranh thủ làm cốc café trước khi chạy vội về mổ. Ừ, có lúc hạnh phúc là hắn đứng mổ, đại ca thì đứng sau nhìn và lẩm nhẩm theo nhạc Despacito. Khoảnh khắc ấy nhớ mãi không quên. Hay những đêm trực đông bệnh cấp cứu, gần 11h mới kéo nhau ra mì gốc cây, mỗi thằng làm 1 bát xì xụp cho đỡ đói. Mấy kíp đi mổ cấp cứu xong muộn thì hay ra Gà 1C. Chà, gà chặt, phở gà đùi, bún gà mọc…nhắc lại mà ứa nước miếng. Cái quán ấy, ban ngày là tiệm sửa xe, tối đến bán gà, đông khách phải biết. Có lần hắn còn gặp cả mấy diễn viên ở đó nữa. Sáng hôm sau hết tua, kéo nhau ra phở Nhà xác tổng kết tua trực, rồi thằng thì lên khoa, thằng đi mổ, thằng nào được về ngủ là vui vẻ nhất.
Khổ nhục như thế, nhưng đa phần bọn Ngoại lại thu hút các em gái xinh xắn. Chắc tại được rèn luyện trong lò lửa nên cũng có tí khí chất khác thường. Mỗi tội cũng không nhiều người thông cảm được cho tình trạng nhắn tin mà mãi không có hồi âm, hay cứ gọi điện là kêu “đang mổ”. Khổ vậy đấy!
Thế mà rồi hắn cũng sống sót qua cái lò ấy 3 năm, cũng có thể tự coi là sản phẩm tạm chấp nhận được, còn cần cố gắng nhiều hơn trong tương lai. Mỗi khi nghĩ lại, lúc nào cũng thấy tự hào vì từng mang 3 chữ “Nội trú Ngoại”.

Hà Nội, một đêm mưa dầm gió bấc.

P/S: Cái tựa này nhái lại một dạng bài báo bọn Nội trú rất hay viết, là “Nhân một trường hợp, điểm lại y văn” 😉 Chắc thằng nào cũng có ít nhất 1 bài như này.


28/11
2016

Đến hẹn lại lên, năm nay trường tôi tiễn 1 khoá SV ra trường với lễ tốt nghiệp và kỳ thi nội trú để đón 1 khoá SV mới vào trường với điểm chuẩn 27, mức điểm khẳng định thương hiệu của trường, làm bất cứ ai đã từng học tại đây đều cảm thấy tự hào. Với sự cho phép của các cấp Bộ Ngành, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ năm nay cũng đã đào tạo bác sỹ, và điểm chuẩn vào ngành này là 18 điểm. Nhiều ý kiến đã đưa ra, tất cả đều lo lắng khi có sự chênh lệch khủng khiếp đến vậy. Đa phần dùng những từ ngữ nặng nề kiểu “bác sỹ giết người”, như kiểu ngày mai các SV 18 điểm đó sẽ trở thành bác sỹ ngay vậy. Một số khác thì so sánh với các ngành thú y…
Một kỳ thi, cuối cùng cũng chỉ là một kỳ thi. Cái chúng ta cần là những người làm được việc hay cần những người thi điểm cao? Điểm cao có chắc chắn là giỏi hơn điểm kém? Điểm cao ra là chắc chắn sẽ làm được việc? Chúng ta đang hô hào cần thực chất, nhưng khi so sánh như thế, có phải chính mình lại đang quay lại cái lối mòn trọng thành tích không? Bác sỹ giết người ư? Có ai dám nói mình sẽ là Bác-sỹ-không-sai-lầm không? Sai lầm của bạn sẽ có thể tránh được nhờ cái mác của trường hay do nỗ lực học tập của bản thân?
Khi ĐHQG Hà Nội mở ngành đào tạo bác sỹ Đa khoa, cũng có ý kiến này nọ. Tôi đã từng được giảng các sinh viên ở trường này. Nói thẳng ra, các bạn có ý thức học hơn rất nhiều sinh viên Y Hà Nội, và nếu giữ được tinh thần đó, chắc chắn các bạn sẽ giỏi. Còn cứ giữ cái mác Y Hà Nội mà chẳng làm gì để nâng cao trình độ bản thân thì cuối cùng cũng chỉ được danh mà thôi, thậm chí có khi lại là cớ để dè bỉu của người đời.
Rộng hơn nữa, chúng ta đều biết ở các nước phát triển, để hành nghề Y, các sinh viên phải đạt đủ những điều kiện mà so với nó, việc hành nghề ở nước mình thật sự dễ dàng hơn rất nhiều. Liệu khi nhìn vào nước ta, họ cũng sẽ có suy nghĩ như bạn đang nhìn vào những sinh viên 18 điểm không?
Cuối cùng, cái gì cũng có giá của nó cả. Thông báo tuyển dụng của các bệnh viện luôn có điều kiện tốt nghiệp ở một số trường nhất định. Đại học Y Hà Nội chưa bao giờ nằm ngoài danh sách này, thậm chí một số nơi chỉ tuyển bác sỹ đã tốt nghiệp tại đây. Đó là cái giá của 27 điểm ngày hôm nay vậy.
Vậy nên lời khuyên cho tất cả các bạn đã đỗ, dù là trường nào: Bớt tự sướng nâng bi và chuẩn bị tinh thần học hành cho tử tế đi. Không tin cứ hỏi các anh chị vừa thi Nội trú xong sẽ rõ.

Trang 1 trên 3123»

Trang chủ | Ảnh | Bài viết | Về tôi | Login

© 2012 NNSon.com - Xin ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin.