
Mùa dịch, Sài Gòn đóng cửa hết tụ điểm ăn chơi. Thực ra trừ mấy rạp film và quán cafe thì những chỗ kia cũng chẳng làm mình bận tâm lắm. Cafe là chỗ hẹn hò, la cà với anh em bạn bè, còn rạp film, dù ít đi xem vì có mỗi mình, lại là món ăn tinh thần thiếu thì hơi bị buồn.
Vào dịp như thế này, người ta mới nhớ lại cơn đói văn hoá đâu đó 30 năm trở về trước. Sách vở thì ít, âm nhạc và điện ảnh trông chờ vào những người đi Tây về là chính, mà tất nhiên tiếp cận được nguồn này lại chẳng dễ gì. Giữa lúc ấy, vào ngày đầu tiên tháng 12 năm 1994, Fansland, đứa con tinh thần của anh Dũng Digital và những người bạn cùng yêu điện ảnh, ra đời. Kết hợp với phòng phát hành film Quân đội, đây là nơi giới thiệu các tác phẩm âm nhạc, nhạc kịch, phim âm nhạc, phim kinh điển của mọi thời đại và các phim hay, phim đoạt giải thưởng quốc tế của Việt Nam cũng như nước ngoài. Nói một cách không ngoa thì sự ra đời của Fansland là mốc quan trọng của việc thưởng thức điện ảnh ở Hà Nội khi đó. Từng có nhiều bài viết so sánh nơi đây với rạp chiếu bóng Thiên Đường trong bộ film đoạt giải Oscar cho film nước ngoài hay nhất năm 1989 – Cinema Paradiso. Không rõ những tác giả ấy có trải nghiệm gì, còn cá nhân mình, thật trùng hợp, những sự việc, cảm xúc mà gã trai Salvatore Di Vita trải qua nơi rạp chiếu bóng Thiên Đường cũng tương đồng với những gì mình đã trải qua với Fansland.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, đầu tháng 4 năm 2008, Fansland chính thức ngừng hoạt động. Mình còn nhớ tuần trước đó có lịch chiếu một trong những bộ fim hài hay nhất mọi thời đại của Mỹ, Some like it hot. Bận học, tặc lưỡi thôi để tuần sau mà chẳng ngờ rằng 31.03.2008 là buổi chiếu cuối cùng. Ngày đó không quen biết ai, cũng chẳng sinh hoạt trong câu lạc bộ hay nhóm nào nên chỉ biết ngày ngày đi qua với hi vọng lần nghỉ này là tạm thời, mãi về sau mới hiểu đã đóng cửa mãi mãi. Xét ra Di Vita còn được chứng kiến những giây phút cuối của rạp Thiên Đường, vẫn còn may chán so với mình.
Đến tận bây giờ, mỗi khi có dịp đi qua số 84 Lý Thường Kiệt, mình vẫn ngó vào cánh cổng sắt, nơi từng dắt chiếc xe đạp đi qua mỗi tối cuối tuần, hòng tìm lại chút cảm xúc năm nào.
…Những kỷ niệm một thời nông nổi,
Cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim…
Sài Gòn, giữa mùa đại dịch, xem Cinema Paradiso,
và nhân 12 năm buổi chiếu film cuối cùng của Fansland.
P/S: Trong ảnh là anh Nguyễn Quang Dũng - Dũng Digital, người sáng lập Fansland.
Chiều thu u ám, nhiệt độ Suwon khoảng 15-16 độ, không có lịch mổ, còn gì thú hơn nằm đắp chăn xem film kinh dị trong căn phòng ấm áp, mà ở Hàn thì tất nhiên nên chọn film Hàn trước rồi :) Đủ thứ yếu tố lằng nhằng ấy đưa mình đến với Train to Busan.
Có điều khá hay là mình xem film này sau khi đi tàu KTX tới Busan như trong film nên các trải nghiệm khi đi tàu được tái hiện khá rõ lúc xem film. Mà nếu xem trước chả biết có dám đi không nữa :P
Train to Busan là một film zombie dạng thảm hoạ với kết cấu tương đối quen thuộc như các film khác thuộc thể loại này: không có bắt đầu rõ ràng, cũng chẳng có kết thúc trọn vẹn. Nhìn chung dạng film này đều nhấn mạnh vào một số yếu tố như kỹ năng sinh tồn, khả năng phản ứng nhanh với tình huống khẩn cấp, tình cảm và cách hành xử của con người với nhau trong lúc nguy khốn, vân vân và mây mây. Vì thế, sự thành công hay thất bại của bộ film hoàn toàn phụ thuộc và tính logic của kịch bản cũng như khả năng diễn xuất của các diễn viên. Riêng ở khía cạnh này, mình cho rằng Train to Busan đáng xem giữa một rừng thượng vàng hạ cám các film thảm hoạ và zombie mà Mẽo chiếm phần lớn.
Không thể thiếu ở những film thuộc nhóm này là nhân vật anh hùng trung tâm, và trên chuyến tàu này, chúng ta có đến ba soái ca lận, thật hết sức dồi dào.
Ba chàng, đại diện cho ba nhóm tuổi quan trọng khác nhau trong xã hội, đồng thời cũng đại diện cho ba mối quan hệ chính yếu: tình vợ chồng, cha con, tình yêu đôi lứa. Tình bạn, có được đề cập qua, nhưng không ăn thua gì cho lắm. Đáng tiếc là kết film, cả ba đều…chết vì gái. Anh già nhất thì hi sinh cho vợ và cái thai trong bụng cô (cũng là con gái), anh thanh niên ra đi vì mong con gái mình được an toàn, và cháu trẻ trâu thì chấp nhận chết cùng người yêu.

Hồi giảng sinh viên, mình có bảo đàn ông khổ lắm có đứa nào tin đâu. Đến cả film mà đám đàn ông cũng hi sinh mạng sống vì phụ nữ cơ mà!!! Đùa vậy thôi, mình cho rằng diễn xuất của các diễn viên trong film ở mức khá tốt, và chắc sẽ lấy được kha khá nước mắt của những khán giả nhạy cảm, nhất là phụ nữ (Haizzz, cuối cùng cũng là hi sinh để được gái khóc!!!).
Tổng kết lại thì Train to Busan là một film hay và không nên bỏ qua, dù bạn có là người không thích film Hàn, như mình. Tất nhiên sau khi xem xong, mình vẫn có ý định đi Busan thêm lần nữa, bởi lần vừa rồi thời gian ngắn quá, lại dính đến hội nghị nên không thăm thú được nhiều. Có điều với tình trạng hiện tại thì chắc chỉ đi 1 mình thôi, chả có gái nào đi kèm như film đâu :(

Nửa đêm
Bóng đen bí ẩn lao về phía con tàu
Những tiếng gõ
Chấn động…Khoang lái bị cắt khỏi tàu…
Một hành khách có hành vi bất thường, giống như bị quỷ ám.
Bị giam trong một không gian chật hẹp, đối mặt với mối nguy hiển hiện ngay trước mắt nhưng lại rất mơ hồ, không một chút hiểu biết nào về nó, đám hành khách trở nên cuồng dại, mất đi sự sáng suốt cần có.
Kẻ bị ám, sau khi học tập, đã nhanh chóng giành được quyền kiểm soát đám người ấy.
…
Chưa có tập phim Doctor Who nào gây cho tôi cảm giác hồi hộp, lo sợ đến thế. Thậm chí tính đến các film kinh dị tạo được cảm xúc kiểu này với tôi thì số lượng cũng không nhiều. Lần đầu tiên Doctor hoàn toàn mất khả năng kiểm soát về tinh thần, bị con quỷ thao túng và nếu không nhờ hành động dũng cảm đầy sáng suốt của người nữ hướng dẫn viên không ai biết tên, hẳn Time Lord cuối cùng đã bị hành quyết, còn Donna thì mãi mãi kẹt lại nơi hành tinh kỳ lạ - Midnight. Cốt truyện không quá phức tạp, cũng không có những lời giải thích dài dòng, tập phim vẫn rất thành công trong việc tạo ra một không khí kinh dị, hồi hộp nơi người xem.
Một thông điệp nhỏ, cũng là sự thất vọng của Doctor: chính con người khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ để cho những cảm xúc tiêu cực lấn át lý trí, khiến cho một sinh vật lạ nhanh chóng học được cách kiểm soát và điều khiển họ. Bài học rút ra: Trong mọi tình huống, hãy cố gắng bình tĩnh. Rất khó! Nếu dễ thì nhiều thảm hoạ đám đông đã không xảy ra. Xét cho cùng thì con người vốn giàu cảm xúc mà!

Tuổi thơ, ai cũng từng mang nỗi sợ mơ hồ đối với những thế lực siêu nhiên và hẳn cũng mong chờ một anh hùng sẽ ra tay cứu mình khỏi chúng.
Thanh niên, người ta dễ có những rung động đối với người khác giới, và nếu đó lại là người đã gây một ấn tượng lớn trong tuổi thơ của mình thì quả là hoàn hảo.
Đường đời, có những lúc ta gặp khó khăn, hay thậm chí nguy hiểm, và do một duyên số tình cờ nào đó, một người xa lạ vốn không quen biết lại ra tay giúp đỡ.
Khi yêu nhau, đôi lứa thường muốn làm những điều lãng mạn như cùng ngắm sao đêm, nhìn bình minh lên, đắm mình trong hoàng hôn…Thời đại nào cũng thế, dân tộc nào cũng thế.
Một người ra đi với lời hứa sẽ quay lại, một người ở lại đợi chờ với bao hi vọng, bao mộng ước. Kẻ ra đi cuối cùng cũng về, chỉ để biết rằng 2 phút trước người kia đã mất, chỉ còn lại một lá thư chất chứa nỗi chờ mong khắc khoải chẳng biết nói với ai.
Nếu một đôi nam nữ phải chịu tất cả những trải nghiệm này, họ sẽ ra sao?
….
….
Yên nghỉ nhé, Reinette!
Bình yên nhé, Doctor!

Độ này bận quá, ít viết được cái gì nên hồn. Hôm nay cảm xúc dạt dào vì nhiều lẽ, ngồi lan man chút vậy. Cũng lâu lâu rồi mới có dịp ngồi xem phim với thằng em. Từ hồi mua được cái màn hình LCD cho PC thì không thèm xem DVDRip nữa, cứ m-HD mà down cho nó sướng mắt. Công nhận nét thì nét thật, phải cái dung lượng lớn nên down hơi mất công. Nhưng xét ra cũng đáng. Suốt ngày chỉ có cày cuốc giảng đường là chính thì lúc ăn chơi cũng phải tử tế, kẻo lại có lỗi với mình.
Vẫn còn nợ Slumdog Milionaire, nhưng mà phim hôm nay hay quá nên cứ viết trước.
Ban đầu mình cũng chẳng để ý đến District 9 lắm, vì phim không thấy có diễn viên tên tuổi, mà xem trailer cũng không có gì hấp dẫn cả. Một sai lầm hết sức ngớ ngẩn và thường gặp khi đánh giá về phim. Rõ ràng với một kẻ chú tâm nhiều nhất đến nội dung phim thì dàn diễn viên đâu phải là cái quyết định? Mà các sao nổi bây giờ thì cũng phải qua bộ phim đầu tiên đấy thôi. Lúc đó có ai biết họ là ai đâu? Mà có vẻ không phải mỗi mình mới vậy. Dạo qua vài cái forum thấy nhiều bác ban đầu cũng không hứng thú lắm. Hehe, kể ra thế giới không phải mỗi mình ngu, cũng được an ủi, nhỉ!
Xa đề quá rồi. Quay lại mạch chính. Phim này là một trong số ít những phim làm cho mình thấy hơi rùng rợn khi xem, mặc dù nó không được xếp loại horror. Rùng rợn vì sự dã man của con người, không biết có phải tất cả không, nhưng trong phim này thì là đa số loài người, từ những kẻ văn minh cho tới lũ người mê tín. Người ta trở nên hung bạo, cuồng loạn không phải với lũ Prawn, mà còn hung bạo với chính đồng loại của mình.
Anh chàng Wikus, mặc dù chỉ là một nhân viên quèn chăng nữa, khi nói chuyện với người Prawn luôn giữ sự trịch thượng, bề trên của mình. Thậm chí anh chàng sẵn sàng đề nghị tiêu hủy cả một ổ trứng của người Prawn và lấy làm vui tai với tiếng trứng nổ lép bép, tiếng kêu gào của lũ Prawn con. Wikus vẫn tự coi mình là thượng đẳng cho đến khi anh bị phơi nhiễm và dần trở thành một Prawn. Người ta coi anh là một vật thí nghiệm, và lần đầu tiên Wikus mắt thấy tai nghe và tự cảm giác được sự đau đớn, khốn khổ mà con người dành cho đám Alien. Người ta sẵn sàng phanh thây Wikus với một lý do cực kỳ cao cả và thường hay được đem ra biện minh “Vì mục đích khoa học”. Trốn khỏi cái tập đoàn MNU thì rơi vào tay lũ cướp Nigeria, những kẻ quê mùa tôn thờ một thứ “khoa học” khác, để rồi lại bị đòi chặt tay cho thủ lĩnh của chúng ăn. Cướp hay tập đoàn thì vẫn vậy, có gì khác nhau đâu? Một bên khoác complet, một đằng mặc rách rưới, nhưng suy nghĩ thì tương tự nhau cả.
Người ta vẫn kể những câu chuyện về các thí nghiệm đáng sợ dưới thời Đức Quốc xã, những thứ thí nghiệm chẳng dựa trên một lý luận cụ thể nào. Người ta lên án những kẻ thực thi chúng, xem đó là tội phạm của cả loài người. Thế nhưng cơ bản thì đối với đám Alien, con người cũng có khác gì Đức Quốc xã đâu? Ai sẽ xét xử, ai sẽ trừng phạt nhân loại đây?
Tất cả những điều ấy, Wikus nhận ra hết. Anh bị thí nghiệm, bị săn đuổi bởi đồng loại của mình, giống loài anh yêu quý. Anh được bảo vệ bởi lũ bọ xấu xí mà anh coi thường, để rồi chính mình phải trở thành một trong số chúng mà không cách nào thay đổi. Không thể trở về với con người, mà cũng chẳng thể hòa nhập với lũ bọ, Wikus chỉ có thể chờ Christopher quay lại, chữa trị cho anh. Nhưng cái ngày ấy bao giờ sẽ đến thì chẳng ai dám nói cả. 3 năm, Christopher hứa với anh. Chờ đợi trong cô độc, có khác gì bị cầm tù ngay ở nhà đâu?
Bảo trọng nhé, Wikus!
P/S: Thằng em xem xong, phát hiện một điều rất buồn cười là Wikus ở Quận 10, cách Johannesbug đến 200km thì làm thế nào để được bông hoa trước cửa nhà vợ mà không bị phát hiện. Cũng chẳng có cách nào giải thích cho hợp lý cả. Thôi thì cứ coi là sự kỳ diệu đi vậy. Dù sao thì cũng có quá ít những điều như vậy, thêm một càng hay chứ sao.
Có lẽ với đa số những người khoảng tuổi mình, Tây du ký là chiếm một vị trí quan trọng trong ký ức tuổi thơ. Mình biết đến Tây du ký đầu tiên qua bộ truyện tranh do NXB Kim Đồng ấn hành. Bố mẹ cũng không mua được đủ, chỉ tới tập 20 thôi. Cứ trước khi đi ngủ là được mẹ đọc cho một đoạn, cứ đến hết tập 20 lại đọc lại từ đầu, đến mức sau này thuộc lòng từng chữ, mẹ đọc sai, đọc thiếu còn nhắc.
Đến khi phim chiếu trên vô tuyến, trẻ con có đứa nào là không háo hức được xem. Nhưng mà hầu hết toàn đám nhà nghèo, ăn còn phải độn thì nói gì đến việc có riêng vô tuyến, chỉ có cách đi xem nhờ mà thôi. Khổ nỗi giờ chiếu phim là khoảng 6h, giờ ăn cơm, vậy là tập được tập mất. Cũng may mà các nhà làm phim thương trẻ con nghèo, mỗi tập là xong một yêu quái nên có mất tập này tập nọ vẫn hiểu được, mặc dù vẫn cứ tưng tức vì được xem đủ hành trình của bốn thầy trò đi thỉnh kinh.
Thế rồi một ngày nọ, bố mang về một điều thần kỳ mang tên vô tuyến. Yên tâm là từ giờ thoải mái xem mà không phiền ai. Thế nhưng để xem được cũng lại là một vấn đề. Cái vô tuyến cũ, bắt sóng dở quá, lúc nét lúc nhiễu. Kinh nghiệm học được từ bố mẹ là sau một hồi xoay ăng ten không được thì đập vào hai bên là hết. Buổi chiều nọ, có mỗi mình và bà nội ở nhà, đang đúng đến đoạn đánh yêu quái thì nhiễu. Lúc ấy làm gì còn kiên nhẫn mà xoay này nọ, cứ đập vào cái vô tuyến khốn khổ. Chẳng dè trot mạnh tay, đập thụt luôn cái loa vào bên trong. Quả là hiệu nghiệm, hình lại nét như cũ, nhưng làm gì còn dám xem nữa, chỉ lo thò tay vào trong mà kéo miếng vỡ ra lắp lại, chỉ sợ về bị đòn. Nghĩ lại vẫn thấy sợ, may mà hồi ấy không bị điện giật…Đến lúc bố mẹ về, nghe chuyện chỉ cười, rồi bố lại lụi cụi tháo ra lắp lại…
Kể cũng buồn cười, sau bao nhiêu năm, mãi đến giờ mới đọc được đầy đủ bộ Tây du ký truyện chữ. Vốn có cả hai bản dịch của NXB Văn học, nhưng sau khi tham khảo ý kiến Superman, mình quyết định đọc bản 5 tập. Đọc mới thấy trí tưởng tượng của Ngô Thừa Ân thật phong phú, nhiều chi tiết phim buộc phải làm khác đi bởi không thể thực hiện được giống truyện. Phục nhất là khả năng viết của ông, ngôn từ của truyện trong sáng, dễ đọc dễ hiểu, mà các đoạn tả cảnh đa phần là thơ phú. Dù đã xem phim, nhưng đọc truyện vẫn có cái thú riêng mà phim không bao giờ đạt được.
Gắn bó với Tây du ký như vậy nên giờ mỗi khi nghe lại nhạc của phim lại thấy nhơ nhớ. Nhiều người hỏi tại sao lớn rồi vẫn đọc Tây du, chỉ cười mà chẳng biết thanh minh thế nào cho người ta hiểu rằng tuổi thơ vẫn luôn ở đó dù mình không còn nhỏ nữa.

Anh – người nông dân nghèo với gánh nặng gia đình và món nợ lớn cần trả. Gã – cầm đầu một băng cướp liều lĩnh, táo bạo.
Anh – tham gia chiến trận mà chẳng lập được công lao gì ngoài việc rút lui và bị đồng đội bắn nhầm đến mức phải cưa một bàn chân. Gã – tay súng thiện xạ, đồng thời lại là một tay vẽ rất đẹp, và luôn mồm trích dẫn Kinh thánh.
Cả 2 gặp nhau lần đầu tiên, khi gã vừa thực hiện xong vụ cướp, còn anh đi tìm đàn gia súc. Không có đấu sung, vì anh đi cùng 2 đứa con trai, còn gã đã lấy được tiền, và chẳng cần phải tàn sát thêm làm gì.
Lần thứ hai, khi anh quá uất ức định bắn chủ nợ, còn gã vừa trải qua những giờ phút tuyệt vời bên cô bồ của mình. Anh lập mưu lừa cho gã bị bắt, rồi nhận việc áp tải gã tới Contention, chờ chuyến tàu 3:10 đến Yuma, chuyến tàu đưa gã tới giá treo cổ.
Công việc ấy cho anh 200$, đủ để anh trả nợ, đủ để gia đình anh được sống yên ổn, nơi cậu con thứ 2 được hưởng bầu khí hậu khô nóng, thoát khỏi những cơn hen quái ác. 200$, quá nhiều, đủ để anh bất chấp mọi hiểm nguy đang rình rập. 200$, quá rẻ mạt so với tự do của gã. Gã sẵn sang trả anh 400, rồi 1000, đơn giản anh để gã ra đi. Nhưng anh không bị mua chuộc, cái anh cần không hẳn chỉ là tiền, mà còn là thứ gì đó nữa, một chiến công thực sự chứ không phải là những lời nói dối lũ trẻ.
Đi với anh, gã hiểu, và gã như đồng cảm được phần nào với anh. Vì thế, gã không tìm cách trố thoát nữa. Cả khi anh bị đàn em bắn, gã vẫn lên tàu, để gia đình anh được nhận 1000$ tiền thưởng. 1000$ ấy sẽ cho họ một đàn gia súc đông đúc, vợ anh đỡ vất vả, và con anh được ăn học tử tế. Quan trọng hơn, anh đã thực sự trở thành anh hùng trong mặt mọi người khi làm được một việc chẳng ai dám: áp tải tên cướp nguy hiểm lên tàu.
P/S: Vô lý nhất ở điểm tàu áp tải tù, mà chả có một ai bảo vệ, chỉ có 1 bác cảnh sát duy nhất, thậm chí không phản ứng gì khi đám đàn em của gã xông ra…